Từ câu chuyện điểm thi được “làm xiếc” một cách trắng trợn, biến những học sinh có học lực bình thường, thậm chí có trường hợp trượt tốt nghiệp do “dính” điểm liệt bất ngờ lọt vào danh sách “thủ khoa” của cả nước trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, dư luận xã hội không khỏi lo lắng khi những “nhân tài” không thực học này “lọt” vào các trường đại học (ĐH) hàng đầu, “tước” đi cơ hội chính đáng của nhiều học sinh giỏi khác.
Từ bê bối sửa điểm thi tại Hà Giang, dư luận cho rằng nên giao việc chấm thi cho các trường đại học. |
Trước việc ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Giang nâng điểm ồ ạt cho hơn 300 thí sinh, trong đó mục đích chính là để các thí sinh này kiếm được suất học tại các trường đại học danh giá- đang trở thành nỗi lo của xã hội, đặc biệt là một số trường ĐH.
Hiệu trưởng một trường top đầu của khối trường kinh tế chia sẻ: Ông cảm thấy quá buồn và phẫn nộ. Nhưng các bài thi thi theo hình thức trắc nghiệm rất khó hậu kiểm (không như bài tự luận). Những thí sinh học lực lẹt đẹt mà kiếm được suất vào trường top nhờ gian lận, thì sau một quá trình học tập tại trường, mới có thể đánh giá được trình độ.
Còn TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục CNTT-Bộ GD&ĐT thì cho rằng: Từ năm 2015, bắt đầu tổ chức kỳ thi “2 trong 1”, có tiến bộ là có thêm cán bộ coi thi từ các trường ĐH, tuy nhiên còn nhiều chỗ là do cán bộ địa phương chủ động làm hết nên cơ hội tiêu cực càng có điều kiện. Người cùng địa phương, làm tại địa phương kiểu gì cũng có những mối quan hệ riêng tư. Độ tin cậy kết quả kỳ thi đương nhiên có phần suy giảm.
Do vậy, rút kinh nghiệm từ vụ Hà Giang, ngoài điểm thi THPT quốc gia, các trường ĐH top đầu cũng nên chủ động đánh giá lại năng lực thật của thí sinh trước khi cho họ vào ngồi học để tránh tình trạng “ngồi nhầm chỗ”.
Chia sẻ thêm với PV Báo CAND về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng: “Tôi không nghĩ là những thí sinh có hiện tượng gian dối lại dám đăng ký vào ĐH Bách khoa Hà Nội, bởi Bách khoa nổi tiếng là khắt khe trong đào tạo. Vì vậy, nếu có thí sinh vì lý do nào đó mà đỗ vào Bách khoa với điểm không thực chất cũng sẽ không thể trụ nổi. Do đó, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng không lo lắng hay bị ảnh hưởng gì từ vụ sai phạm điểm thi tại Hà Giang”.
Cũng theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, việc nâng điểm thi ở Hà Giang không liên quan tới kỳ thi “2 trong 1”. Bởi đã có thi thì sẽ có những nguy cơ xảy ra tiêu cực, quy chế chặt đến mấy nhưng còn phụ thuộc vào yếu tố con người. Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT có tách riêng thì cũng vẫn phải làm nghiêm, chúng ta vẫn phải giải quyết những vấn đề tương tự đối với 2 kỳ thi.
Thực tế trước kia, khi tách riêng 2 kỳ thi không phải không có vấn đề. Quan trọng nhất là phải nghiêm minh ở mọi khâu của mọi kỳ thi. Thực chất kẽ hở là ở khâu xử lý kết quả chấm thi, với thi trắc nghiệm hay tự luận cũng vậy thôi (nếu người nhập điểm hoặc người phụ trách CNTT có ý định sửa điểm).
PGS.TS Hoàng Minh Sơn hiến kế, với trắc nghiệm, chỉ cần có một phần mềm tích hợp quét và chấm chuyên dụng thì sẽ không thể can thiệp được. Và nếu phiếu chấm được tô bằng bút bi nữa thì việc sửa lại đáp án bài thi coi như “bất khả kháng”.
Cũng giống như ĐH Bách Khoa Hà Nội ở khâu “đào thải” sinh viên kém, trung bình mỗi năm ĐH Kinh tế quốc dân cũng buộc thôi học khoảng 590-600 sinh viên. Do đó, theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng quản lý đào tạo, sinh viên “dốt” nếu có “chui” vào cũng không theo được, sẽ bị đào thải ngay, nhất là các khóa gần đây, chuẩn đầu ra của ĐH Kinh tế quốc dân đặt ra rất cao, em nào yếu kém quá sẽ không tốt nghiệp được.
“Tôi cho rằng, cần thay đổi cách chấm thi, tăng cường sự tham gia của các trường ĐH trong công tác này thì sẽ hạn chế được tối đa tiêu cực. Sau vụ Hà Giang, hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ có những giải pháp cứng rắn hơn”- ông Triệu nhấn mạnh.
Tác giả: Thu Phương - Huyền Thanh
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân