Kinh tế

Làm cú đậm 1 tỷ USD: Đại gia giàu nhất làng ngân hàng gây đảo lộn

Đại gia gốc Đông Âu, cả nhà có tỷ USD, giàu nhất ngân hàng Việt có bước đi đúng như kế hoạch trước đó: tăng vốn điều lệ thêm tỷ USD, bất chấp ngân hàng có khởi đầu không mấy tốt đẹp khi thị trường chịu áp lực giảm khá mạnh.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (TCB) của ông Hồ Hùng Anh vừa tổ chức đại hội cổ đông bất thường năm 2018 để thông qua một nội dung quan trọng: điều lệ lên 34.965 tỷ đồng, từ mức 11.655 tỷ hiện nay.

Như vậy, Techcombank sẽ tăng vốn điều lệ thêm cả tỷ USD ngay trong quý 3/2018, từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Sau khi tăng vốn, Techcombank sẽ trở thành 1 trong 3 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam, vượt qua cả Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BIDV) và gần bằng Ngân hàng Vietcombank (VCB). Đây có thể xem là một diễn biến gây đảo lộn trật tự của các ngân hàng Việt Nam vì trước đây nhóm các ngân hàng gốc quốc doanh luôn dẫn đầu và gần như không thế vượt qua.

Trước đó, hôm 4/6 Techcombank đưa hơn 1,1 tỷ cổ phiếu TCB lên sàn nhưng đã không được như kỳ vọng. Cổ phiếu TCB bị bán tháo khối lượng lớn ngay trong ngày đầu lên sàn 4/6 khiến giá giảm sàn, từ mức tham chiếu 128.000 đồng/cp xuống 102.400 đồng/cp. TCB tiếp tục giảm mạnh trong các phiên sau đó, có lúc xuống gần 90.000 đồng/cp.

Trong 3 phiên đầu tiên có mặt trên thị trường chứng khoán (TTCK) tập trung của Việt Nam, cổ phiếu TCB của nhà ông Hồ Hùng Anh và Tập đoàn Masan đã giảm tổng cộng 30%, một kết quả thiếu ấn tượng.

Trước khi Techcombank lên sàn, cặp đôi doanh nhân Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang được xem là cặp bài trùng hiếm có trong giới tỷ phú Việt, dắt tay nhau trở thành những tỷ phú USD Việt. Hai doanh nhân này đều có mối quan hệ gần gũi khi cùng nhau tạo dựng và lãnh đạo Masan và Techcombank và sự thành công giàu có của họ cũng gắn liền với 2 DN này.

Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970, là thành viên HĐQT Techcombank từ 2004-2005, là phó chủ tịch thứ nhất tại HĐQT Techcombank từ 2006 đến 2008. Từ tháng 5/2008 tới nay, ông Hùng Anh là chủ tịch Techcombank.

Để ngồi ở vị trí chủ tịch Techcombank, trong tháng 4/2018 vừa qua, ông Hồ Hùng Anh đã từ nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Tập đoàn Masan sau 10 năm nắm giữ vị trí này.

Trong vụ cổ phiếu bốc hơi vừa qua, khối tài sản của ông Hồ Hùng Anh đã giảm hàng ngàn tỷ đồng. Nó khiến cho con đường lọt danh sách tỷ phú USD Forbes của ông Hồ Hùng Anh trở nên dài hơn.

Hiện tại, ông Hồ Hùng Anh đang sở hữu 13,1 triệu cổ phiếu Techcombank. Vợ con và mẹ ông Hùng Anh nắm giữ một số lượng lớn cổ phiếu TCB. Nhà ông Hồ Hùng Anh nắm tổng cộng 159,3 triệu cổ phiếu TCB, tương đương gần 14% vốn điều lệ.

Với mức chia tách 1:2 như sắp tới, giá cổ phiếu Techcombank sau khi điều chỉnh sẽ về mức khoảng 30.000 đồng/cp. Đây là một mức giá “dễ nhìn” hơn và do vậy khả năng tăng trở lại có thể sẽ lớn hơn nếu ngân hàng này có kết quả hoạt động kinh doanh tốt hơn sau khi tăng vốn để lọt top những ngân hàng có quy mô vốn lớn.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ số VN-Index tiếp tục chịu áp lực bán khá lớn từ cả các NĐT trong nước và ngoài nước và đang hướng về ngưỡng 1.000 điểm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng bao gồm những cái tên như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Techcombank… đều giảm khá mạnh và là yếu tố kéo VN-Index sụt giảm. Nhóm bất động, chứng khoán và dầu khí cũng giảm điểm.

Theo đánh giá của nhiều CTCK, TTCK hiện vẫn đang chịu áp lực giảm điểm. Một số CTCK tin rằng, thị trường sẽ giằng co và tích lũy, VN-Index sẽ xoay trong khoảng 1.005-1.045 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch 14/6, VN-index giảm 14,81 điểm xuống 1.015,72 điểm; HNX-Index giảm 1,75 điểm xuống 114,91 điểm. Upcom-Index giảm 0,1 điểm xuống 53,1 điểm. Thanh khoản đạt 205 triệu cổ phần. Giá trị đạt 5 ngàn tỷ đồng.

Tác giả: V. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP