Trong nước

Làm sao để việc kê khai tài sản cán bộ không bị xem như việc làm hình thức

PV đã có cuộc trò chuyện với ông PHẠM TRỌNG ĐẠT, nguyên cục trưởng chống tham nhũng (nay là Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Thanh tra Chính phủ) về giải pháp để việc kê khai tài sản của cán bộ đạt hiệu quả.

Ông Đỗ Hữu Ca khi còn đương chức - Ảnh tư liệu

Đồng thời là những nội dung xung quanh câu chuyện khối tài sản "khủng" của gia đình bị can Đỗ Hữu Ca.

Ông Đạt cho rằng khối tài sản "khủng" của vợ chồng ông Đỗ Hữu Ca, cựu giám đốc Công an Hải Phòng, được phát hiện khi cơ quan điều tra tiến hành các quy trình, thủ tục khởi tố, điều tra vụ án liên quan. Do đó, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ xem nguồn gốc của khối tài sản này có từ đâu.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức là cần thiết. Việc này nhằm tổng hợp tất cả các cơ sở, tài liệu để đánh giá về một đối tượng nằm trong diện kê khai tài sản.

Cần nghiên cứu điều chỉnh các quy định

Chúng ta đã có đủ các quy định về phòng, chống tham nhũng nói chung và việc kê khai tài sản nói riêng nhưng vì sao vẫn xuất hiện những thông tin quan chức, cựu quan chức nào đó bỗng dưng có khối tài sản lớn như trường hợp ông Ca?

- Đây đúng là vấn đề mà nhiều người đã đặt ra. Các quy định, nhất là quy định về kê khai tài sản cả ở bên Đảng và chính quyền, đã khá đầy đủ.

Các quy định đều xác định rõ người phải kê khai tài sản, việc thực hiện kê khai tài sản. Song thực tế vẫn xuất hiện không ít trường hợp quan chức, cựu quan chức sau quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra của các cơ quan chức năng thì phát hiện có khối tài sản "khủng".

Ông PHẠM TRỌNG ĐẠT

Các quy định đều xác định rõ người phải kê khai tài sản, việc thực hiện kê khai tài sản. Song thực tế vẫn xuất hiện không ít trường hợp quan chức, cựu quan chức sau quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra của các cơ quan chức năng thì phát hiện có khối tài sản "khủng".

Như trường hợp của ông Ca hay trước đó trường hợp của cựu bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cũng đã bị kỷ luật do có nhiều vi phạm, trong đó có việc không kê khai tài sản trung thực. Cũng theo thông tin từ Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng thì năm 2023, lần đầu tiên có sáu cán bộ bị kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản.

Những con số này để thấy dù có quy định nhưng rõ ràng đã có những quan chức, cán bộ không thực hiện hay cố tình không kê khai nhằm giấu giếm những tài sản bất minh của mình.

Bên cạnh đó, hiện nay với quan chức không kê khai hay kê khai không trung thực mới chỉ bị xử lý về mặt Đảng, hành chính và các tài sản liên quan đó cũng mới chỉ xử lý bằng các quan hệ pháp luật khác như về thuế. Còn hiện tại quy định pháp luật chưa cho phép tịch thu với những tài sản bất minh mà cán bộ không giải trình được.

Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét để có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

* Việc cán bộ đương chức phải kê khai tài sản đã được quy định rồi, nhưng còn những cán bộ về hưu dường như đang có một khoảng trống. Theo ông, cần nhìn nhận và xử lý vấn đề này như thế nào?

- Để xử lý vấn đề này, các cơ quan chức năng có thể xem xét khi mở rộng đối tượng kê khai tài sản là người thân của những người hiện đang làm quan chức và nhận định, chọn lọc từng trường hợp cụ thể để đưa vào. Đồng thời dù quan chức về hưu nhưng vẫn là đảng viên, chịu sự giám sát, quản lý của tổ chức đảng, nhân dân.

Trường hợp nếu thấy ông sau khi về hưu mới xây nhà lớn, mua xe xịn, kinh tế bất minh thì tổ chức đảng có thể yêu cầu ông đó kiểm tra, giải trình. Nếu trường hợp xác định trước đây kê khai không trung thực, giấu giếm thì hoàn toàn có thể xử lý về mặt đảng và đề nghị cơ quan có chức năng tiếp tục xem xét, xử lý theo quy định.

Tài sản bất thường từ gia đình, con cái, người thân

* Theo ông, thời gian tới cần những giải pháp gì để việc kê khai tài sản đạt thực chất, hiệu quả?

- Có hai vấn đề tôi thấy cần nghiên cứu. Thứ nhất, hiện nay quy định số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó có ít nhất một người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc bốc thăm ngẫu nhiên, tối thiểu 10% là bước tiến ban đầu.

Nhưng về lâu dài, không nên để quy định 10% rồi bốc thăm ngẫu nhiên mà cán bộ, quan chức kê khai thì cơ quan có thẩm quyền phải xác minh, thẩm định lại. Chúng ta yêu cầu kê khai nhưng không xác minh tính trung thực, tính chính xác thì việc kê khai không mang nhiều ý nghĩa và người dân nói "lại chỉ để trong ngăn kéo mà thôi".

Cùng với đó, sau khi cán bộ, quan chức kê khai thì bản kê đó cần phải được công khai đến với 100% cán bộ, công nhân viên của cơ quan đó. Có thể không phải bằng cách treo trên bảng tin mà công bố công khai tại cuộc họp toàn cơ quan để mọi người giám sát. Đồng thời đưa về nơi ở, sinh hoạt đảng của cán bộ, quan chức đó để cùng giám sát.

Thứ hai, với trường hợp phát hiện cán bộ, quan chức kê khai không trung thực thì phải ngay lập tức cho thôi mọi chức vụ. Không thể để người không trung thực ở vị trí lãnh đạo, quản lý. Với khối tài sản không giải trình được nguồn gốc (tài sản bất minh), cần nghiên cứu sửa đổi các quy định về tố tụng hình sự... để có thể tiến hành tịch thu không cần qua kết tội với các tài sản này.

* Có một thực tế khi dư luận lên tiếng về khối tài sản bất thường của một vị quan chức nào đó thì nhiều khi lời giải thích nhận được đều nói đó là tài sản của gia đình, con cái hay người thân, kinh doanh... Giải quyết việc này ra sao?

- Có thực tế là nhiều cán bộ cứ nói không sống đủ bằng đồng lương hay lương thấp. Một số cán bộ, công chức dù đồng lương chỉ hơn chục triệu/tháng nhưng vẫn mua được nhà, thậm chí nhà to đẹp, mua ô tô hàng tỉ đồng. Khi được hỏi, có người giải thích là tài sản gia đình, con cái, người thân cho, kinh doanh...

Để làm rõ điều này, tôi cho rằng với bất cứ quan chức nào giải thích như vậy thì các cơ quan chức năng cần kiểm tra, xác minh lại xem có đúng như vậy hay không.

* Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật):

Nên có cơ quan chuyên trách xác minh tài sản, thu nhập

Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN HÒA

Việc cơ quan điều tra tách hành vi không kê khai nộp thuế thu nhập của ông Đỗ Hữu Ca và vợ để làm rõ việc không thực hiện kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân về các hoạt động đầu tư kinh doanh dự án, bất động sản liên quan khối tài sản trên là cần thiết.

Đồng thời cơ quan điều tra cũng nên làm rõ nguồn gốc số tài sản đó.

Hiện các quy định liên quan vấn đề kê khai tài sản đã khá đầy đủ, tuy nhiên thực tế vẫn có những cán bộ kê khai không trung thực bị phát hiện trong thời gian qua như trường hợp cựu bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ. Từ đó cho thấy cùng với kê khai tài sản, việc xác minh tính trung thực của người kê khai rất quan trọng.

Muốn làm được điều này, theo tôi nên thành lập cơ quan chuyên trách về xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ. Cơ quan này có thể trực thuộc Ban Chỉ đạo trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và ở địa phương thuộc ban chỉ đạo cấp tỉnh.

Đồng thời việc kê khai, xác minh tài sản của cán bộ chủ chốt cần được công khai thông tin để cán bộ, công chức ở cơ quan, MTTQ, người dân cùng giám sát.

Bên cạnh đó, đơn vị cán bộ phụ trách xác minh tài sản, thu nhập cán bộ phải thực sự liêm khiết, chí công vô tư. Đồng thời cần kịp thời ngăn ngừa, phát hiện xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp kê khai không trung thực, cố tình không kê khai.

* Ông NGUYỄN TÚC (ủy viên đoàn chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam):

Cần xác minh 100% cán bộ kê khai

Ông NGUYỄN TÚC

Thực tế các quy định về việc kê khai tài sản với cán bộ, công chức đã khá đầy đủ nhưng do việc xác minh còn hạn chế dẫn đến nhiều bất cập, hạn chế.

Đồng thời nảy sinh tình trạng nhiều cán bộ không kê khai trung thực, không kê khai đúng tài sản mình có.

Những trường hợp bị phát hiện vừa qua đã cho thấy rất rõ, nhưng người dân cho rằng vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm nhưng chưa bị phát hiện hay những kê khai so với tài sản thực tế hoàn toàn khác nhau.

Do đó, thời gian tới tôi cho rằng đã kê khai thì phải xác minh hay nói cách khác phải xác minh 100% cán bộ kê khai. Những người kê khai không trung thực phải bị xử lý nghiêm minh. Đồng thời nên xem xét có cơ quan chuyên trách về xác minh việc kê khai, kiểm soát tài sản của cán bộ, quan chức.

Liên quan đề xuất tịch thu tài sản bất minh của quan chức, tôi cho rằng cần nghiên cứu kỹ, dựa trên các quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.

Tác giả: Thành Chung

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP