Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ - Donald Trump tuyên bố muốn xem xét lại việc tái gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) - thỏa thuận ông đã rút ra từ đầu năm ngoái. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đường quay lại của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rất khó khăn.
Vị thế của Mỹ giờ đã yếu hơn rất nhiều
Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ chỉ gia nhập lại nếu TPP “được cải thiện đáng kể” so với phiên bản đã thống nhất dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Giới chuyên gia cho rằng khi các nước đã đàm phán và ký xong phiên bản mới - CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương), việc này sẽ cực kỳ khó.
“Lẽ ra chính quyền Trump đã có tiếng nói lớn hơn nhiều nếu kiên quyết tái đàm phán ngay khi vừa bắt đầu nhiệm kỳ”, Edward Alden - nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế (CFR) cho biết, “Còn giờ, vị thế của Mỹ đã yếu hơn rất nhiều rồi”.
Tổng thống Mỹ - Donald Trump trong một sự kiện tại Nhà Trắng đầu năm ngoái. Ảnh: Reuters |
Nhiều điều khoản Mỹ thúc đẩy thành công trong hiệp định ban đầu, như quyền sở hữu trí tuệ, đã bị đình chỉ trong phiên bản mới. Nếu muốn đưa chúng quay lại, Mỹ sẽ cần sự đồng ý của 11 thành viên còn lại.
Các nước TPP sẽ sẵn sàng làm điều này nếu Mỹ chấp thuận tăng mở cửa thị trường, Deborah Elms - Giám đốc Trung tâm Thương mại châu Á ở Singapore nhận xét. Tuy nhiên, nếu chính quyền Mỹ đòi hỏi nhiều thay đổi hơn nữa, các nước khác sẽ khó chấp nhận.
“Các thành viên ban đầu mất 5 năm đàm phán ròng rã mới có TPP, chỉ để Mỹ rút ra trong tích tắc. Sau đó, họ mất thêm cả năm dài nữa để sửa đổi hiệp định cho phù hợp với 11 nước còn lại. Vì thế, chẳng ai hào hứng với việc cân nhắc các đòi hỏi mới của Mỹ nữa”, Elms cho biết.
Không có nhu cầu “tái đàm phán để thay đổi đáng kể”
Nhiều nước TPP đã phản hồi khá thận trọng về việc ông Trump suy nghĩ lại. “Chúng tôi rất hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Mỹ nếu thực sự ông ấy nhận ra ý nghĩa và ảnh hưởng của TPP”, Yoshihide Suga - Chánh văn phòng nội các Nhật Bản cho biết. Dù vậy, ông cũng cảnh báo “việc tái đàm phán một phần là cực kỳ khó khăn”.
Thủ tướng New Zealand - Jacinda Ardern cũng đồng tình với quan điểm này: “Nếu Mỹ thực sự muốn tái gia nhập, các nước sẽ phải kích hoạt một quy trình đàm phán mới. Chen vào giữa một hiệp định đang tồn tại không phải là điều đơn giản”.
Bộ trưởng Thương mại Australia - Steven Ciobo chào đón thông tin Mỹ quan tâm tới TPP lần nữa, nhưng cho biết ưu tiên hiện tại là giúp CPTPP có hiệu lực. “Chẳng ai có nhu cầu tái đàm phán đáng kể hiệp định theo hướng TPP ban đầu”.
Giới phân tích cho rằng ông Trump có thể tiếp cận bằng cách đồng ý phiên bản hiện tại, rồi ký hiệp định song phương với từng thành viên. Ví dụ như ký thỏa thuận về mua bán ôtô với Nhật.
“Nhưng thế có nghĩa là Mỹ phải thuyết phục Nhật đồng ý”, Elms cho biết. Ông dự báo 11 nước còn lại sẽ không mấy “nhiệt tình” với ý tưởng đàm phán song phương với Mỹ.
Bên cạnh đó, kể cả nếu muốn quay lại TPP thật, ông Trump cũng sẽ gặp nhiều khó khăn tại Quốc hội. Rất khó đàm phán một hiệp định kịp lúc, để các nhà làm luật bỏ phiếu trước thời điểm bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 này.
“Và nếu đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 11, khả năng họ cho phép ông Trump gia nhập TPP gần như bằng 0”, Alden cho biết, “Cơ hội gần như chắc chắn đã qua rồi”.
Tác giả: Hà Thu
Nguồn tin: Báo VnExpress