Kinh tế

Nghệ An: Có nghiệp đoàn, ngư dân an tâm bám biển

Từ ngày có nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC), ngư dân huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã an tâm hơn khi ra khơi khai thác hải sản.a

Nghiệp đoàn Nghề cá xã Diễn Bích là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.Ảnh: H.QUÂN

Năng suất tăng nhờ nghiệp đoàn

Trước đây, khi chưa có NĐNC Diễn Bích, việc đánh bắt hải sản diễn ra đơn lẻ, gặp nhiều khó khăn, rủi ro. Từ khi có NĐNC, bà con ngư dân xã Diễn Bích an tâm bám biển, đoàn kết giúp nhau, năng suất tăng cao. Tháng 12.2013, thực hiện chủ trương thành lập NĐNC của Tổng LĐLĐVN, NĐNC Diễn Bích đã được thành lập. Đây là nghiệp đoàn đầu tiên tại Nghệ An, đến nay qua 4 năm phát triển đã có 188 thành viên, hơn 60 đầu tàu.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Thái Bá Bảy - Phó Chủ tịch NĐNC Diễn Bích, huyện Diễn Châu - cho biết: “NĐNC Diễn Bích được thành lập làm điểm của Nghệ An vào ngày 22.12.2013, đến nay 6 tổ của nghiệp đoàn hoạt động hiệu quả, mang lại những thay đổi rõ rệt về năng suất đánh bắt và nâng cao tính tập thể, đoàn kết. Đây là mô hình có hướng đi đúng đắn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng ven biển, hơn thế nữa ngư dân có thể yên tâm bám biển, xem biển là nhà. Sau NĐNC chúng tôi, hy vọng sẽ có nhiều nghiệp đoàn ở Nghệ An ra đời”.

Cũng theo ông Bảy, từ khi NĐNC ra đời, các thành viên, chủ tàu cũng nhanh chóng được tiếp nhận các chính sách hỗ trợ có hiệu quả của Nhà nước. Từ những chính sách như hỗ trợ đầu tư đóng mới phương tiện, và đặc biệt là sự quan tâm động viên của liên đoàn...

Anh Trần Văn Tâm (xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu) chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi tàu ai người nấy lo. Nay đã có nghiệp đoàn thì chúng tôi xem nhau như một nhà, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau khi gặp nạn, đồng thời chia sẻ cùng nhau khi phát hiện tàu lạ, vùng có nhiều cá... Có nghiệp đoàn, chúng tôi tự tin bám biển ngày đêm để làm kinh tế và gìn giữ chủ quyền biển đảo”.

Hỗ trợ kịp thời ngư dân gặp nạn

Mỗi khi có tàu cá của ngư dân gặp nạn, NĐNC sẽ báo cáo sự việc đến LĐLĐ huyện Diễn Châu, từ đó các chủ tàu và thuyền viên sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí từ các tổ chức. Ông Phạm Đức Cường - Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu - cho biết: “Lúc có tàu hoặc ngư dân gặp nạn, LĐLĐ sẽ trích một phần kinh phí hỗ trợ kịp thời đến ngư dân, sau đó làm hồ sơ đề nghị cấp trên giúp đỡ. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ cũng không nhiều vì nguồn kinh phí của liên đoàn còn eo hẹp”.

Nói về những khó khăn của nghiệp đoàn, ông Cường nói: “Là mô hình mới, nên các hoạt động của NĐNC vẫn còn những khó khăn. Ví dụ về sinh hoạt, với đặc thù làm nghề khai thác hải sản xa bờ, mỗi chuyến đi biển thường kéo dài từ 20-25 ngày, việc duy trì sinh hoạt định kỳ hằng tháng khó đầy đủ... Kinh phí hoạt động của các nghiệp đoàn chủ yếu dựa vào nguồn thu đoàn phí, với mức thu từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/người/tháng. Số này chỉ đủ sử dụng thăm hỏi đoàn viên, chưa đủ để mở rộng hoạt động”.

Tuy nhiên dù gặp nhiều khó khăn, nhưng NĐNC Diễn Bích vẫn luôn cố gắng tạo mối liên hệ, đoàn kết giữa các đoàn viên. Mỗi năm vào dịp tết, NĐNC sẽ tổ chức thăm hỏi tặng quà cho 6 tổ, mỗi tổ 300.000 - 500.000 đồng. Kêu gọi giúp đỡ tàu cá gặp nạn như trường hợp của ngư dân Trần Văn Tâm kêu gọi tổ chức công đoàn giúp đỡ được 5 triệu đồng, tàu của đoàn viên Đặng Sơn (xóm Quyết Thắng) bị chìm cũng được hỗ trợ 10 triệu đồng từ các tổ chức…

Anh Đặng Sơn cho biết: “Năm 2015, tàu tôi bị chìm, rất may được các tàu cá của đoàn viên trong nghiệp đoàn giúp đỡ dìu dắt tàu về đất liền. Không những vậy, NĐNC Diễn Bích còn hướng dẫn tôi làm các thủ tục để hưởng trợ cấp, hỗ trợ kinh phí, bảo hiểm… Tôi thấy NĐNC là một tổ chức phù hợp với những người dân như chúng tôi, đây là mô hình cần nhân rộng ở nhiều nơi”.

Tác giả bài viết: HỒNG QUÂN

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP