Chính quyền “bất nhất”
Thực hiện Quyết định số 1478/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Bản Mồng tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An và quyết định phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư, dự án hợp phần bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư công trình thủy lợi, thủy điện Bản Mồng của UBND tỉnh Nghệ An. Ngày 12/5/2010, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định 111 thu hồi 291.191,0 m2 đất lâm nghiệp do lâm trường Đồng Hợp (thuộc Công ty Lâm nông nghiệp Sông Hiếu quản lý, sử dụng) thuộc xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp.
Khi thực hiện thu hồi đất, thì 8 hộ dân trú tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An gồm các ông: Đinh Viết Minh, Phạm Xuân Nhân, Ngô Văn Trung, Trần Văn Thể, Trần Văn Bình, Nguyễn Duy Nhiệm và các bà: Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Hồng đã liên tục khiếu nại vì họ khẳng định mình có đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi, nhưng không được bồi thường. Đồng thời, các hộ dân còn bị xử phạt hành chính về hành vi lấn chiếm đất của Dự án (đất đã thu hồi của Lâm trường Đồng Hợp bàn giao cho dự án).
Bà Nguyễn Thị Hoa bên khu đất bị thu hồi tại xã Yên Hợp (Quỳ Hợp, Nghệ An). |
Đất của những công dân nêu trên được UBND xã Yên Hợp xác nhận là đất khai hoang đã canh tác ổn định liên tục từ các năm 1988, 1989 không có tranh chấp. Đáng chú ý, trong quá trình sử dụng đất của các hộ dân, UBND xã không nhận được văn bản nào của lâm trường Đồng Hợp hay Công ty Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu.
Sau đó, UBND xã Yên Hợp đã đề nghị UBND huyện lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, huyện cho rằng, do đất nằm trong khu quy hoạch xây dựng hồ chứa nước Bản Mồng nên UBND huyện Giấy chứng nhận mà đề nghị UBND xã xác nhận nguồn gốc sử dụng đất để bồi thường cho dân theo quy định.
Qua xem xét, UBND huyện Quỳ Hợp cũng thừa nhận nguồn gốc sử dụng đất như trên của các hộ dân và kiến nghị UBND tỉnh xác định phần diện tích đất của các hộ dân trên là loại đất nông nghiệp, trồng cây lương thực, cây hàng năm và cây lâu năm để lập phương án bồi thường cho dân. Tuy nhiên, UBND tỉnh Nghệ An vẫn không đồng ý bồi thường mà chỉ cho phép UBND huyện Quỳ Hợp hỗ trợ về đất với mức bằng 40% giá đất bồi thường tính theo diện tích thực tế thu hồi nhưng không quá hạn mức giao đất nông nghiệp.
Nhiều bất thường cần được làm rõ
Theo tìm hiểu của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, lý do mà UBND tỉnh Nghệ An từ chối bồi thường cho dân là vì phần đất mà các hộ dân yêu cầu bồi thường đã nằm trong diện tích đất mà ngày 29/8/2003, UBND tỉnh đã cấp GCNQSDĐ cho Lâm trường Đồng Hợp.
Theo tài liệu PV có được, vào ngày 16/3/2003, lâm trường Đồng Hợp có đơn xin đăng ký QSDĐ, gửi UBND xã Yên Hợp, Sở địa chính Nghệ An, với nội dung: kê khai đăng ký QSDĐ đất là 2.854 ha (nhưng không khai số thửa).
Đến ngày 15/5/2003, UBND xã Yên Hợp có Tờ trình số 08 trình UBND tỉnh Nghệ An cấp GCNQSDĐ cho lâm trường Đồng Hợp với nội dung: Diện tích 2.854 ha, phía bắc giáp huyện Quỳ Châu, phía đông giáp sông Hiếu, phía Nam giáp xã Đồng Hợp, phía tây giáp xã Châu Lộc.
Điều đáng nói, Tờ trình số 08 đã được trình khi không hề có việc thống nhất ranh giới đất của lâm trường Đồng Hợp. Mà tới 5 ngày sau, tức ngày 20/5/2003, mới có biên bản thống nhất ranh giới.
Bà Nguyễn Thị Hoa bên phần đất mà bà đã canh tác ổn định từ trước năm 1993 nhưng không được chính quyền bồi thường. |
Theo biên bản, thành phần tham gia xác định mốc giới tại thực địa, gồm: UBND xã Yên Hợp: Phó chủ tịch Mạc Hương; ban địa chính- ông Phan Thúc Huỳnh; UBND huyện Quỳ Hợp: phòng địa chính- ông Hủn Vi Linh; phòng nông nghiệp- ông Nguyễn Đình Tùng (Trưởng phòng). Biên bản lập xong lúc 17h cùng ngày, nghĩa là chỉ trong 1 ngày làm việc, 4 cán bộ trên đã kiểm tra thực địa, xác định được ranh giới khu đất lâm nghiệp rộng hàng nghìn ha, với địa hình đồi núi phức tạp (!).
Trong khi đó, ông Mạc Hương (tức Mạc Văn Hương, người có tên trong biên bản xác định ranh giới đất tại thực địa) khẳng định: “Từ khi tôi làm Phó chủ tịch UBND xã Yên Hợp, tôi chưa đi ra tới hiện trường để đo đạc, xác định mốc giới, xác định tứ cận thửa đất cho ai cả”.
Trước các vấn đề trên, dư luận đặt ra vấn đề là có hay không việc cơ quan chức năng đã không khảo sát thực địa để xác định ranh giới đất của lâm trường Đồng Hợp trước khi cấp GCNQSDĐ, nên không biết sự thật là có các hộ dân trên đã sử dụng đất từ năm 1988, dẫn đến diện tích đất trong GCNQSDĐ của Lâm trường Đồng Hợp chồng lên đất của dân? Phải chăng biên bản xác định ranh giới đất là biên bản mới được bổ sung nên mới có chuyện bất nhất của ông Mai Hương?
Về quá trình quản lý đất đai, UBND huyện Qùy Hợp cho biết, cơ quan này chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính trên địa bàn theo thẩm quyền chứ không lưu trữ các hồ sơ, tài liệu của lâm trường Đồng Hợp và của Công ty Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu.
Ngoài ra, UBND xã Yên Hợp cũng khẳng định UBND xã đã tiến hành kiểm tra sổ địa chính lưu tại UBND xã và không có hồ sơ đăng ký đất lâm trường Đồng Hợp lưu tại UBND xã Yên Hợp. Trong khi Điều 33 Luật Đất đai năm 1993 quy định: “Khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho phép thay đổi mục đích sử dụng đất hoặc đang sử dụng đất mà chưa đăng ký thì người sử dụng đất phải đăng ký tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sử dụng đất tại xã, phường, thị trấn nào thì đăng ký tại xã, phường, thị trấn đó). Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập và quản lý sổ địa chính, đăng ký vào sổ địa chính đất chưa sử dụng và sự biến động về việc sử dụng đất”.
Theo Luật sư Đào Việt Hà (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội): “Điều 21 Luật đất đai năm 1993 quy định: Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó. Vì vậy, để giao cho lâm trường Đồng Hợp, chính quyền phải có quyết định thu hồi đất của những người dân đã sử dụng đất từ năm 1988”. |
Tác giả: Doãn Hưng - Bùi An
Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường