Phản ánh tới báo VietNamNet mới đây, bà Nguyễn Thân, làm nghề nội trợ trú tại đường Tạ Uyên, xóm 5, phường 9, Thành phố Cà Mau đã cho biết, chiếc xe Lead đời 2015 của bà đi thường xuyên bị lỗi và “không thể nào khắc phục được”.
Bà Thân kể: “Lần đầu tiên phát sinh lỗi là cách đây hơn 1 năm, từ năm 2017. Hôm đó, tôi đang trên đường chạy xe đi chợ thì bỗng bị hiện tượng đơ tay ga, giảm ga nhưng xe không giảm tốc, bóp phanh xe cũng không dừng và có cảm giác, ga vẫn mạnh hơn. Cuối cùng, tôi bị té ngã cả người lẫn xe”.
Xe Lead của bà Thân được kiểm tra định kỳ đầy đủ |
Theo bà Thân, trước đó, chiếc xe Honda Lead được mua tại cửa hàng của Công ty TNHH TM&DV Mô tô Trung Nghĩa, Tp Cà Mau (xe do con gái Dương Thị Thương đứng tên mua và đăng ký). Trong thời gian bảo hành, bà vẫn luôn tuân thủ chế độ bảo dưỡng định kỳ và có đầy đủ các biên bản chứng từ cho mỗi lần bảo dưỡng xe. Thế nhưng, sau 2 năm, khi chiếc xe vừa vượt quá giới hạn 20.000km vào đầu năm 2017 thì lại bắt đầu “dở chứng”.
Chiếc xe Lead được đăng ký bảo hành đầy đủ |
“Vì hết hạn bảo hành nên tôi đem xe ra kiểm tra ở cửa hàng lẻ. Thợ sửa xe là người quen, có cho biết, nhiều người đi đời xe này bị lỗi nhiều. Nếu ra chính hãng, sẽ bị bắt thay linh kiện, tốn vài triệu bạc. Do vậy, thợ sửa có tư vấn chỉ cần vệ sinh lại xe đi tạm”, bà Thân kể.
Tuy nhiên, việc sửa chữa tình thế này rất phiền toái. Sau khi xe được vệ sinh lại kim phun xăng…, xe chạy ổn định được vài tháng lại bị lỗi trên và bà Thân phải đi sửa xe liên tục tới 4-5 lần trong thời gian qua.
Vị khách hàng này bày tỏ: “Tôi rất bức xúc không biết khi nào chiếc xe lại tiếp tục dở chứng trên đường, sẽ rất nguy hiểm. Tôi có nghe nói hãng Honda sẽ thu hồi xe bị lỗi để bảo hành tại Nhật Bản, nhưng tại Việt Nam thì nhà sản xuất lại nói không có mẫu xe Honda Lead nào bị lỗi này nên khá hoang mang và không biết xử trí ra làm sao…?”
Lỗi xe chỉ là trường hợp cá biệt hay đồng loạt?
Trên thực tế, không chỉ riêng trường hợp chị Nguyễn Thân, không ít khách hàng đang đi xe máy Lead tỏ ra rất băn khoăn và lo ngại sau khi hãng Honda Nhật Bản công bố triệu hồi 37.050 mẫu tay ga Lead do chính Honda Việt Nam xuất sang Nhật vào cuối tháng 11/2018. Toàn bộ số xe máy này sản xuất từ tháng 5/2013 đến tháng 8/2017.
Xe Honda Lead của bà Nguyễn Thân bị lỗi liên tục |
Chiếc xe Honda Lead được bà Nguyễn Thân đưa đi sửa 2-3 tháng/lần |
Trục trặc kỹ thuật dẫn tới đợt triệu hồi khá trùng hợp với hiện tượng dính tay ga như trường hợp xe Lead chị Nguyễn Thân ở Cà Mau phản ánh.
Theo mô tả của Honda Nhật Bản, tay ga bị dính dẫn tới xe không thể giảm tốc khi giảm ga. Quá trình đúc cáp dây ga đã không phù hợp, một số ống bọc cáp bị rò rỉ khiến nước mưa hoặc chất lỏng có thể đi vào bên trong dây ga. Đặc biệt nếu sử dụng xe trong thời tiết mùa đông lạnh, nước có thể đóng băng khiến dây cáp bị cứng, dẫn đến tình trạng kẹt ga. Do đó, tốc độ xe sẽ không giảm khi trả ga về, gây nguy hiểm cho người điều khiển có thể dẫn đến tai nạn.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Honda Việt Nam đưa ra khẳng định, xe tay ga Lead ở Việt Nam không bị lỗi như vậy.
Trao đổi với PV về sự cố với tay ga của khách hàng Việt Nam như trên, Honda Việt Nam cho biết hiện hãng vẫn chưa nắm được thông tin về vấn đề này nhưng cho biết sẽ phản ánh hiện tượng lỗi xe Lead của khách hàng Nguyễn Thân tới bộ phận kỹ thuật của hãng và sẽ có phản hồi sớm nhất.
Đánh giá việc mẫu xe tay ga Honda Lead gặp lỗi rồ ga, trôi ga khiến người dùng mất kiểm soát, chuyên gia kỹ thuật xe Nguyễn Trung (TP.HCM) cho biết: “Lỗi này thường gặp ở các nhiều dòng xe máy tay ga sử dụng hệ thống phun xăng điện tử FI, không chỉ riêng Honda Lead.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do thói quen của người sử dụng xe, đề máy khi đèn báo FI chưa tắt, không vệ sinh đường xăng gió thường xuyên dẫn đến bẩn và kẹt bướm ga hoặc kẹt mô tơ bơm xăng.
Với kinh nghiệm từng sửa chữa, bảo dưỡng nhiều loại xe ga, anh Trung cho biết thêm, ngoài lỗi kẹt dây ga, rồ ga, xe còn phát sinh nhiều lỗi khác phổ biến như chạy có hiện tượng giật cục, chạy yếu do gió hoặc hết nước làm mát.
Vì vậy, vị chuyên gia này cũng khuyến cáo: “Sau một thời gian sử dụng khoảng 30.000 km, đặc biệt là khi xe chạy yếu, tốn xăng và ống xả ra nhiều khói đen, người dùng cần mang xe đến các trung tâm bảo hành để được kiểm tra cẩn thận, phát hiện lỗi sớm, vệ sinh hoặc thay thế các chi tiết bị lỗi hoặc hỏng nếu cần. Đây cũng sẽ là kinh nghiệm để sử dụng xe lâu bền và an toàn hơn…
Chia sẻ với VietNamNet, vị khách hàng “không may mắn” bày tỏ lo lắng: “Xe đã hết bảo hành những nếu phát sinh lỗi kỹ thuật từ khâu sản xuất thì cần sẽ phải xử lý ra sao và chi phí sửa chữa lỗi này do ai chịu trách nhiệm?”
Vị khách này mong muốn, khi xe Lead xuất Nhật bị phản ánh phát sinh sự cố từ khách hàng, hãng Honda Việt Nam cần có kiểm tra kỹ càng hơn đối với mẫu xe Lead bán tại Việt Nam để tìm ra nguyên nhân và có câu trả lời rõ ràng, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Tác giả: Tuấn Nguyễn
Nguồn tin: Báo VietNamNet