Thế giới

Nể phục cách người Nhật cảnh báo trước và cứu hộ sau siêu bão mạnh nhất 6 thập kỷ

Công tác cảnh báo và cứu hộ không thể chê trách của Nhật Bản trong trận siêu bão vừa qua làm giảm tối đa thiệt hại mà thảm họa thiên nhiên này gây ra.

Siêu bão Hagibis tối 12/10 tấn công miền Trung Nhật Bản, mang theo mưa lớn, gây lũ lụt trên diện rộng ở nhiều khu vực. Mặc dù càn quét vào cuối tuần, nhưng từ đầu tuần, người dân khắp Nhật Bản đã bắt đầu nhận được các cảnh báo về trận bão mạnh nhất 60 năm qua.

Cảnh báo được phát đi từ hầu hết các cơ quan, phòng ban, các thông báo nhỏ được in thành giấy dán đầy các chung cư, khu căn hộ để đảm bảo người dân không bỏ qua thông tin cơ bản về cơn bão. Đặc biệt, nhiều thông báo còn được viết bằng nhiều thứ tiếng để đảm bảo người nước ngoài có thể đọc được và hiểu.

Các hãng tin, cơ quan thời tiết Nhật Bản cập nhật tình hình cơn bão liên tục trên mạng xã hội. Nhiều website du lịch thay vì cung cấp các địa điểm ngắm mùa Thu Nhật Bản đẹp nhất khi mùa lá đỏ đang về, đăng tải các cảnh báo, khuyến cáo với các du khách.

Một trung tâm sơ tán ở Suzuka, Nhật Bản ngày 12/10. (Ảnh: Reuters)

"Du khách tới Nhật Bản nên cập nhật các báo cáo thời tiết địa phương, làm theo hướng dẫn của các quan chức địa phương. Vui lòng kiểm tra Cổng thông tin phòng chống thiên tai để biết thông tin sơ tán", trang tin du lịch JNTO cảnh báo.

Trước khi siêu bão đổ bộ, chính quyền các địa phương ban bố cảnh báo thiên tai cấp cao nhất, yêu cầu người dân đề cao cảnh giác trước nguy cơ lũ lụt và lở đất do mưa lớn được miêu tả là "chưa từng có". Gần 8 triệu người trong các vùng bị ảnh hưởng đã được sơ tán tới nơi an toàn trước khi siêu bão đổ bộ.

Ở Chiba, một trong những khu vực được dự đoán là chịu thiệt hại nặng nề nhất, giới chức ban bố khuyến cáo với 5 lưu ý rõ ràng: sơ tán sớm, chuẩn bị đồ dự trữ có thể dùng được 1 tuần 3 ngày trước bão, đổ đầy bình xăng xe hơi, đảm bảo liên lạc với gia đình và người quen, cập nhật các thông tin thời tiết mới nhất.

Hiện tại, khi cơn bão tạm thời đi qua, giới chức Nhật vẫn cảnh báo người dân về các mối nguy hại có thể xảy tới sau cơn bão.

"Rất nhiều rủi ro vẫn còn, và đó là một thực tế chúng ta phải cảnh giác. Chúng ta phải làm hết sức mình. Trong những thời điểm này, một thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, chính trị gia đảng cầm quyền Fumio Kishida cho hay.

Song song với công tác cảnh báo, nỗ lực cứu hộ của Nhật Bản sau trận bão cũng được đánh giá cao.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản huy động khoảng 27.000 nhân viên thuộc Lực lượng Phòng vệ tham gia các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ trên khắp cả nước.

Trực thăng được huy động tham gia và công tác tìm kiếm, cứu hộ. (Ảnh: AP)

Sáng 13/10, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho biết chính phủ sẽ thành lập một nhóm đặc trách để thu thập thông tin về thiệt hại của siêu bão và thực hiện mọi biện pháp để giúp người dân khắc phục hậu quả.

"Chính phủ sẽ hợp tác với các công ty cung cấp điện, nước và vận tải để nối lại các dịch vụ này càng sớm, càng tốt", ông Abe nói trong cuộc họp với người đứng đầu các bộ liên quan tại Văn phòng Thủ tướng.

Tại một số điểm khó tiếp cận bằng đường bộ, Nhật Bản điều động trực thăng và xuồng cứu hộ tới giải cứu người dân bị mắc kẹt trong những ngôi nhà ngập trong biển nước hay tại các khu vực bị lở đất nghiêm trọng.

Tại các thị trấn ven biển, nhiều trung tâm sơ tán được thiết lập để phục vụ cho hàng chục nghìn người.

Trung bình một năm Nhật Bản phải hứng chịu 20 cơn bão. Nhưng chưa bao giờ người dân Nhật thôi nhắc nhở người dân mỗi khi một cơn bão mới chuẩn bị đổ bộ.

Ký ức về trận siêu bão Ida năm 1958 cướp đi sinh mạng của 1.200 người vẫn chưa bao giờ thôi ám ảnh nhiều người Nhật Bản. Giới chức và người dân luôn tâm niệm rằng họ sẽ làm mọi cách để thảm họa cách đây hơn 6 thập kỷ này không bao giờ lặp lại.

Tính tới thời điểm chiều 13/10, 20 người chết và 22 người khác được báo cáo còn mất tích khi cơn bão mạnh nhất 6 thập kỷ quét qua Nhật Bản.

Tác giả: Song Hy (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo điện tử VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP