Đền được xây dựng lần đầu vào đầu thế kỷ 14 tại Pú Chò Nhàng, cuối thế kỷ 18 được chuyển đến Pú Căm (núi Vàng), tục gọi là Pú Quái (núi Trâu, hay còn gọi là Đền Hiến Trâu). Hiện trước cửa Đền vẫn còn tượng 9 con trâu - gồm 3 trâu trắng, 6 trâu đen - và 9 vạc đồng. Đền có 9 gian tượng trưng cho 9 mường: mường Tôn, mường Pắn, mường Chừn, mường Hin, mường Puộc, mường Quáng, mường Pha Quèn, mường Miểng và mường Chón.
Theo truyền thống, trong lễ hội Đền Chín Gian, phần quan trọng nhất là lễ dâng trâu. Ngày xưa, trâu tế thường là trâu trắng do người dân mường Tôn, mường Quáng và mường Puộc dâng tế. Nhưng nay vì hiếm trâu trắng nên các mường dâng cúng trâu đen.
Năm nay, trâu sau khi được làm lễ sẽ trả về cho chủ mà không bị đâm, giết thịt như những lần trước
Các thiếu nữ Thái sau khi rước trâu từ bến Tà Tạo về sẽ đứng bên 9 vạc đồng và 9 trâu trước về Đền Chín Gian
Ngoài thịt trâu như truyền thống, các sản vật trong vùng như: lợn con, gà con, cá sông, cơm nếp nương, củ dong diềng… cũng được đặt vào cùng 9 mâm dâng lên thần linh tiên tổ. Đúng giờ đẹp, thầy mo bắt đầu làm lễ, xin Thẻn Phà (trời), Náng Xỉ Đả (con gái trời) và Tạo Ló Ỳ (người có công khai mường lập đất) về chứng giám và vui cùng con cháu. Lễ xin xong, mọi người không phân biệt già trẻ gái trai tập trung lại, mỗi người ăn một vài miếng sản vật, “rít” một hơi rượu cần để cầu may.
Các hoạt động mang đậm nét văn hóa người Thái: nhảy sạp, đánh cồng chiêng
Đến với lễ hội Đền Chín Gian, khách thập phương được sống hòa mình cùng người Thái với những món ăn nổi tiếng như: cơm lam, hỏ mọc, nem lá…; cùng rạo rực trong từng bước nhảy sạp, lâng lâng trong tiếng cồng chiêng vang động núi rừng…
Và không thể không chếnh choáng trong men rượu để rồi ngây ngất, bâng khuâng theo câu hát: Ước sao được hứng sương trên Đền Trâu cho bông lau gặp gió. Ước được làm vợ, làm chồng người mường Nọc đẹp nổi tiếng 9 mường…
Tác giả bài viết: Duy Cường