Cộng đồng mạng

Mùa cưới, những "tấm thiệp mời trên bàn" và tiếng thở dài của dân công sở khi lương tháng không đủ tiền mừng

"Tấm thiệp mời trên bàn, thời gian địa điểm rõ ràng, ngó qua bỗng dưng thấy hoang mang." Vừa lĩnh lương xong đã phải rút bằng sạch, ôi công sở mùa cưới, chỉ dân văn phòng mới hiểu mà thôi...

Mấy tháng cuối năm, trong khi bao người xúc động cảm thán vì thời tiết chuyển mùa thật đẹp, thì với dân công sở, đó lại là thời điểm bắt đầu chuỗi ngày vui buồn lẫn lộn, thương xót cho ví tiền của mình, khi hình dung ra viễn cảnh những đồng lương đội nón ra đi theo đống thiệp mời la liệt trên bàn. Đến văn phòng mùa này, điều bi kịch nhất không phải là sếp hay deadline, mà là sự hiện diện của những tờ "invitation" có ghi ngày tháng địa điểm rõ ràng, khiến ta bỗng dưng thấy hoang mang...

Mùa cưới về, mùa các đôi uyên ương ngập trong hạnh phúc, nhưng với dân công sở...

... nó lại mang tên là mùa "cháy túi", vì phải trích cả đống lương đi mừng!


Chị Khánh Nguyễn (35 tuổi, nhân viên văn phòng)

Là mẫu phụ nữ công sở điển hình với thời khóa biểu hàng ngày chỉ xoay quanh bàn giấy, gia đình, con cái, chị Khánh luôn đau đầu với đủ loại danh sách chi tiêu. Ngoài sinh hoạt phí, tiền học cho con thì một nỗi ám ảnh khiến chị muốn “độn thổ” chính là tiền mừng đám cưới!

Không riêng chị Khánh, với hầu hết các mẹ bỉm sữa khác thì cái gạch đầu dòng có tên là “ma chay cưới hỏi” luôn xuất hiện trong sổ ghi chép chi tiêu hàng tháng, lên xuống như đồ thị hình sin. Đặc biệt là vào cao điểm mùa cưới như hiện tại, thì cái đồ thị ấy cứ lên mãi chẳng thấy xuống, khiến chị đứng ngồi làm việc không yên.

Bà mẹ công sở Khánh Nguyễn buồn phiền khi tốn cả nửa tháng lương chỉ để đi mừng cưới.


Bà mẹ trẻ thở dài: “Không phải mình tiếc tiền, nhưng có tháng cao điểm tận 8 cái đám cưới, thấy sợ quá. Trời ơi, cả mình lẫn chồng đều thay phiên nhau đi ăn cỗ liên tục, mấy tháng gần đây bị lạm chi nên mình phải cắt hết các khoản mua sắm vui chơi giải trí của gia đình chỉ để dành tiền mừng cưới. Toàn bạn bè đồng nghiệp, cả họ hàng nữa, muốn tránh không được”.

Nhẩm tính ra, với mỗi đám “thân không tránh được” như vậy, vợ chồng chị Khánh phải đóng phong bì không dưới 500 ngàn/ người, 8 đám cũng đi toi… 4 triệu, bằng nửa tháng lương văn phòng. Chẳng dám kêu than, chị ngậm ngùi nhìn bàn làm việc, lại vừa có ai đấy gửi thiệp mời…

Ngọc Ánh (24 tuổi, biên tập viên)

Khác với chị Khánh, cô nàng Ngọc Ánh vẫn độc thân nên chưa phải tính toán các khoản cho gia đình riêng. Song, nỗi sợ mang tên “đám cưới” lại ám ảnh Ngọc Ánh theo kiểu khác, đấy là mỗi tháng đến ngày nhận lương, điện thoại báo ting ting là cô gái trẻ cảm giác cái thẻ ATM không còn thuộc về mình nữa, bởi chắc chắn vài hôm sau, gần nửa số lương sẽ “bay” vào thùng mừng cưới của bạn bè, đồng nghiệp gần xa.

"Người ta lo sốt vó vì 24 tuổi chưa cưới, mình chỉ lo sốt vó vì không đủ tiền đi ăn cưới!". (Ngọc Ánh áo đen cạnh cô dâu)


Tầm tuổi như Ngọc Ánh (20 - 26) đang rơi vào nhóm khủng hoảng trầm trọng vì bị mời cưới quá nhiều! Đến cơ quan toàn nam thanh nữ tú đon đả gửi thiệp hồng báo tin vui, thay vì nghĩ xem dự tiệc hỷ mặc đồ gì cho đẹp, thì Ánh ôm đầu suy nghĩ xem đóng tiền nhà trọ, điện nước, xăng xe… xong rồi, thì còn dư vài trăm đủ nhét phong bì hay không???

“Căng nhất có tuần 2 đám cưới liền nhau. Nói chung chưa chồng con nên mình tiêu pha vẫn thoải mái, không đến mức cạn kiệt ngân quỹ, mức chi tiền mừng trong khả năng của mình tầm 300 – 500 tùy đám, nhưng tháng này bắt đầu cưới nhiều nên mình xác định phải giảm bớt shopping, café để không bị cháy túi”. Xem ra, cô nàng độc thân cũng biết tính toán khá hợp lý, vừa đi dự đám cưới vui vẻ, vừa đảm bảo ví tiền.

Minh Gianh (25 tuổi, biên tập viên)

Có nhiều bạn bè đang tầm tuổi kết hôn, nên đi ăn cưới liên tục với Minh Gianh là chuyện bình thường.


Bà bầu trẻ này vừa lập gia đình, nên đang phải đối mặt với cảnh méo mặt tính toán, cân đối chi tiêu, trong đó thì khoản hiếu hỷ bắt đầu dày hơn trước, khác với lúc còn độc thân. Bình thường người ta cưới đã nhiều, sang mùa thu thì số lượng càng tăng lên, đồng nghiệp trẻ ở cơ quan kết hôn liên tục, Gianh cảm thấy hơi "chóng mặt" mỗi khi đến kỳ lương.

Minh Gianh chia sẻ: “Năm nay, hội bạn 9X của mình lấy chồng hết nên lắm thiệp mời đám cưới hơn. Mới đầu tháng mà mình đã nhận được 2 cái thiệp mời rồi. Trong tháng 10 này còn có 2 cô bạn thân đánh tiếng lên xe hoa vào giữa tháng. Vừa mới nhận được lương xong thì đã phải rút sạch để chuẩn bị tiền mừng. Bạn bè xoàng xoàng, ở mức độ xã giao thì 300 - 500k, còn bạn bè thân thích thì cũng phải 1 triệu. Như vậy, tính nguyên tiền đi ăn cỗ đã mất 2 - 3 triệu rồi.

Chưa kể là có những đám cưới bạn bè, người thân ở quê, mình lại phải xin nghỉ một buổi làm vì có những mối quan hệ mình không đi không được, không đi thì mai này chẳng còn mặt mũi mà gặp nhau nữa. Nếu tính cả ngày lương đó vào nữa thì cũng mất kha khá tiền chứ không phải ít.

Vì có quá nhiều khoản phải chi tiêu nên lương không đủ đi mừng cưới, nhưng Gianh được chồng hỗ trợ nên cũng bớt lo lắng.

Trước thì đỡ, nhưng giờ lấy chồng rồi, còn bao nhiêu khoản phải chi nữa nên nhiều lúc mình thấy sốt cả ruột. Mình đang bầu bí phải thêm tiền sữa bầu, thuốc bổ, siêu âm thai, rồi tiền mua đồ ăn tẩm bổ… cộng lại thì tốn thêm tầm 2 triệu nữa. Trông chờ vào mỗi tiền lương chẳng bao giờ đủ cả, lúc nào đi đám cưới cũng phải chồng trợ giúp”.

Lê Giang (27 tuổi, manager)

Suốt ngày bị bạn bè trêu chọc là sắp lên chức Hội trưởng hội Ế xuyên quốc tế, nhưng Lê Giang vẫn tươi rói khi có ai đó hỏi chuyện bao giờ cưới xin. Là cô gái trẻ trung hiện đại, với suy nghĩ cởi mở, nữ quản lý xinh đẹp cảm thấy thoải mái hài lòng với cuộc sống độc thân, chị không lo lắng, tủi thân khi tháng nào cũng nhận được cả đống thiệp hồng từ phía bạn bè, anh em, đồng nghiệp, bởi lý do rất đơn giản: độc thân nhiều năm nên kinh tế rất vững vàng!

Đến mùa cưới, số lần nhận thiệp mời của Lê Giang có khi còn... nhiều hơn số tuổi của chị.

Không chỉ tiêu tốn khoản lớn cho đám cưới, Giang còn "thâm hụt" ngân quỹ vì mua sắm quần áo đi kèm.


Trung bình 1 tháng Lê Giang tiêu tốn khoảng 3 triệu cho việc mừng cưới, chia đều cho 4 – 5 đám. Đấy là số lượng đám cưới chị đích thân tới dự, còn đám mời mà không đi, phải gửi tiền mừng thì… liệt kê ra chắc cũng xót. Mỗi lần được trao thiếp tận tay Giang vẫn cảm thấy buồn vui lẫn lộn, vì có lúc chi tiêu quá tay khiến cô nàng phải đi vay để… đóng phong bì. Viễn cảnh mùa cưới vẫn còn kéo dài tận 5 tháng nữa, Lê Giang cảm thấy khóc không được cười không xong.
Thế là tháng sau có nguy cơ nhịn mua mấy chiếc váy body xinh đẹp, lục lại đồ cũ để tiết kiệm tiền đi dự đám cưới thôi…

Hồng Đức (24 tuổi) và Nguyễn Nhật Ánh (25 tuổi, designer)

Hồng Đức (áo hồng) vừa đầu tháng đã mất ăn mất ngủ vì mấy cái thiệp đang chờ ở cơ quan.

Còn Nhật Ánh thì mong ước "nhỏ nhoi" rằng bạn bè đồng nghiệp chỉ cần 1 tháng 1 đám cưới thôi...

2 chàng hotboy Hà Nội này cũng là thành viên hội độc thân vui vẻ, trung thành quan điểm không kết hôn quá sớm. Tuy nhiên, bộ đôi trai đẹp đang “khủng hoảng kinh tế” nặng nề vì bị mời cưới quá nhiều. Vừa đầu tháng lĩnh lương, chưa kịp hí hửng đi chơi thì 2 cậu chàng đã có nguy cơ vô sản vì phải đối mặt với… một list thiệp mời mới cóng.

“Tầm tuổi như bọn mình nhiều đứa bạn lập gia đình hết rồi. Vài bữa lại có đứa gọi điện nhắn tin rủ đi uống nước, tụ tập một hội, xong rồi xòe tay ra chờ nó phát thiệp như phát lì xì, nhưng ôm cái tờ xanh đỏ tím vàng về xong là xác định tuần sau mất 5 lít đến 1 củ, tùy thuộc mức độ thân quen. Nghe bạn báo tin vui, miệng thì cười nhưng thực ra ruột đau như cắt. Mình từng mạnh tay chi hẳn phong bì 1 triệu rồi, muốn ki bo cũng không được, vì là bạn nối khố. Sau này cũng đến lúc mình cưới, phải đi mời người ta thôi, nên chấp nhận là có bị mời nhiều vẫn phải đi vui vẻ, miễn là biết cân đối chi tiêu.

Mỗi lần mở ví ra chuẩn bị tiền mừng là thấy hoang mang trống trải lắm. Chỉ ước cái thẻ lương nhiều thêm vài số 0. Tuy là vẫn cân đối được các khoản nhưng thỉnh thoảng mình phải nhờ đến bố mẹ “cấp cứu” tiền đám cưới, cảm thấy hơi ngại. Mà không chỉ lo mỗi phong bì đâu, còn phải mua đồ đi ăn cưới cho lịch sự, cắt tóc vuốt keo các thứ nữa cơ”. Cả Đức lẫn Ánh đều dở khóc dở cười với nỗi khổ na ná như nhau.

Ngoài ra thì cả 2 đều không đếm được những đám cưới phải gửi tiền mừng, trong đó có những đám mà họ gửi phong bì theo phép lịch sự, vì chẳng thân thiết mấy cũng bị mời theo kiểu “điểm danh”.

Cứ đến cơ quan nhìn thấy danh sách thiệp mời toàn ghi tên mình, ai cũng thấy nôn nao...


Đó cũng là một trong những “bi kịch” của công sở mùa đám cưới, cả văn phòng rộng lớn có khi không thân thiết hết với nhau, nhưng vì là đồng nghiệp xã giao nên phải miễn cưỡng giữ gìn quan hệ. Thành ra, có nhiều trường hợp một người cưới xin cả công ty đều mừng, chung nhau phong bì dày cộp, hào hứng đi ăn cỗ, nhưng cũng có trường hợp gửi thiệp mời lấy lệ, theo phong trào, khiến văn hóa mừng cưới bây giờ bị thay đổi khá nhiều, tính toán ứng xử đủ mọi kiểu để không mất lòng nhau.

Rồi lắm lúc trong tài khoản chẳng còn xu nào, người thân không có để vay, bạn bè vẫn còn nợ cả đống, nhiều người ngán ngẩm bế tắc không biết phải đi mừng cưới kiểu gì? Chẳng thể nào đi ăn cỗ tay không, mà tránh mặt thì lại khó ăn nói. Chao ôi, đi dự đám cưới với dân công sở cũng là cả một nghệ thuật, chứ không phải chỉ riêng mỗi lo hao hụt tiền lương!

Tác giả bài viết: phamngoclinh/theo Lynk

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP