Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài việc làm tóc, chăm sóc da và vóc dáng, 5 năm trở lại đây dịch vụ nối mi giả được chị em rất ưa chuộng, thịnh hành.
Tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội khách đến nối mi đông nghịt, chật kín 2 tầng lầu, nhiều khách đến phải quay xe về vì không còn thợ làm.
“Bên tôi có 20 nhân viên làm, ngày thường chỉ làm từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối nhưng tháng cận Tết lượng khách tăng gấp 4 lần nên nhân viên phải làm tăng ca.
Cứ mở mắt ra 6 giờ sáng đã thấy khách đứng trước cửa tiệm, có ngày chúng tôi làm đến 2 giờ sáng mới đóng cửa. Nếu làm hết công suất thì một ngày được vài trăm khách nên chỉ cần vài ngày giáp Tết, doanh thu của tiệm đạt bằng cả tháng ngày thường.
Do phải phục vụ tất cả lượng khách (thường là khách quen) nên đến tận chiều tối 30 tháng Chạp, tiệm của tôi mới nghỉ Tết” - anh Hà chủ cơ sở này chia sẻ.
Cuối năm, ngoài các dịch vụ làm tóc, chăm sóc da thì dịch vụ nối mi được chị em rất ưa chuộng. Ảnh: Thanh Hải |
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hương My (SN 1982 - quê Hưng Yên) - chủ salon làm đẹp nổi tiếng ở đường Trần Hữu Tước, Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “So với các loại hình làm đẹp khác thì nối mi được coi là dịch vụ rẻ, đơn giản và dễ làm. Với bộ my giả, chị em có thể tiết kiệm thời gian trang điểm, không tốn công chăm sóc, lại dùng được từ 2 - 3 tuần nên chị em rất ưa chuộng.
Nối mi giả rất đơn giản, nhẹ nhàng, không gây đau đớn. Tuy nhiên nếu không biết vệ sinh đúng cách, khách hàng có thể gây viêm nhiễm, nổi mụn nước và rụng mi. Hoặc tệ hơn, nếu keo dán hoặc chất liệu mi không rõ nguồn gốc, không đảm bảo, có thể gây hại cho khách hàng".
Khách đến nối mi tại cơ sở của chị Hương My. Ảnh: Thanh Hải |
Theo chị Hương My, nghề nối mi mang lại thu nhập cao, dễ học, chỉ từ 3 - 6 tháng là có thể ra làm kiếm tiền nhưng không phải ai cũng kiên trì bám trụ được.
“Học nối mi thì dễ nhưng để nối đẹp, đều, đẹp và phù hợp từng đôi mắt, khuôn mặt đòi hỏi con mắt thẩm mỹ và sự tinh tế của thợ nối. Có người học 2 tháng nối đã đẹp nhưng có người làm cả năm nối vẫn chưa đều.
Tôi ban đầu mới học nghề, tự ra ngoài kiếm khách. Thu nhập có khi cả ngày chỉ được 100 nghìn trong khi phải lo từ tiền nhà, ăn uống, tiền phụ liệu, rồi tiền gửi về nuôi con… Nếu không quyết tâm thì chắc bỏ nghề sớm” - chị Hương My bộc bạch.
Chị Hương My cũng cho biết thêm, mi giả có nhiều loại, mi thường, mi tơ, mi lụa, ở bên ngoài giá làm mi dao động từ 150 nghìn đồng/bộ đến 300 nghìn đồng/bộ, nhưng ở tiệm của chị có một giá duy nhất là 150.000 đồng/bộ.
Độ dài của mi giả từ 8 - 12 mm, tùy vào sự lựa chọn của khách hàng. Tuy nhiên, trong 3 tuần đến 1 tháng, khách hàng sẽ phải đi dặm lại keo, với chi phí 100 nghìn đồng/bộ.
Thời gian nối một bộ mi dao động từ 30 - 45 phút, khách đông nên thợ nối thường xuyên phải làm việc với cường độ cao, không có thời gian nghỉ. Họ thường mắc các bệnh nghề nghiệp như mắt kém, thoái hóa đốt sống cổ, đau dạ dày. Ảnh: Nhật Linh |
Chủ cơ sở nối mi cho biết thêm, ngày thường bên chị thu nhập khoảng 10-15 triệu/ngày với các dịch vụ nối mi, trang điểm, làm tóc. Nhưng riêng tháng cuối năm lượng khách tăng cao đột biến, có thời điểm thu nhập tăng gấp 3 ngày thường (30- 45 triệu/ngày).
Ít ai biết, đằng sau những khoản thu nhập lớn đó, các thợ nối mi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Thời gian nối một bộ mi dao động từ 30 - 45 phút, khách đông nên thợ nối thường xuyên phải làm việc với cường độ cao, không có thời gian nghỉ. Họ hay mắc các bệnh nghề nghiệp như mắt kém, thoái hóa đốt sống cổ, đau dạ dày.
“Tuần giáp Tết, công việc thường kết thúc muộn hơn, có khi đến 3-4 giờ sáng chúng tôi mới được nghỉ. Việc ăn uống trong thời điểm này rất thất thường. Có những ngày tôi vừa bưng bát cơm lên ăn, khách đến đông quá phải buông đũa xuống làm việc, thành ra đến đêm khi hết khách chúng tôi mới có thời gian thư thả để ăn” - chị Hương My nói.
Kể về kỉ niệm đáng nhớ trong nghề, bà chủ sinh năm 1982 nói: "Sau khi ra nghề được nửa năm, tôi quyết định thuê mặt bằng mở tiệm. Tôi không có tiền nên phải đi vay mượn 10 triệu đặt cọc thuê căn nhà trong ngõ.
Mới làm được hơn 1 tháng, bất ngờ chủ nhà đòi lại mặt bằng nhưng không muốn trả tiền cọc cho tôi. Cuối năm, tôi loay hoay chưa biết dọn đi đâu nên bảo chủ nhà cho ở lại vài ngày. Họ không thông cảm còn cho 3 người đàn ông bặm trợn đến đập đồ đạc, đuổi tôi đi.
Vì quá sợ hãi, tôi vội dọn đồ ra khỏi nhà, đang bối rối, ngồi khóc ở đường thì một chị khách quen đi qua. Chị hỏi han, biết hoàn cảnh của tôi, thương tình chị đưa tôi về nhà mình ở tạm. Nhờ sự động viên, giúp đỡ của chị tôi vượt qua được những tháng ngày gian khổ quyết tâm theo nghề đến hôm nay".
Chị Ngọc Trinh - chủ tiệm nối mi ở quận Cầu Giấy chia sẻ thêm, để khách hàng chủ động về thời gian , không phải chờ đợi lâu, năm nay bên chị triển khai thêm dịch vụ nối mi tại nhà.
Theo đó, bất cứ khi nào khách sắp xếp được thời gian, đặt lịch trước qua trang fanpage hoặc điện thoại, nhân viên sẽ đến phục vụ đến tận nơi làm. Chi phí cho dịch vụ như vậy cũng chỉ dao động từ 150 nghìn đồng - 200 nghìn đồng/bộ.
Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Quốc Thắng - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe cộng đồng (thuộc Tổng hội Y học Việt Nam) chia sẻ: "Tôi đã từng tiếp nhận 1 số trường hợp bị keo dính mi rơi vào mắt khi đang nối mi. Chúng ta không thể phủ nhận việc nối mi làm chị em đẹp hơn, tuy nhiên khi làm chị em phụ nữ ít khi để ý đến cách vệ sinh dẫn đến việc bị viêm bờ mi, gãy rụng mi. Đặc biệt có thể gây biến chứng nặng nề, khó lường trước được. Cụ thể: - Nối mi là giúp sợi mi dài ra bằng cách nối thêm 1 sợi mi giả vào sợi mi thật bằng một loại keo chuyên dụng. Loại keo này có tác dụng trong vòng 2-3 tuần, sau thời gian này người nối mi sẽ phải đi dặm lại để giữ chặt mi lại đề phòng bị bong ra. Thế nhưng chính loại keo này làm chậm sự phát triển của lông mi, kéo theo những sợi mi thật bị rụng không thương tiếc. Những sợi mi thật bị rụng đi vừa gây mất thẩm mỹ lại vừa mất đi lớp mi tự nhiên bảo vệ cho mắt. - Khi keo dán mi tiếp xúc với làn da, đối với những người có làn da nhạy cảm sẽ khiến da bị đỏ ửng và sưng lên. Hay trong thời gian đợi keo khô lại hoàn toàn (24 tiếng) bạn lỡ tay dụi vào mắt hoặc dính nước sẽ khiến chất keo dính vào mắt rất nguy hiểm. - Những bệnh về mắt khi nối mi không an toàn có thể gây ra là mắt bị cay, chảy nước mắt hoặc dị ứng, ngứa đỏ. Có trường hợp nặng hơn gây sưng viêm kết mạc và phải ở lại bệnh viện để thăm khám, điều trị lâu dài". |
Tác giả: Nhật Linh - Thanh Hải
Nguồn tin: Báo VietNamNet