Giáo dục

“Học rất giỏi, chăm ngoan” nhưng xếp loại… trung bình

Bảng điểm của một học sinh lớp 8 được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội những ngày qua. Em xếp học lực trung bình cho dù điểm tổng kết cao ngất ngưởng, nhiều môn đạt 10 cùng lời nhận xét học rất giỏi, chăm và ngoan của giáo viên chủ nhiệm.

Đầu tháng 12, bảng điểm của nữ sinh B.Q.A.,học lớp 8 tại một trường THCS ở TPHCM được chia sẻ trên mạng xã hội đã lập tức thu hút chú ý của cộng đồng mạng với hàng ngàn lượt ý kiến lên tiếng.

Cụ thể về nội dung bảng điểm, học trò này có điểm tổng kết trung bình các môn văn hóa là 9,3, trong đó nhiều môn như Toán, Hóa, Sinh, Địa, Giáo dục Công dân, Công nghệ đạt 10.

Bảng điểm học rất giỏi, chăm ngoan nhưng xếp loại trung bình được chia sẻ trên mạng xã hội thu hút hàng ngàn ý kiến phản hồi.

Điều làm mọi người quan tâm là với tổng điểm đó cùng phần nhận xét, giáo viên chủ nhiệm là “Học rất giỏi, chăm và ngoan”… nhưng học sinh này xếp loại học lực trung bình và xếp hạng thứ 42. Nguyên nhân nằm ở chỗ, môn thể dục của học sinh này được đánh giá là: Chưa đạt (CĐ).

Các ý kiến đã tranh cãi nảy lửa về vấn đề này. Nhiều người cho rằng chỉ vì môn Thể dục chưa đạt mà kéo xếp loại học lực của học sinh dù các em học tốt cỡ nào xuống mức thê thảm là quá bất công. Vì không phải học sinh nào cũng có thế mạnh về thể chất. Việc yêu cầu các em phải giỏi toàn diện trên trên tất cả các môn, trên mọi lĩnh vực mới được đánh giá là tốt chẳng khác nào đánh đố, làm khó các em.

Bên cạnh đó, cũng nhiều ý kiến cho hay, thể chất, sức khỏe cần được chú trọng. Kém sức khỏe thì làm gì cũng không được nên đánh giá như vậy là phù hợp. Sẽ yêu cầu các em chú ý đến rèn luyện thể chất hơn chứ không chỉ coi trọng các môn văn hóa.

Thầy Trịnh Quỳnh, một giáo viên ở Nam Định chia sẻ từ khi chuyển từ chấm điểm sang đánh giá ở môn Thể dục nhằm giảm nhẹ áp lực học tập cho học sinh nhưng lại đẩy rất nhiều em vào thế điểm tốt kết văn hóa rất cao, hạnh kiểm tốt… nhưng chỉ xếp loại trung bình. Trường hợp này rất phổ biến, nhiều học sinh khốn đốn vì môn thể dục.

Thầy Quỳnh phân tích, nếu như trước kia 3,5 điểm mới phải thi lại thì giờ chỉ cần dưới điểm 5 sẽ được đánh giá là Chưa đạt sẽ phải tlại, sẽ bị hạ một bậc học lực của học sinh. Nhiều giáo viên Thể dục không chiếu cố, khuyến khích mà còn cố tình gây áp lực cho học sinh.

Nhiều học sinh hết sức khổ sở vì cách đánh giá "quyền uy" của môn Thể dục (Ảnh minh họa)

Thậm chí với cách đánh giá này, môn Thể dục còn quan trọng hơn tất cả các môn văn hóa cộng lại. Môn văn hóa không đạt 5 điểm không sao nhưng nếu môn Thể dục Chưa đạt thì sẽ phải thi lại, mọi cố gắng học tập đi xuống 1 bậc thi đua.

“Rất nhiều học sinh khổ sở vì môn học này. Thương nhất là những em thể chất kém không theo được nên dốc sức tập trung vào thế mạnh của mình là học văn hóa nhưng vẫn bị thiệt thòi. Theo tôi, Thể dục là một lĩnh vực quan trọng nhưng còn là một môn năng khiếu nên cần khuyến khích chứ không nên đặt ra áp lực, thành tích bắt buộc”, thầy Quỳnh nêu quan điểm.

Một giáo viên khác cho hay giáo dục tri thức đi đôi với giáo dục thể chất là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên để bắt buộc các em phải giỏi toàn diện thì quá khó. Rồi việc học giáo dục thể chất trong nhà trường như hiện nay toàn tập trung các môn năng khiếu nặng nhọc dành cho vận động viên nhưng học theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa".

Cả trăm em mỗi người một thể chất, sở thích khác nhau lại bắt học và đánh giá chung ở một số môn thể thao đã đụng ngay lỗi "bắt con cá leo cây". Trong khi nhà trường cần tạo môi trường và điều kiện về nhiều môn thể thao, nhất là các môn phổ thông để khuyến khích học sinh hứng thú hơn.

Tình huống môn thể dục Chưa đạt sẽ bị hạ một bậc xếp loại học lực theo Thông tư 58

Cũng nhiều ý kiến cho rằng để đạt yêu cầu ở mức trung bình đối với môn Thể dục không phải là quá khó, kể cả với những học sinh có thể chất bình thường. Có chăng là do ý thức của các em chưa tốt hoặc vấn đề đáng ngại hơn là giáo viên cố tình trù dập thì cho dù không khó các em cũng chẳng dễ mà vượt qua được "cửa ải" môn Thể dục.

Được biết, việc đánh giá bằng nhận xét môn Thể dục (cùng hai môn học khác là Âm nhạc và Mỹ thuật áp dụng theo Thông tư 58 về đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT.

Tác giả bài viết: Hoài Nam

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP