Hình thức hôn nhân ma phổ biến nhất là làm lễ cưới một người đàn ông đã chết với một người phụ nữ đã chết, cho dù giữa họ khi còn sống có quan hệ hay không. Theo truyền thuyết, nếu ai đó (chưa lập gia đình) qua đời mà không được tặng một đám cưới ma thích hợp, hồn ma của anh ta hoặc cô ta sẽ ám những người còn sống trong gia đình, gây ra những tai ương, thiệt hại tài sản thậm chí triệt hại giống nòi của dòng họ.
Do đó, đám cưới ma không chỉ đơn thuần là để đem lại… hạnh phúc cho người chết, mà quan trọng không kém - đôi khi còn hơn thế - là vì lợi ích của các thành viên còn sống trong gia đình.
Hôn nhân ma ở Trung Quốc, không chỉ là cho người chết mà còn vì sự bình an cho những người đang sống |
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân giữa hai người đã chết không phải là loại đám cưới ma duy nhất. Thật thú vị, khi một đám cưới ma hoàn toàn có thể được tiến hành giữa… hai 2 người đang sống. Nghi lễ này được thực hiện khi một người nam giới đã hứa hôn, vì 1 lý do nào đó, chết trước hôn lễ của anh ta. Nếu hôn thê của anh ta chấp nhận, đám cưới ma sẽ được diễn ra giữa cô ta và một người khác trong vai của chú-rể-đã-qua-đời.
Mặc dù hôn phu thực sự đã qua đời, người phụ nữ - cô dâu trong đám cưới ma này - sẽ được linh hồn của chú rể và dòng tộc anh ta bảo vệ trọn đời. Nghi lễ này không chỉ giúp vị hôn phu có thể ngậm cười nơi chín suối mà còn đảm bảo cho người phụ nữ sau này nếu quyết định “đi bước nữa” sẽ thuận buồm xuôi gió.
Tuy nhiên, nếu một người phụ nữ chết trước hôn lễ của mình, gia đình vị hôn phu không bắt buộc phải thực hiện nghi lễ đám cưới ma. Một người đàn ông còn sống cũng có thể trải qua một cuộc hôn nhân ma nếu cô dâu của anh ta chết sớm.
Dù vậy, rất ít bằng chứng về cuộc hôn nhân ma xảy ra giữa một người đàn ông sống và cô dâu đã chết của anh ta. Có thể thấy, ngay cả trong nghi lễ đám cưới ma, tư tưởng trọng Nam khinh Nữ của người Trung Quốc cũng được đặc tả một cách rõ nét.
Hôn nhân ma Trung Quốc: cô dâu - hình nhân, chú rể (đã chết) - được đóng thế bởi 1 người khác |
Khái niệm về hôn nhân ma, là một truyền thống, hoặc nghi lễ có vẻ vô cùng kỳ lạ đối với những ai lần đầu tiên được nghe về nó. Nhưng nó đã, đang là 1 phần của đời sống tâm linh của người Trung Quốc.
Cho đến tận những ngày này, ở nhiều nơi của Trung Quốc, nghi lễ vẫn diễn ra, đặc biệt là các vùng nông thôn thuộc tỉnh Sơn Tây, Hà Nam và Thiểm Tây bất chấp chính phủ đã ban lệnh cấm từ năm 1949.
Trong một thời gian, từ cuối thập niên 80 của thế kỉ trước, trong đám cưới ma, “cô dâu” thường được thay thế bằng một tấm hình lớn (chân dung người thật) hoặc hình nhân được làm bằng giấy hay bột. Nhưng quan niệm các “cô dâu giấy” hay “cô dâu bột” không đủ để làm thỏa mãn người chết hoặc không đủ để đem lại may mắn cho những người còn sống đã làm nảy sinh những dịch vụ ăn theo đầy hắc ám.
Một xác chết phụ nữ bị trộm và bán cho những gia đình có nhu cầu làm "hôn nhân ma" có giá gần 600 triệu VNĐ |
Đáng lên án nhất, chính là nạn ăn cắp và buôn bán bất hợp pháp xác chết nữ. Theo thống kê của FirsPost, chỉ riêng quận Hongtong của tỉnh Sơn Tây đã xảy ra ít nhất 30 vụ đào mộ trộm xác chết nữ trong quãng thời gian từ 2013-2016. Những xác chết nữ bị trộm sau đó sẽ được bán cho gia đình của những người đàn ông đã qua đời với giá siêu khủng.
Năm 2015, Tân Hoa Xã đưa tin, một gia đình ở Sơn Tây đã phải trả tới 180 nghìn NDT (tương đương gần 600 triệu VNĐ theo tỷ giá hiện tại) cho một xác chết nữ, để làm “cô dâu ma” cho người con trai tuổi đôi mươi vừa mới qua đời. Thậm chí, những năm gần đây rất nhiều công ty “môi giới cô dâu ma” đã ra đời để phục vụ nhu cầu cho những giai đình có con trai chết trẻ.
Hôn nhân sau khi chết ở Pháp
Trung Quốc không phải nền văn hóa duy nhất “sở hữu” truyền thống hôn nhân ma. Trong Thế chiến thứ nhất, nghi lễ tương tự từng được áp dụng ở Pháp, xuất phát từ nhu cầu của những phụ nữ đã mất đi hôn phu bởi cuộc chiến. Truyền thống này vẫn được duy trì cho tới hôm nay và người Pháp gọi nó là "hôn nhân sau khi chết".
Các trường hợp mà “hôn nhân sau khi chết” thời hiện đại thường được áp dụng, chủ yếu vì nguyện vọng muốn tổ chức hôn lễ của 1 người phụ nữ với hôn phu hoặc người yêu đã chết bởi bệnh tật, tan nạn... Nhưng khác với Trung Quốc, “hôn nhân sau khi chết” tại Pháp được Luật pháp nước này cho phép.
Tác giả: Tầm Hoan
Nguồn tin: giadinh.net.vn