Từ hôm nay (27/6), các quán cà phê Highlands Coffee ở Hà Nội và TPHCM điều chỉnh giá đồ uống. Còn từ ngày 1/7, tất cả cửa hàng trên toàn quốc của chuỗi, bao gồm các app đặt hàng sẽ áp dụng giá mới. Tại một số quán đặc biệt và các quán ở sân bay, giá bán có thể khác so với menu tiêu chuẩn.
Thông báo trên fanpage chính thức, hãng cho biết việc tăng giá là do "tình hình biến động thị trường".
Ngay sau khi thông báo được đưa ra, nhiều tín đồ của Highlands Coffee tỏ ra không hài lòng, thậm chí có người nói lời "chia tay" với thương hiệu nếu như giá tăng như vậy.
"Tạm biệt Highlands nhé", một khách hàng tên Trang Nhung viết ngay dưới phần bình luận của thông báo đăng trên fanpage hãng.
"Ngày trước toàn vào đây gọi trà sen vàng mà giá như thế này thì thôi, tạm biệt", anh Nguyễn Ngọc Vũ bày tỏ.
"Thôi chào Highlands, mình để tiền này qua ngồi Phúc Long hoặc Starbucks cho rồi", chị Linh Thùy bình luận. Để níu kéo khách hàng, chuỗi cà phê cho rằng, giá cà phê truyền thống cỡ S vẫn nguyên như cũ hoặc "giá sản phẩm chỉ tăng một ít".
Đối chiếu bảng giá mới và cũ cho thấy giá đồ uống tại Highlands Coffee sẽ tăng 10 - 15%, thậm chí có loại còn tăng 18% so với giá cũ. Các dòng trà như sen vàng, thạch đào, thanh đào, thạch vải, xanh đậu đỏ cỡ S tăng từ 39.000 đồng lên 45.000 đồng (tăng 15%), cỡ M tăng từ 49.000 đồng lên 55.000 đồng (tăng 12%), cỡ L tăng từ 55.000 đồng lên 65.000 đồng (tăng 18%).
Đối với nhóm cà phê phin, cốc cỡ M tăng từ 35.000 đồng lên 39.000 đồng (tăng 11%), cốc cỡ L tăng từ 39.000 đồng lên 45.000 đồng (tăng 15%), với cỡ S vẫn giá 29.000 đồng/cốc, không thay đổi so với trước.
Nguyên liệu đầu vào của ngành F&B đã tăng trong thời gian qua (Ảnh: Mạnh Quân). |
Một số khách hàng thì tỏ ra thông cảm với hãng khi mà giá cả các mặt hàng đầu vào đều tăng nên các quán cũng phải tăng để có lãi.
Tuy nhiên, việc tăng giá một số sản phẩm tới 18% của chuỗi cà phê này khiến nhiều khách hàng tỏ ra không hài lòng và cho rằng Highland Coffee chủ yếu là phục vụ tại chỗ nên chi phí logistics không ảnh hưởng tới giá bán.
Ông Hoàng Tùng, một người hoạt động trong lĩnh vực F&B, nhận định, ngành F&B đang phải đối mặt với mức giá đầu vào tăng. Ngay kể cả khi doanh nghiệp có những hợp đồng đầu vào dài hạn thì vẫn phải cân đối, đảm bảo biên lợi nhuận lành mạnh.
Theo ông, mức tăng giá của Highlands Coffee thông báo là cao song "không quá vượt trội" so với mặt bằng chung các chuỗi cà phê khác. Việc tăng giá này có thể khiến một số khách hàng rời đi nhưng cũng có người ở lại, nhất là khách trung thành.
Ông Tùng cho rằng, hơn một năm qua, nguyên liệu đầu vào của ngành F&B đã tăng lên nhiều. Tuy nhiên, đa số người kinh doanh F&B lại không dám tăng giá do lo sợ sức mua giảm, điều này khiến biên lợi nhuận của ngành mỏng đi rất nhiều. Trong khi đó, mục tiêu kinh doanh cuối cùng vẫn là đảm bảo mức biên lợi nhuận đủ tốt cho doanh nghiệp và cũng đủ hợp lý để khách hàng sẵn sàng trả tiền.
Ở góc nhìn khác, ông Tùng cho rằng, những chuỗi lớn như Highlands Coffee, Starbucks, Phúc Long ngoài kênh offline (bán hàng trực tiếp) thì đã triển khai kênh bán hàng online trên các nền tảng. Bằng chứng là việc các hãng luôn có những khuyến mại dành riêng cho khách hàng gọi đồ mang về. Thậm chí, khách hàng đặt hàng trên ứng dụng còn có mức giá tốt hơn khi mua tại quán.
"Ngay cả các thương hiệu ngày trước nói không với các ứng dụng giao đồ ăn (app) như The Coffee House, Pizza 4P's thì giờ cũng bắt đầu đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng này. Theo tôi, giá cả đặt hàng qua app và sử dụng trực tiếp tại quán không quá ảnh hưởng tới khách hàng. Riêng với các chuỗi F&B thì sẽ gặp vướng ngại về phí nền tảng cho các app gọi đồ ăn, từ 10% đến 25%", ông phân tích.
Tác giả: An Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí