Trong tỉnh

Kỳ vọng tăng trưởng thương mại khi 03 cảng cạn ở Nghệ An thành hiện thực

Với quy mô hàng chục ha đất, nhà đầu tư cũng đặt nhiều kỳ vọng vào 03 cảng cạn (IDC) và hệ thống logictics mà Nghệ An được đưa vào quy hoạch phát triển trong thời gian tới.

Quy hoạch, xây dựng hệ thống cảng IDC một cách bài bản, hiện đại sẽ góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư cho tỉnh Nghệ An trong thời gian tới

Theo đó, giai đoạn 2021-2030, trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ hình thành 03 ICD trong khu kinh tế Đông Nam bao gồm 01 ICD tại thị xã Hoàng Mai và 02 ICD tại huyện Nghi Lộc, quy mô diện tích 30 - 60ha/cảng, công suất 300.000 - 600.000 TEU/năm/cảng.

Trước đó, vào ngày 15/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 93/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An đến năm 2040. Theo Quyết định được phê duyệt, Khu kinh tế Đông Nam là Khu kinh tế trọng điểm, đa ngành, đa lĩnh vực, là trung tâm kinh tế giao thương quốc tế của vùng Bắc Trung bộ, cửa ngõ quan trọng của vùng Trung, Thượng Lào, Đông Bắc Thái Lan vào miền Trung và Việt Nam.

Và, theo Quyết định 93 của Thủ tướng Chính phủ, riêng khu vực cảng biển Cửa Lò gồm các xã: Nghi Thiết, Nghi Quang, huyện Nghi Lộc và các phường: Nghi Tân, Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò) là khu vực đầu mối cho hàng hóa, sản phẩm của khu kinh tế và các tỉnh Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan. Đồng thời là khu vực tăng cường dịch vụ logistics, hậu cần cảng, tăng cường kết cấu hạ tầng kết nối nhiều loại hình vận tải, bố trí cảng cạn IDC tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc (địa điểm giao nhau giữa QL1A và đường D4) và cảng cá, khu hậu cần nghề cá, bến neo đậu tránh bão...

Cùng với hệ thống các cảng IDC được hình thành, đầu tư xây dựng, Nghệ An cũng tiến tới xây dựng 01 trung tâm logistics hạng II tại khu kinh tế Đông Nam (huyện Nghi Lộc) và một số trung tâm logistics vừa và nhỏ tại các huyện, thành phố, thị xã. Đặc biệt, Nghệ An cũng ưu tiên phát triển hệ thống kho bãi xung quanh 9 các đô thị như Vinh, Cửa Lò, các khu công nghiệp. Với hệ thống cảng IDC và logictíc, Nghệ An đang phấn đấu sẽ trở thành một trong những trung tâm logistics của khu vực Bắc Trung Bộ.

Cũng theo quy hoạch phát triển tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030, địa phương cũng xác định ICD là mắt xích quan trọng trong vận tải đa phương thức, đảm nhận chức năng tập trung, gom hàng, làm hàng, luân chuyển hàng, vỏ hàng, sửa chữa vỏ hàng, chờ thông quan phục vụ các khu công nghiệp, hàng hóa xuất, nhập khẩu, giảm chi phí vận chuyển và thời gian lưu hàng tại cảng biển.

Vị trí cảng cạn đảm sẽ bảo tính kết nối giữa các phương thức vận tải, phù hợp với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng chung, gần các khu vực hội tụ các khu công nghiệp, nằm giữa cảng biển và các chủ hàng (khu công nghiệp) hỗ trợ cho các cảng biển.

Hiện nay, Nghệ An cũng là địa phương đang có nhiều thuận lợi về vị trí, cơ chế chính sách và hệ thống hạ tầng giao thông tầm vóc trọng điểm quốc gia đi qua để kết nối giao thương

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các khu công nghiệp dọc theo đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 15, quốc lộ 7 thuộc địa phận TX.Thái Hòa, các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương, Anh Sơn, cũng như hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Nậm Cắn (qua tuyến QL7), quy hoạch cảng cạn ICD tại khu vực xã Tân Long, huyện Tân Kỳ, quy mô khoảng 5 ÷ 10 ha, công suất khoảng 50.000 ÷ 100.000 TEU/ năm.

Sau năm 2030, Nghệ An cũng hướng tới hình thành cảng cạn Thanh Thủy với quy mô diện tích khoảng 20ha/cảng, công suất 150.000 - 200.000 TEU/năm/cảng. Về hệ thống phát triển các trung tâm dịch vụ kho vận logistics tại khu kinh tế Đông Nam: khu công nghiệp Nam Cấm, khu vực cảng Cửa Lò, Nghi Lộc, VSIP.

Trước đó, vào tháng 3/2023, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về đề nghị phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong thông báo nói trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu việc lựa chọn phương án quy hoạch phát triển cảng cạn từng giai đoạn đến năm 2025, năm 2030, năm 2050 xác định vị trí, quy mô, số lượng, diện tích sử dụng đất, dự án ưu tiên, khả năng kết nối phải có cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn qua kết quả triển khai quy hoạch thời gian qua, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng của từng vùng, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải căn cứ quy định của các Nghị quyết, ý kiến của các bộ ngành, chuyên gia để rà soát nội dung quy hoạch phát triển cảng cạn.

Đại diện một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Nghệ An cho rằng, nếu hệ thống cảng IDC ở địa phương sớm được thu hút đầu tư sẽ mở ra nhiều cơ hội cho việc tăng sản lượng hàng hoá thông quan và kích cầu xuất nhập khẩu.

“Theo chúng tôi, cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, giao thông mở lối theo hướng hiện đại, trong tương lai, Nghệ An sẽ trở thành địa chỉ thu hút doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước về đây để “làm tổ”. Có hệ thống cảng IDC và cảng biển, kết hợp cơ chế, chính sách đặc thù mà Trung ương đã dành riêng cho Nghệ An, nếu được vận dụng linh hoạt, sáng tạo thì kinh tế - xã hội của địa phương sẽ khởi sắc” - đại diện một doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Nghệ An đặt kỳ vọng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ICD (Inland Container Depot) là cảng cạn/ cảng khô/ cảng nội địa, hoặc gọi tắc là Depot. Theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và là đầu mối tổ chức vận tải hàng hóa bằng container gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, đường sắt quốc tế.

Chính vì vậy, việc xây dựng hệ thống cảng cạn IDC sẽ góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện tối đa cho các “đại bàng” về “làm tổ” nếu địa phương có những bước đột phá mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, cơ chế chính sách thương mại, xuất khẩu…

Tác giả: NGỌC THÁI

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP