Mitsubishi là cái tên rất khó đoán ở Việt Nam khi mọi thứ luôn bình bình, không quá nổi trội, không quá chìm. Là liên doanh đầu tiên chuyển sang mô hình nhập khẩu, Mitsubishi đưa ra loạt sản phẩm ở hầu hết các phân khúc nhưng vẫn không tạo nên thành công rực rỡ như Ford làm với Ranger.
Trong số các sản phẩm bình bình thì Outlander là ngoại lệ. Từ thiết kế tới vận hành khác hẳn với những gì Mitsubishi đang có. Vóc dáng cân đối, trang nhã và đặc biệt trẻ, Outlander phù hợp với những người thích gầm cao và khác lạ. So với CX-5 thì Outlander nam tính và trường hơn. Đặt cạnh CR-V thì cân đối hơn hẳn.
Outlander có dáng trường xe hơn Mazda CX-5
Kích thước Outlander gần như tương đồng với CR-V nên không có nhiều khác biệt ở nội thất. Chỉ thực dụng và ít bóng bảy hơn. Những khách hàng ưa option và đặt nặng thời trang sẽ thiên về CR-V và CX-5 trong khi Outlander hợp với người chỉ quan tâm tới những gì thật thiết thực. Bản cao cấp nhất trang bị màn hình cảm ứng trung tâm, điều hòa tự động hai vùng độc lập. Bọc da, chỉnh điện cho ghế lái. Đèn pha và gạt mưa tự động. Cửa sổ trời. Khởi động bằng nút bấm. Cửa sau mở điện.
Outlander có tư thế lái hơi lạ. Chỉnh ghế kiểu gì thì chân ga và phanh cũng hay trượt ra trước bởi khi đạp ga có xu thế ấn xuống hơn là đẩy ra trước như xe bình thường. Mất một lúc lâu mới có thể quen được cách bố trí này.
Thiết kế cân đối trang nhã.
Phản ứng chân ga Outlander hơi chậm, nhất là trong phố, nên sẽ phải mớm sớm hơn một chút. Tuy nhiên khi bắt tốc lại bốc và giữ nhịp tăng tốt hơn Mazda CX-5. Vô-lăng chặt và đầm, chính xác hơn CX-5 tuy không linh hoạt và hấp dẫn như CR-V.
Vận hành giống như công tử bảnh trai chịu khó tập thể thao. Không quá hầm hố ở vẻ ngoài nhưng tiềm ẩn nhiều năng lượng. Động cơ 2.4 kiểu I4 công suất 167 mã lực, mô-men xoắn cực đại 222 Nm. Công suất thấp hơn 21 mã lực so với CR-V 2.4 nhưng sức kéo ngang ngửa nên khá tương đồng ở khả năng tăng tốc. Lên tốc độ tầm 120 km/h, Outlander có phần đuối hơn. Ngoài ra còn thiếu chút linh hoạt trong hệ thống lái và do sử dụng hộp số vô cấp CVT nên hơi "hiền".
Muốn xe thể thao có thể sử dụng chế độ bán tự động bằng cần số trên vô-lăng. Phản ứng của cần gẩy khá tốt, nhạy. Dĩ nhiên vì là các cấp ảo nên khó lòng đẩy xe tới trạng thái máu lửa như số 5 cấp.
Độ cách âm của Outlander cũng vừa phải, không quá xuất sắc và đủ cho một mẫu xe gia đình. Lợi thế lớn nhất ở bản 2.4 là hàng ghế thứ ba để thành bản 7 chỗ và hai cầu toàn 4WD. Phiên bản này thực tế có doanh số tốt như bản 2.0 trong khi giá nhỉnh hơn đáng kể. Hiện chỉ có Nissan X-Trail là có bản 7 chỗ như Outlander.
Nội thất thực dụng, không quá bóng bảy.
Hệ thống an toàn cũng là mục tiêu mà Mitsubishi tập trung. Tính năng an toàn có cân bằng điện tử ASC, phân phối lực phanh điện tử EBD, chống có cứng phanh ABS, 7 túi khí, trợ lực phanh khẩn cấp, cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc. Tương đương với các đối thủ.
Mức giá dành cho Outlander từ 975 triệu cho bản 2.0 STD. Bản 2.0 CVT là 1,1 tỷ đồng và cao nhất là 2.4 CVT giá 1,27 tỷ. Mức giá này không quá cách biệt so với CR-V nhưng cao hơn khoảng 150 triệu so với CX-5.
Lợi thế của Outlander là nguồn gốc nhập khẩu nhưng lại khó cạnh tranh với chính sách giá của CX-5. Trong tháng 10, doanh số của CX-5 gấp 15 lần Outlander, khoảng cách quá lớn trong khi tính năng vận hành hấp dẫn hơn.
>> Ảnh chi tiết Mitsubishi Outlander:
Tác giả bài viết: Trọng Nghiệp
Nguồn tin: