Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Ảnh: Reuters) |
"Chúng ta cần thay thế các biện pháp trừng phạt bằng đối thoại và tham vấn", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại sự kiện với nội dung tập trung chủ yếu vào quan hệ Mỹ - Trung hôm 18/12.
Ông Vương kêu gọi Mỹ chấm dứt "quan niệm thái quá về an ninh quốc gia" và "tùy tiện đàn áp các công ty Trung Quốc". Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng các lệnh trừng phạt đơn phương đã trở thành "yếu tố gây bất ổn lớn nhất cho an ninh khu vực và toàn cầu".
"Trung Quốc không và sẽ không phải là mối đe dọa với Mỹ", ông Vương nhấn mạnh.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị được đưa ra sau khi Mỹ tuyên bố sẽ liệt thêm hàng chục công ty Trung Quốc, bao gồm SMIC - nhà sản xuất chip hàng đầu của nước này, vào danh sách trừng phạt thương mại.
Lệnh trừng phạt trên là đòn giáng mới nhất trong nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm củng cố di sản cứng rắn với Trung Quốc, trước khi tổng thống đắc cử Mỹ nhậm chức vào tháng tới.
Ngoại trưởng Trung Quốc chỉ trích những nỗ lực của các chính trị gia Mỹ nhằm bôi nhọ đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng đây là những cáo buộc vô căn cứ và không có bằng chứng. Ông Vương cũng hối thúc các chính trị gia Mỹ tôn trọng lợi ích của Trung Quốc ở Tân Cương và Tây Tạng.
Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang suốt nhiều tháng qua, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mâu thuẫn trong nhiều vấn đề, từ đại dịch Covid-19, luật an ninh ở Hong Kong, Biển Đông, Đài Loan cho tới chiến tranh thương mại… Giới phân tích cho rằng mối quan hệ này đang ở mức thấp nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979.
Ví quan hệ Mỹ - Trung như một "con tàu khổng lồ", Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng lợi ích của cả thế giới đang gặp rủi ro.
"Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng, đã đến lúc quyết định hướng đi của con tàu này trong tương lai", ông Vương nói, đồng thời kêu gọi Mỹ xây dựng chính sách phù hợp với Trung Quốc "trong thời gian sớm nhất".
Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết Trung Quốc đã ghi nhận 4 ưu tiên chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden và tin rằng, ít nhất 3 trong số các ưu tiên này, gồm ứng phó Covid-19, hồi phục kinh tế và biến đổi khí hậu, là các lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác.
"Chúng tôi hy vọng chúng ta sẽ mở rộng hợp tác và xử lý những bất đồng thông qua đối thoại", ông Vương nói thêm.
Loạt đòn trừng phạt của Mỹ
Chính quyền Trump thường sử dụng lệnh trừng phạt như một đòn giáng nhằm vào các ngành công nghiệp then chốt của Trung Quốc. Hơn 275 công ty và chi nhánh tại Trung Quốc đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen.
Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ thường xuyên triển khai các biện pháp trừng phạt Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia. Các biện pháp này bao gồm tăng thuế hay hạn chế các công ty Trung Quốc tiếp cận các nhà cung cấp quan trọng của Mỹ. Trong những ngày cuối của nhiệm kỳ, chính quyền Trump vẫn áp lệnh trừng phạt đối với các công ty và quan chức Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ hồi đầu tháng thông báo đã dừng 5 chương trình trao đổi văn hóa với Trung Quốc, cáo buộc đây là "công cụ tuyên truyền quyền lực mềm" của Bắc Kinh. Mỹ cũng áp lệnh trừng phạt 14 phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc và hạn chế thời hạn thị thực du lịch đối với đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc từ 10 năm còn 1 tháng.
Bộ Quốc phòng Mỹ trong tháng này cũng đưa thêm 4 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách trừng phạt, cho rằng các doanh nghệp này thuộc sở hữu hoặc bị kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc và có thể gây ra mối đe dọa với an ninh quốc gia của Mỹ.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí