Bạn cần biết

Món ăn từ Tết nhiều người vẫn thích dùng, có thể là "thuốc độc" nếu ăn kiểu "bỏ thì phí"

Hành muối sau Tết nếu không biết cách sử dụng sẽ dễ gây nhiều hệ lụy với sức khỏe, do vậy việc ăn sao cho đúng rất quan trọng.

Hành muối (dưa hành) là món ăn đặc trưng ngày Tết, giúp chống ngấy khi ăn quá nhiều đồ ăn giàu chất béo, dầu mỡ. Sau dịp Tết, nhiều thực phẩm sẽ bị bỏ đi vì mốc hoặc có biểu hiện ôi thiu, nhưng dưa hành lại được giữ ăn dần trong suốt tháng Giêng.

Việc sử dụng dưa hành thời gian lâu như vậy có tốt không? Ăn dưa hành sao cho hợp lý và người nào nên tránh xa món ăn khoái khẩu này? PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho biết với dưa hành, nếu việc chế biến, sử dụng hợp lý có thể để được lâu dài và ăn vừa đủ không gây hại cho sức khỏe.

Đặc điểm của dưa hành là muối khá mặn, sau đó để lên men nên có thể giữ được lâu. Tuy nhiên, do đây là loại đồ ăn khá mặn, nên khi ăn cần hạn chế số lượng để không nạp quá nhiều muối vào cơ thể. Ngoài ra, khi lấy dưa hành cần dùng dụng cụ sạch để tránh bị nổi váng, làm hỏng cả vại dưa.

Các loại dưa hành nổi váng, có màu sắc lạ tuyệt đối không sử dụng. (Ảnh minh họa)

“Dưa hành khi có biểu hiện nổi váng, có mùi khú, củ hành mềm, chuyển màu không còn trắng và giòn nữa thì tuyệt đối phải bỏ. Người dân không nên tiếc rẻ, vớt dưa hành như đã nói trên rửa qua với nước sau đó bỏ vỏ ngoài rồi ăn tiếp.

Bởi với dưa hành đã nổi váng có nghĩa là xuất hiện các loại nấm mốc gây hại cho cơ thể, khi ăn vào không chỉ gây rối loạn tiêu hóa, mà còn có nguy cơ ung thư”, PGS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, với dưa hành nếu được lên men chuẩn và ăn điều độ sẽ tốt cho sức khỏe. Vì dưa hành có chứa men probiotics và các vi khuẩn có lợi, có tác dụng kích thích tiêu hóa, hỗ trợ hoạt động của đường ruột, tăng cường hệ miễn dịch.

Ngoài ra, các enzyme có trong dưa hành giúp làm giảm cảm giác khó chịu khi ăn các món chiên rán, nhiều dầu mỡ. Đó là lý do các gia đình hay muối dưa hành vào dịp Tết để sử dụng.

Dưa hành dù ngon cũng không nên ăn nhiều, cả với người khỏe mạnh. (Ảnh minh họa)

Dù có những lợi ích nhất định, nhưng tiến sĩ Hưng khuyến cáo người dân không nên sử dụng dưa hành khi có dấu hiệu hỏng, nổi váng hay mềm nhũn. Ngoài ra, một số người cũng không nên ăn hoặc hạn chế ăn món dưa hành.

Ví dụ người mắc bệnh dạ dày, nếu ăn nhiều dưa hành sẽ khiến dạ dày tăng tiết dịch vị, ảnh hưởng đến niêm mạc bên trong, khiến các vết viêm loét trở nên trầm trọng hơn.

Do đặc tính dưa hành thường được ngâm trong nước muối, nên độ mặn sẽ rất cao nên những người mắc bệnh thận, tăng huyết áp không nên sử dụng. Bởi việc sử dụng dưa hành mà vẫn ăn các thực phẩm khác có chứa muối sẽ làm thừa lượng muối theo khuyến cáo. Từ đó gây áp lực lên thận, nguy cơ tăng huyết áp cao…

Theo bác sĩ Hưng, kể cả người khỏe mạnh cũng không nên ăn nhiều hoặc ăn liên tục dưa hành, chỉ coi đây là món ăn kết hợp, đổi vị, không thể ăn như một món chính.

Với những loại dưa hành đã ướp lâu, dù không bị hỏng nhưng lượng muối ngấm vào khá nhiều. Do vậy khi ăn nên rửa qua với nước đun sôi để nguội giúp làm giảm độ chua và muối. Khi ăn không hết dưa hành, mọi người nên bỏ đi hoặc để riêng, không cho lại vào vại dưa lớn vì như vậy dễ làm hỏng dưa hành.

Nguồn tin: thoidaiplus.suckhoedoisong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP