Kinh tế

Làng nghề quạt giấy thủ công hàng trăm năm ở Nghệ An

Làng nghề quạt giấy ở làng Nam (xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) hình thành cách đây cả trăm năm, đến nay vẫn duy trì được cách làm thủ công truyền thống.

q1
Nghề làm quạt giấy làng Nam hình thành cách đây hàng trăm năm, khởi nguồn từ chính những người dân trong làng. Theo ông Phạm Đình Tân (82 tuổi, làng Nam) cho biết: "Tính đến đời tôi đã là đời thứ 3 gắn bó với nghề làm quạt giấy ở làng Nam. Trước đó, mấy đời cha, ông chúng tôi cũng đã theo nghề này". Thời điểm làng nghề tất bật thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 7 âm lịch hàng năm. Đây là mùa nắng nóng, nên quạt bán chạy hơn. Ảnh: Thiên Thiên
q2
Những khúc tre già sau khi phơi “no” nắng, được cưa thành từng khúc bằng nhau, tiếp đó được chẻ thành từng nan quạt nhỏ, mỏng và được bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng Nam vót sao cho trơn, mượt. Ảnh: Thiên Thiên
q3
“Bộ xương” quạt tiếp đó được đóng một lõi nhôm vào phần tay cầm. Ảnh: Thiên Thiên
q4
Nếu tre là “xương” của quạt thì, giấy gió chính là phần “thịt”. Những tờ giấy gió được cắt vành theo hình cánh cung. Ảnh: Thiên Thiên
q5
Quạt giấy làng Nam có màu tím nhạt, chính là màu của nước vỏ cây sắn. Sau khi vỏ cây sắn giã nát, được hòa với một lượng nhỏ nước lã và ngâm trong 2 ngày để đảm bảo độ dính kết, sẽ được quét lên quạt. Công đoạn này thường được phụ nữ đảm nhiệm bởi đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Ảnh: Thiên Thiên

q6
Những chiếc quạt giấy sau khi đã được “trang điểm” bởi nước vỏ cây sắn sẽ được mang đi phơi. Nếu trời nắng to, chỉ cần phơi tầm hơn 1 giờ đồng hồ, vừa đủ để nước vỏ sắn bám chặt vào giấy gió, lúc đó chiếc quạt sẽ có mùi thơm ngai ngái của nước vỏ sắn khiến người dùng có cảm giác dễ chịu. Ảnh: Thiên Thiên
q8
Quạt giấy làng Nam hiện được nhập khắp các vùng Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Quỳ Châu, Hà Tĩnh... cho khách du lịch thập phương hoặc những vùng ven biển dùng để quạt nướng cá, tôm... Ông Nguyễn Văn Tân, một người dân làng nghề tự hào: “Mỗi mùa làm quạt, chúng tôi có thể xuất ra hàng nghìn chiếc quạt để phục vụ khách hàng khắp mọi nơi. Dù giá nhập chưa đến 5 nghìn đồng/chiếc, nhưng người làng Nam chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề cha ông của mình để lại.”. Ảnh: Thiên Thiên

Tác giả: Thiên Thiên
Nguồn: Báo Nghệ An
  Từ khóa: trăm năm ,duy trì ,thủ công

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP