Rất nhiều phụ huynh cho con đi học thêm không phải vì sợ bị “ép” hay “đì” mà xuất phát từ chính nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của gia đình nhằm nâng cao trình độ học vấn cho con cái, kèm cặp và củng cố thêm kiến thức, thậm chí là dùng việc học thêm để quản lí thời gian rảnh rỗi của con. Đồng tiền phụ huynh bỏ ra tương xứng với kết quả thu được sẽ không có gì để phàn nàn. Và phụ huynh an tâm hơn nhiều đối với việc con em học thêm ngay trong chính trường học. Bây giờ nhà trường cấm nhưng nhu cầu học thêm vẫn lớn. Thế là nhà nhà lại lao đến học thêm ở các trung tâm bồi dưỡng kiến thức. Áp lực chạy đua học thêm trong xã hội sẽ chẳng vơi đi chút nào.
Về phía giáo viên, phải thẳng thắn thừa nhận mức lương của giáo viên chỉ là ổn định, chứ không thể đánh giá là cao. Thêm vào đó các chế độ phụ cấp, khen thưởng còn thua xa các ngành khác, thậm chí là chẳng bao giờ đuổi kịp một số ngành như ngân hàng, điện lực… Việc giáo viên dạy thêm để tăng thu nhập là một điều hết sức bình thường, hoàn toàn không đáng nhận “gạch đá” trong dư luận, ngoại trừ trường hợp một số “con sâu” dùng mọi thủ đoạn để biến việc dạy thêm thành công cụ kiếm tiền tiền bất chấp lương tâm, đạo đức nhà giáo.
Nếu giáo viên có năng lực, có sở trường và có khả năng sư phạm tốt thì việc học sinh tìm đến học là tất yếu. Danh tiếng của các thầy cô được tạo dựng bằng chính tài năng sẽ có sức cộng hưởng lớn trong xã hội. Tuy nhiên, chủ trương chống việc dạy thêm trong trường học buộc giáo viên phải tìm mọi cách để theo đuổi “nghề tay trái” này. Và không loại trừ những hệ lụy có thể nảy sinh. Có người sẽ tìm mọi cách, thậm chí “đi đường vòng” để đăng kí vào các trung tâm bồi dưỡng kiến thức hay là có được giấy chứng nhận giáo viên giỏi cấp trường làm “’lá bùa hộ mệnh” cho công việc đứng lớp bên ngoài. Có người sẽ dạy “chui” và học sinh học “chui”. Thay vì học ở một lớp học công khai nào đó, giờ đây lớp được chuyển vào sâu bên trong, học sinh thu giày dép trong nhà và phụ huynh được dặn dò kĩ lưỡng đừng đứng đợi tập trung trước cổng nhà. Nhà trường và cơ quan chức năng có muốn quản cũng chẳng thể nào quán xuyến hết được.
Một lí do quan trọng đẩy việc học thêm của học sinh lên thành cao trào như hiện nay là chương trình giáo dục khá nặng nề. Kiến thức, kĩ năng cần đạt đặt ra đối với học sinh thì ngút ngàn. Nhưng thời lượng luyện tập trên lớp lại ít ỏi, kết hợp với chất lượng giảng dạy của một số giáo viên trong giờ chính khóa không cao, buộc phụ huynh và học sinh phải tìm đến việc học thêm như một cứu cánh đắc lực.
Giữa mục tiêu, yêu cầu cần đạt và thực dạy chính khóa còn một khoảng cách khá xa khó lấp đầy. Nói một cách đơn giản là học một đằng, đề thi một nẻo. Bất kì một đề kiểm tra nào đều có những câu hỏi, bài tập khó phân hóa học sinh. Học sinh chẳng bao giờ đạt điểm tuyệt đối nếu không tự mình nâng cao kiến thức bằng nhiều cách, trong đó có học thêm. Bất kì một đề thi tuyển sinh đầu cấp nào cũng là những dạng bài khó và quá khó. Để một học sinh giỏi đơn thuần luyện nhuần nhuyễn các bài tập, bài học trong sách giáo khoa làm được điểm cao với đề thi ấy là một chuyện xa vời.
Bản thân tôi thiết nghĩ thay vì cấm dạy thêm học thêm trong nhà trường, nên chăng cần có kế hoạch tổ chức dạy thêm học thêm sao cho khoa học, minh bạch và hài hòa lợi ích của học sinh, phụ huynh và giáo viên và tránh dư luận xấu trong xã hội. Bên cạnh đó là siết chặt hơn chất lượng các giờ học chính khóa cũng như thay đổi tư duy thi cử, soạn đề thi…
Đúng như cách ví von rất hay của tác giả Hoài Nam trong bài viết “Dẹp dạy thêm, học thêm trong nhà trường: Nói và làm”, phải giải quyết những cái gốc của vấn đề, nếu không việc cấm dạy thêm học thêm cũng chỉ là hớt phần ngọn. Và khi “ngọn” bị “bấm” thì biết đâu trên “thân” lại nảy thêm hàng loạt “nhánh” mới, nảy thêm những mối bận tâm, bức xúc mới.
Tác giả bài viết: Thùy Mai