Trong tỉnh

Hoang tàn Văn Miếu Vinh

Văn Miếu Vinh tồn tại hàng trăm năm và có ý nghĩa sâu nặng tới phong trào hiếu học của người dân xứ Nghệ. Nhưng di tích này đã thành phế tích, gần 20 năm, việc phục hồi tôn tạo Văn Miếu Vinh vẫn nằm trên giấy.

Cảnh hoang tàn, nhếch nhác của Di tích Văn Miếu Vinh

Vị trí của Văn Miếu Vinh, nay là khuôn viên của Công ty CP In Nghệ An (số 216, đường Trần Phú, phường Hồng Sơn, TP Vinh). Khuất phía sau nhà xưởng, di tích chỉ còn sót lại ngôi Hậu cung cột gỗ, mái ngói rong rêu. Phía trước là bàn thờ do lãnh đạo công ty này lập nên để thời cúng mỗi dịp mùng Một và Rằm.

Phía trong Hậu cung là khung cảnh hoang phế, tan hoang, mạng nhện giăng chằng chịt, bốn bức tường cũ kỹ, trát vữa loang lổ. Công ty CP In Nghệ An (Cty In) tận dụng chứa giấy và các vật dụng thải loại. Xung quanh Hậu cung, cỏ rác, vật liệu của cty In vứt bừa bãi. Những hạng mục công trình khác cũng xuống cấp nghiêm trọng. Trước cổng cty In tiếp giáp với quốc lộ 1A là hàng quán cho thuê.

Ông Uông Văn Hiệp - Giám đốc Công ty CP In Nghệ An cho biết: “Toàn bộ diện tích đất do công ty quản lý trên di tích Văn Miếu Vinh 6.700m2. Hơn 400m2 của bốn cửa hàng trước cổng và bên cạnh công ty là của hai cổ đông thuê sau khi công ty cổ phần hóa năm 2006”.

Theo vị giám đốc này, tiền thân của công ty In là Nhà máy In Nghệ An, xây dựng trên đất Văn Miếu Vinh vào năm 1958. Tiếp theo là nhiều tên gọi của các nhà máy, xí nghiệp in ấn khác nhau, giờ đã cổ phần hóa thuộc Công ty CP In Nghệ An.

Ngày 10/10/2007, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học, chọn địa điểm phục hồi, tôn tạo Văn Miếu (các kiến trúc cảnh quan như sân, tường rào, tam quan, khuê văn các, giếng Thiên Quang Tĩnh, nhà bái đường, hậu cung, tả vu, hữu vu; các bia đá ghi tên những vị đỗ đạt ở Nghệ An qua các kỳ thi…).

Ngày 27/5/2011, Tỉnh uỷ Nghệ An họp và kết luận “đồng ý phục hồi, tôn tạo di tích Văn Miếu Nghệ An”. Tổng mức đầu tư 196 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ trung ương, ngân sách tỉnh Nghệ An, TP Vinh và xã hội hóa. Tuy nhiên từ đó, tất cả kế hoạch phục hồi tôn tạo di tích Văn Miếu Vinh đều nằm trên giấy.

Ông Nguyễn Hữu Trung - Trưởng phòng VHTT thành phố Vinh cho biết: “Nghệ An là đất học. Có thể xem Văn Miếu Vinh là một trong những cái nôi của đất học xứ Nghệ, là một điểm hội tụ và tỏa sáng có giá trị về tri thức nguồn cội, một thương hiệu của xứ Nghệ xưa và nay”.

Lí giải về sự chậm trễ tôn tạo di tích Văn Miếu Vinh, ông Trung nói “vì không có vốn”. Chủ tịch UBND thành phố Vinh Trần Ngọc Tú cho hay, nguyện vọng của người dân là mong muốn khôi phục lại Văn Miếu Vinh, vì đây là một di tích có ý nghĩa sâu nặng tới phong trào hiếu học của người dân xứ Nghệ.

Theo sử liệu, Văn Miếu Vinh (Văn Thánh Vinh) được xây dựng năm 1803, thời Vua Gia Long tại xã Yên Dũng, tổng Yên Trường, nay là phường Hồng Sơn, TP Vinh (Nghệ An). Văn Miếu Vinh là miếu điện chính của tỉnh lỵ. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, di tích Văn Miếu Vinh đã trở thành...phế tích.

Tác giả: CẢNH HUỆ

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP