Kinh tế

Khi nào lãi suất cho vay mới hạ nhiệt?

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, thời điểm chính sách tiền tệ đảo chiều, mặt bằng lãi suất đi xuống có thể đến vào giữa năm 2023.

Đánh giá triển vọng vĩ mô thời gian tới sẽ gặp nhiều thách thức trong bối cảnh nhiều nền kinh tế kinh lớn trên thế giới như Mỹ, EU, Trung Quốc có khả năng tăng trưởng chậm lại, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương khác có thể còn diễn biến phức tạp, các chuyên gia cho rằng vẫn có nhiều cơ sở để lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới.

"Động lực mạnh mẽ từ xuất khẩu sẽ được thay thế bằng đầu tư công trong 3 năm tới. Nhìn vào dự toán ngân sách năm sau, có khoảng 720.000 tỷ đồng dành cho đầu tư công, cộng thêm phần chưa giải ngân năm nay sẽ có tổng cộng khoảng 850.000 tỷ đồng. Chỉ cần 75-80% số tiền này được giải ngân đã là cú hích lớn cho tăng trưởng kinh tế", ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) phát biểu tại hội nghị ngày 1/12 do Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức.

Theo ông Thành, nếu giải ngân đầu tư công tốt, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm tới vẫn sẽ khả quan. Theo mục tiêu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp mới đây, tăng trưởng kinh tế năm tới dự kiến đạt 6,5%.

Đặc biệt, ông Thành cho rằng với việc nới mục tiêu lạm phát lên 4,5% so với mức 4% của mọi năm, Ngân hàng Nhà nước có dư địa để không phải thắt chặt quá mức chính sách tiền tệ. Ông Thành dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh vào tháng 1/2023, tăng 4,5% so với cùng kỳ 2022 và giảm dần sau đó.

"Nhà điều hành chấp nhận lạm phát có thể cao hơn trong năm 2023, tìm khả năng đổi chiều chính sách tiền tệ nhưng vẫn sẽ phụ thuộc vào chính sách của Fed", chuyên gia của Fulbright nói. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, Fed vẫn có khả năng tăng lãi suất thêm ít nhất 2 lần nữa với mức tăng 0,5% mỗi lần. Tuy nhiên, Fed sẽ phải dừng tăng lãi suất và đổi chiều chính sách khi kinh tế Mỹ có khả năng suy thoái.

Theo chuyên gia, việc mục tiêu lạm phát được nới lên 4,5% tạo ra dư địa cho chính sách tiền tệ (Ảnh: Việt Đức).

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, thời điểm chính sách tiền tệ của Việt Nam đổi chiều, lãi suất đi xuống có thể đến vào giữa năm 2023. Còn trong ngắn hạn, doanh nghiệp, người dân vẫn phải chấp nhận những khó khăn do mặt bằng lãi suất cao.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - đưa ra quan điểm áp lực tỷ giá hiện tại không còn lớn. Trong tháng 11, đồng USD đã mất giá 3%. Các dự báo hiện nay cũng cho biết đồng tiền của các nước trong năm tới sẽ tăng giá trở lại. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước không còn phải quá lo lắng về vấn đề tăng lãi suất để ổn định tỷ giá.

Tuy nhiên, ông Lực dự đoán dù không còn áp lực quá lớn để tiếp tục tăng lãi suất trong năm tới, mặt bằng lãi suất sẽ được giữ ổn định còn khả năng giảm tương đối khó. Việc ổn định lãi suất và tỷ giá trong năm 2023 có thể xem là thành công.

Ngược lại, ông Nguyễn Xuân Thành nhận định nếu mặt bằng lãi suất cho vay cao như hiện nay ở mức 12-17%/năm duy trì trong suốt năm 2023, mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ khó đạt được. Lãi suất đảo chiều mới có thể tạo ra cú hích cho kinh tế.

Cũng tại hội nghị, ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch ACB - hé lộ thông tin có thể trong vài ngày tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ mở thêm hạn mức (room) tín dụng thêm cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là các ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ LDR (dư nợ cho vay trên tiền gửi) chưa chạm mức trần 85% mới có thể cung ứng tín dụng cho thị trường.

Tác giả: Việt Đức

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: hạ nhiệt ,khi nào ,lãi suất

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP