Trong tỉnh

Nghệ An: Đưa công nghiệp chế biến gỗ thành ngành kinh tế mũi nhọn

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 221 triệu USD, chiếm tỷ trọng lớn trong các mặt hàng xuất khẩu của Nghệ An.

TẠO SỰ ỔN ĐỊNH VỀ ĐẦU RA

Con Cuông là huyện có tiềm năng về diện tích thu hoạch keo rất lớn; hiện toàn huyện có khoảng trên 10.000 ha keo, trung bình mỗi năm người dân trồng trên 1.000 ha. Nhờ vậy, nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất giấy, ván gỗ ép ra thị trường khá dồi dào. Cùng đó tạo nguồn thu khả quan cho người dân, nhiều nơi có thu nhập khá nhờ trồng keo.

Trước đây, nhờ có các dự án về hỗ trợ trồng rừng, nhiều vùng ở Con Cuông đã trồng keo ồ ạt không đúng về kỹ thuật; mặt khác Nhà máy chế biến tinh bột giấy Tân Hồng ngừng hoạt động dẫn đến khi keo đến kỳ thu hoạch người dân đã gặp khó khăn về đầu ra, tình trạng bán keo non phổ biến, giá lại rẻ…

Ở Nghệ An đa số đang khai thác rừng non. Ảnh tư liệu

Anh Hà Văn Mắn, ở bản Nà Đười, xã Mậu Đức (Con Cuông) chia sẻ: Hiện nay, nhờ giao thông thuận tiện, nên khi cây keo đến độ tuổi thu hoạch thương lái vào mua luôn cả vườn, gia đình chỉ việc thỏa thuận giá bán và lấy tiền, còn việc thu hoạch, vận chuyển thương lái thực hiện. Với mỗi năm thu nhập thêm khoảng vài chục triệu đồng từ trồng keo, góp phần cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Mậu Đức đã xóa được đói, giảm được nghèo.

Sự thuận lợi trong đầu ra cho keo Con Cuông là do trên địa bàn có những đơn vị chế biến gỗ dăm hoạt động, bên cạnh nhiều đơn vị ở nơi khác cũng đến mua keo của nhân dân.

Dây chuyền sản xuất gỗ ván thanh ở Nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn. Ảnh: Tư liệu

Với sự ra đời của Nhà máy chế biến gỗ MDF Tháng Năm ở Nghĩa Đàn và chuẩn bị xây dựng Nhà máy chế biến gỗ công nghệ Châu Âu ở Anh Sơn… có thể nói đầu ra cho người trồng rừng của Nghệ An ngày một ổn định. Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Cùng với hệ thống các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, Nghệ An đã triển khai đồng bộ quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng, thu hút xây dựng một số nhà máy chế biến sản phẩm gỗ có quy mô như: ván MDF, ván ghép thanh, than hoạt tính, viên nén sinh học…

HƯỚNG TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN

Bình quân mỗi năm toàn tỉnh Nghệ An trồng 15.000 - 17.000 ha rừng, vượt quá tốc độ suy thoái vốn rừng, nâng tổng diện tích rừng trồng hiện nay lên trên 173.055 ha, độ che phủ rừng đạt 58%. Trên địa bàn tỉnh, trữ lượng gỗ hiện có trên 91 triệu m3; có trên 506 triệu cây tre nứa các loại và hàng nghìn cây dược liệu quý.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, Nghệ An vẫn chưa phát huy tốt tiềm năng lợi thế về tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng và vị trí chiến lược của tỉnh để phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

Chăm sóc vườn keo ở BQL rừng phòng hộ Yên Thành. Ảnh: Văn Trường

Diện tích rừng, đất lâm nghiệp chưa được giao còn lớn, toàn tỉnh hiện còn hơn 280 ha rừng và đất lâm nghiệp chưa giao, đang do chính quyền cấp xã quản lý.

Phấn đấu đến năm 2035, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Nghệ An trở thành ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của tỉnh và Nghệ An trở thành một trong những tỉnh có ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển có thương hiệu và uy tín.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị về phát triển lâm nghiệp công nghệ cao mới đây.

Tin vui nữa cho ngành lâm nghiệp Nghệ An là hiện tỉnh đã trình Bộ Nông nghiệp và PTNT xin chủ trương xây dựng Khu lâm nghiệp công nghệ cao. Trong đó: Khu công nghiệp chế biến gỗ tập trung chủ yếu phục vụ chế biến gỗ nội ngoại thất xuất khẩu và các mặt hàng phụ trợ cho công nghiệp chế biến gỗ; Trung tâm sản xuất giống lâm nghiệp chất lượng cao để cung cấp giống cây lâm nghiệp cho cả vùng Bắc Trung Bộ, nhằm cải thiện năng suất, chất lượng rừng trồng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ; Chợ đầu mối về nguyên liệu gỗ là khu phức hợp cung ứng ngành gỗ lớn nhất miền Bắc, không chỉ cung cấp các loại gỗ trong và ngoài nước cho ngành gỗ - nội thất của Việt Nam, mà còn cung cấp các thiết bị vật tư, phụ kiện, máy móc phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ, cũng là nơi trưng bày và tổ chức Hội chợ ngành gỗ cho vùng Bắc Trung Bộ.

Các dây chuyền gỗ ván thanh, ván ép đi vào hoạt động giúp nông dân Nghệ An phát triển trồng rừng nguyên liệu. Ảnh: Tư liệu

Với quy mô, quỹ rừng lớn, lại là tỉnh nằm ở trung tâm của khu vực miền Trung, giao thông thuận lợi, nên đây sẽ là “tâm điểm” để phát triển kinh tế rừng ở cả khu vực. Tuy nhiên, tỉnh cần xác định rõ sản phẩm chủ lực, mũi nhọn trong xây dựng ngành chế biến gỗ ứng dụng công nghệ cao, để từ đó có giải pháp phát triển nguồn nguyên liệu cụ thể. Đồng thời, để thu hút được các doanh nghiệp đầu tư.

Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT chia sẻ về chủ trương xây dựng Khu lâm nghiệp công nghệ cao tại Nghệ An

Nghệ An có tổng diện tích đất được quy hoạch phát triển lâm nghiệp lên tới 1.160.242,4 ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có trên 783.699 ha đất có rừng tự nhiên, diện tích chưa có rừng là gần 279.207 ha.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP