|
Chủ nhân của bộ ảnh thú vị về chủ đề Nấu ăn ở Nam Cực là Cyprien Verseux. Anh là nhà nghiên cứu sinh vật học vũ trụ, làm việc tại cơ sở khoa học Concordia nằm sâu trong lớp băng giá của Nam Cực, lục địa cô lập và khắc nghiệt nhất thế giới.
|
Nhóm nghiên cứu ở trạm Concordia hiện có 13 người bao gồm kỹ thuật viên, nhà khoa học, một đầu bếp và một bác sĩ y khoa. Tại khu vực "đáy sâu" của Nam Cực này, điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt, thậm chí vi khuẩn không thể tồn tại.
|
Nơi đây có 9 tháng mùa đông trong một năm và nhiệt độ có thể đạt đến mức dưới âm 80 độ C. Theo Cyprien, thời tiết nơi đây lạnh đến mức xe không thể di chuyển đến và đi. Không khí rất khô, thiếu oxy và cảnh quan sa mạc cằn cỗi khiến các nhà khoa học cảm thấy như đang sống ở một hành tinh khác.
|
Khi không quá bận rộn với các nghiên cứu về khí hậu, tiến sĩ Cyprien Verseux chia sẻ lên mạng xã hội những trải nghiệm sống của mình trong môi trường khắc nghiệt này.
|
Gần đây, Cyprien đã chia sẻ lên trang Twitter một số hình ảnh thú vị về những gì sẽ xảy ra khi bạn cố gắng nấu một bữa ăn trong cái lạnh giá băng và nhận được rất nhiều sự quan tâm của cư dân mạng.
|
Thời tiết ở nam bán cầu ấm hơn vào đầu xuân, Cyprien quyết định ra ngoài và thử nghiệm nấu ăn. Nhà khoa học chia sẻ: "Chúng tôi hết thức ăn tươi vào đầu mùa đông do không có tiếp tế từ tháng 2 đến tháng 11). Vì vậy hầu hết thời gian chúng tôi ăn thực phẩm đông lạnh lưu trữ trong các thùng chứa bên ngoài".
|
Cyprien chụp ảnh các món ăn khác nhau bị đóng băng ngay lập tức khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Giống như tác phẩm nghệ thuật được sắp đặt kỳ công, những hình ảnh bất chấp trọng lực này minh họa một cách sinh động cường độ tuyệt đối của cái lạnh ở Nam Cực.
|
Những hình ảnh kích thích người xem tò mò và thích thú với các bức ảnh sinh động như món trứng tráng đóng băng giữa chừng ngay khi đang đổ từ chảo ra đĩa, bát mì spaghetti cứng ngắc, phiên bản thật của món "mì bay" nổi tiếng, hay quả trứng vỡ treo lơ lửng trong không khí với lòng trắng và lòng đỏ đóng băng...
|
Tọa lạc ở sa mạc khắc nghiệt, trạm Concordia vẫn thu hút nhiều nhà nghiên cứu từ các lĩnh vực khác nhau như thiên văn học, sinh lý học người, khoa học khí quyển, địa vật lý. Tại đây, cơ quan Vũ trụ châu Âu đang nghiên cứu sự thích nghi của con người với điều kiện tương tự trong tương lai ở Mặt Trăng hoặc Sao Hỏa.
|
Cyprien và các nhà khoa học đồng nghiệp cũng nghiên cứu làm sáng tỏ về cách khí hậu thay đổi như thế nào trong quá khứ và đưa ra cái nhìn sâu sắc về những biến đổi có thể xảy ra trong tương lai.
|
Tiến sĩ Cyprien cho biết thêm: "Nghiên cứu thực hiện ở đây mang lại thông tin vô giá về biến đổi khí hậu. Nhờ EPICA (dự án Khoan lõi băng ở Nam cực của châu Âu), chúng tôi biết lượng khí nhà kính, đặc biệt là CO2 và CH4 đang ở mức cao kỷ lục chưa từng thấy trong 800.000 năm qua".
Tác giả: Uyên Hoàng
Nguồn tin: zing.vn