Kinh tế

Mất trắng nhiều tỷ đồng vì “hợp đồng tư vấn”

Thời gian vừa qua, khá nhiều vụ án “bán nhà trên giấy” bị cơ quan công an phanh phui; nhiều đối tượng làm giả giấy tờ mua bán nhà đã sa lưới pháp luật. Tuy nhiên, hiện đã xuất hiện những thủ đoạn lừa mua bán đất kiểu mới dưới hình thức tư vấn đầu tư. Nhiều bị hại “rót” cho “nhà tư vấn” hàng chục tỷ đồng, song nhiều năm trôi qua các nhà đầu tư phải chịu tình trạng đất không nhận được một tấc, tiền cũng gần như không thể thu hồi lại được.

1. Ông Nguyễn Phan Đ. (SN 1956, nhân viên Trường Cao đẳng H. ở tỉnh Bắc Giang) vốn có tiếng là người “năng động, hoạt bát”. Nhiều việc đối nội đối ngoại trong trường, khi có sự tham gia của Đ. đều khá thuận lợi, trôi chảy.

Cuối năm 2011, Ban giám hiệu của trường có ý định muốn mở rộng cơ sở, Đ. liền xung phong lĩnh trách nhiệm. Thông qua một số quan hệ Đ. được giới thiệu gặp đối tượng T.H.S (sau này cơ quan điều tra làm rõ S. là đối tượng không nghề nghiệp, chuyên kiếm tiền bằng việc buôn nước bọt) để “chạy đất chạy trường”. S. từng có thời gian công tác tại một cơ quan nhà nước (nhưng đã bị thải hồi) nên cũng ít nhiều có thông tin và quan hệ xã giao với một số cơ quan quản lý đất đai. Vớ được con “cá sộp” S. lập tức giở chiêu “chém gió” về việc có khả năng xin được một mảnh đất “vàng” để lập thêm cơ sở mới cho trường của ông Đ.

Một số dự án đất nền tại Hà Nội.

Để khẳng định mình là một “chuyên gia” tư vấn “có sừng có mỏ”, mỗi lần gặp ông Đ., S. đều xách ca táp, trong có khá nhiều công văn giấy tờ mà không biết S. sao chép cắt dán ở đâu đó về các chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành lập trường dân lập, tư thục; chủ trương của TP về việc giao đất… S. còn “hót” rằng: “Nếu xin đất để làm cơ sở kinh doanh buôn bán thì khó, chứ để xây trường thì rất thuận lợi vì dân ta có truyền thống hiếu học, nghe đến việc mở trường là các cấp từ cao xuống thấp đều rất đồng tình rồi…”.

Khi thấy ông Đ. đã tin tưởng, S. “chốt” sẽ dùng các mối quan hệ của anh ta để “kiếm” cho trường một mảnh đất rộng vài ngàn ha ở phường T. (huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Để triển khai việc này, Ban giám hiệu trường Cao đẳng H. mà đại diện là ông Đ. sẽ ký với T. một hợp đồng dưới dạng “Hợp đồng tư vấn hợp tác”, nội dung đề cập đến việc S. sẽ giúp ông Đ. “chạy” một mảnh đất để xây dựng cơ sở hai của trường. Số tiền mà S. dùng để chạy là khoảng 10 tỷ đồng.

Đ. hẳn nhiên không phải là một “tay mơ” mà dễ dàng nghe S. hót. Đích thân anh ta đã tự kiểm tra các thông tin về pháp lý của mảnh đất trên. Đ. cũng từng đưa cả Ban giám hiệu đến xem “ngôi trường” tương lai khá nhiều lần. Ngắm mảnh đất thuộc vào dạng siêu đẹp tương lai sẽ được giao cho trường, các vị trong ban giám hiệu đều hỷ hả, và đồng ý ký vào hợp đồng tư vấn.

Sau khi ký và tiến hành công chứng làm nhiều bản, S. được giải ngân để đi… lo việc. Và từ đó đến nay, tất cả đều thấp thỏm chờ đợi đến ngày có quyết định của TP về việc đồng ý giao mảnh đất ở phường T. (huyện Thanh Trì) cho Trường Cao đẳng H.

Tuy nhiên, thời gian cứ trôi qua… một năm, hai năm cho đến bốn năm mà dự án vẫn cứ giậm chân tại chỗ. Đ. liên tục đốc thúc thì đối tượng S. thỉnh thoảng lại mang ra một văn bản nói rằng đã làm việc với cơ quan này cơ quan nọ, đã chi từng này từng kia. Đ. cũng chỉ nghe thế biết thế, chứ không hề nắm được cụ thể những công việc của S. đang làm.

Và cho đến nay, sau gần 5 năm ký hợp đồng, có thể khẳng định chắc chắn là dự án vài ha đất dành cho Trường Cao đẳng H. chỉ có… trên giấy. Số tiền 10 tỷ đồng mà ông Đ. chuyển vào tài khoản cho S. cũng đã được rút hết nhẵn.

Theo các bị đơn, S. trả lời rằng có trục trặc trong việc triển khai kế hoạch nên không thể đúng theo dự kiến. Và S. hứa sẽ trả lại tiền cho ông Đ. cũng như Ban giám hiệu trường Cao đẳng H. Tuy nhiên cho đến nay đối tượng chưa trả lại một xu nào. Cực chẳng đã ông Đ. đã phải làm đơn tố cáo đến Cơ quan Công an.

2. Khi mà vụ việc của ông Đ. đang rơi vào bế tắc thì Công an TP Hà Nội lại tiếp tục nhận được một vụ việc có dấu hiệu lừa đảo trong đầu tư đất, song để có thể chứng minh được tội trạng của các đối tượng thì không phải là dễ.

Khoảng tháng 7-2012, N.V.O. (SN 1970, trú tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) được một nhóm đối tượng (là các thành viên trong Hội đồng quản trị) thuê đứng tên làm Giám đốc Công ty TNHH TP. Nhiệm vụ mà Hội đồng quản trị giao cho O. là tìm kiếm các nhà đầu tư cho một dự án “khủng” trên quận Tây Hồ (Hà Nội).

Cũng qua các mối quan hệ xã hội, anh T.V.K. có một khoản tiền nhàn rỗi, và đang tìm mối làm ăn. Dưới sự hướng dẫn của Hội đồng quản trị, ông O. đã vẽ ra một dự án đẹp như mơ tại Xuân La (Tây Hồ) và bắn tin đến anh K. góp tiền vào thì sau này sẽ nhận được khoảng vài ngàn m2 đất.

Nghe bùi tai, K. liền mau mắn chuyển cho ông O. 6 tỷ đồng để tham gia dự án. Khi tiền vừa chảy vào tài khoản, Hội đồng quản trị lập tức ra “nghị quyết” trích thưởng cho các thành viên HĐQT vì làm ăn phát đạt. Do không có kiến thức kinh tế, ông O. đã chi hết số tiền 6 tỷ đồng mà không hề có giấy tờ thể hiện việc chi tiêu. Khi mà dự án không có dấu hiệu triển khai, anh K. làm đơn tố cáo giám đốc O. Ông O. lúc đó mới kêu giời rằng bị nhóm các đối tượng T., H. trong HĐQT lừa.

Bản vẽ quy hoạch dự án "ma" để lừa khách hàng.


Được biết, thủ đoạn của nhóm đối tượng rất chuyên nghiệp khi mà trước đó đã thành lập một công ty TNHH chuyên về đầu tư xây dựng. Tiếp đó bọn chúng thành lập thêm Công ty TNHH TP rồi thuê ông O. về làm giám đốc. Và màn ảo thuật tâng bốc công ty TP được thực hiện một cách hoàn hảo. Chúng phao lên rằng Công ty TP có số vốn điều lệ “khủng”, là “sân sau” của một số đại gia của Hà Nội. Tiềm lực của công ty không thua gì các đại gia như Vingroup hay Sun group... nên có đủ kinh nghiệm, năng lực và vốn để có thể lấy được dự án tại các khu đất vàng của TP Hà Nội… Cũng vì nghe các đối tượng “hót” quá hay nên anh K. và một số người khác đã ngoan ngoãn nộp tiền vào dự án.

Cho đến nay, dự án ở Xuân La đã chắc chắn chỉ là “bánh vẽ”, anh K. và các bị hại đến đòi ông O. tiền nhưng đều phải ra về tay trắng. Nhóm đối tượng trong HĐQT cũng đã biến sạch, để lại mình ông O. phải gánh hậu quả.

Khi tiếp cận các vụ án trên, chúng tôi nhận thấy một điều là các đối tượng thực sự cao tay khi tiến hành “thương vụ” với các bị hại. Ngoài miệng thì chúng hứa như đinh đóng cột là sẽ lo trọn vẹn từ công việc xin đất từ A-Z. Nhưng trên giấy tờ bọn chúng chỉ ký hợp đồng dạng tư vấn đầu tư. Trách nhiệm của chúng cũng rất chung chung như: tiếp xúc, thương thảo với cơ quan A, cá nhân B... chứ không được cụ thể, chặt chẽ như các hợp đồng kinh tế khác. Cũng chính vì thế, khi hồ sơ vụ việc được chuyển sang cơ quan tố tụng thì rất khó có thể đủ căn cứ để truy tố các đối tượng ra trước pháp luật.

Cũng trong thời gian tiếp cận hồ sơ các vụ lừa đảo thông qua trò tư vấn đầu tư đất, tôi gặp bà H.T.Y. (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội).

Năm nay đã ngoài 70 tuổi, chân đi còn không vững nhưng tuần nào bà Y. cũng lặn lội lên nhiều cơ quan đơn vị thuộc Công an Hà Nội để hỏi về vụ việc liên quan đến ông phó chủ tịch một xã của huyện Quốc Oai. Nhìn cảnh cụ bà tóc bạc trắng đi thưa kiện mà chúng tôi cám cảnh thay cho bà.

Số là khoảng mấy năm trước, bà Y. có tích cóp được số tiền khoảng gần 1 tỷ đồng. Thời điểm đất đang sốt, bà Y. có ý định kiếm một mảnh đất ở ngoại thành vừa để đầu tư, cũng là để sau này có chỗ dưỡng già. Thông qua các mối quan hệ, bà gặp ông T.V.T. (lúc đó là phó chủ tịch một xã ở huyện Quốc Oai). Ông ta nói rằng có một mảnh đất thổ cư rất đẹp, đã được quy hoạch và chuẩn bị mở bán. Nếu ai đăng ký trước thì sẽ có giá đẹp.

Tin lời ông T., bà Y. đã đặt mua mảnh đất đó và đã giao đủ 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó ông T. cho biết có chút trục trặc trong công tác giải phóng mặt bằng nên chưa thể giao đất cho bà. Chờ đợi mãi, bà Y. cùng con cái lên tận nơi xem mảnh đất của mình ở đâu thì mới phát hiện nó đã thuộc quyền sử dụng của một đơn vị khác. Hỏi ông T., (khi đó đã thôi chức ở xã), ông ta bảo đúng là dự án đã bị hủy, và trả cho bà Y. một vài trăm triệu. Số còn lại ông ta nợ. Nhưng nhiều năm trôi qua mà ông T. chây ỳ, không trả nốt số tiền cho bà Y. nữa.

Bà Y. đã làm đơn tố cáo T. ra Cơ quan Công an. Tuy nhiên, cũng giống như các vụ lừa đảo tư vấn đất ở trên, cơ quan bảo vệ pháp luật gần như không thể áp dụng pháp luật hình sự trong vụ việc này. Bởi tuy vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, song vì bị đơn vẫn hứa trả tiền cho nguyên đơn, và trên thực tế là có trả thật nên nguyên đơn gần như chỉ có thể áp dụng biện pháp khởi kiện dân sự.

Truy tố hotgirl lừa bán đất chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng

Tháng 5-2016 vừa qua Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP Hà Nội cho biết đã hoàn tất bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ Phạm Thị Mai Phương (SN 1979, thường trú phường Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội) lập hợp đồng, phiếu thu giả lừa đảo hàng chục tỷ đồng đến Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, truy tố các đối tượng trước pháp luật.

Siêu lừa Phạm Thị Mai Phương.

Phương có khuôn mặt ưa nhìn, lối ăn nói cũng mềm mại nhũn nhặn nên rất dễ gây được thiện cảm với người khác. Cũng vì tin vào những lời nói “ngọt như mía lùi” của Phương, mà nhiều bị hại đã sập bẫy của chị ta.

Thủ đoạn của Phương là dùng hồ sơ và vị trí các lô đất tại dự án Habour Ville ReverSide tại Đà Nẵng của Công ty Mega, "hô biến" thành dự án Hưng Gia để mời bị hại đầu tư với kế hoạch "lướt sóng" hấp dẫn.

Khi các bị hại nộp tiền, Phương sử dụng mẫu hợp đồng đặt cọc của Công ty Mega và tự ý lấy chức danh Trưởng văn phòng đại diện để ký kết hợp đồng, sử dụng vị trí, ký hiệu các lô đất trên sơ đồ và hồ sơ dự án Habour Ville ReverSide tại Đà Nẵng nhưng đổi tên thành "dự án Hưng Gia".

Phương cũng yêu cầu 2 nhân viên kế toán và thủ quỹ của văn phòng lập phiếu thu khống theo mẫu phiếu thu của Công ty Mega, nội dung thể hiện việc thu tiền của bị hại. Khi bị hại nộp tiền, Phương ký tên, đóng dấu văn phòng đại diện trên phiếu thu rồi giao luôn bản chính cho bị hại. Với mục đích chiếm đoạt tiền đặt cọc của bị hại nên Phương cũng không lưu giữ những phiếu thu này tại văn phòng.

Ngoài ra, Phương còn làm thêm một hợp đồng ba bên thể hiện việc chuyển nhượng lại lô đất đã đặt cọc cho một bên thứ ba với lãi suất 250 triệu đồng/lô, có Phương là Trưởng văn phòng đại diện chứng kiến. Thực tế bên thứ ba này là do Phương tự bịa ra để bị hại tin tưởng rằng kế hoạch đầu tư "lướt sóng" dự án là có thật.

Thực tế sau khi thu tiền của bị hại, Phương không đầu tư vào dự án của Công ty Mega mà sử dụng chi tiêu cá nhân. Để bị hại tin tưởng, đến kỳ hạn ký hợp đồng góp vốn, Phương dùng chính tiền của bị hại đã nộp vào, trích một phần nhỏ đưa lại cho họ và nói dối là tiền lãi. Sau đó tiếp tục dụ họ nộp thêm tiền đầu tư.

Bằng thủ các đoạn bán đất bán nhà “ảo”, Phương đã lừa đảo trót lọt ông Triệu Quốc Cường (trú tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng) số tiền 3,5 tỷ đồng, bà Hàn Thị Thanh Mai (trú tại Đống Đa, Hà Nội) 1,5 tỷ đồng và bà Nguyễn Thị Xuân Hường (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) 21,5 tỷ đồng.

Tác giả bài viết: Nhóm PV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP