Xã hội

Hé lộ cán bộ tiếp tay 'đào trộm' cây gỗ quý hồ Dầu Tiếng

Cây gỗ giáng hương bên hồ Dầu Tiếng thuộc tỉnh Tây Ninh bị một nhóm người đào lên đưa đi, nhân viên bảo vệ rừng cho biết, họ không thể ngăn cản vì có lệnh cấp trên. Vụ việc khiến dư luận địa phương bức xúc vì cán bộ tiếp tay cho hành vi trái quy định.

Liên quan đến việc một cây gỗ cổ thụ giáng hương bên hồ Dầu Tiếng thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh biến mất mà báo Tiền Phong đã đưa tin trước đó, đến nay vụ việc đã được hé lộ.

Theo đó, ông Trần Hoàng Nam – nhân viên bảo vệ rừng, người có mặt tại hiện trường lúc cây giáng hương bị nhóm người đào bới mang đi, cho biết chính anh là người đến ngăn cản nhưng bất thành. Ông Nam khẳng định, mình có mặt ngay khi biết có người đến đào cây giáng hương.

“Khi phát hiện có một nhóm người lạ đang đào gốc cây giáng hương. Tôi báo cho nhóm hộ trưởng là ông Nguyễn Hoàng Ân. Tuy nhiên, ông Ân không có mặt tại chốt bảo vệ nên tôi thông báo tình hình cho nhóm hộ phó Nguyễn Văn Thảnh biết. Chúng tôi đã đề nghị họ ngưng ngay việc đào bới cây”, ông Nam nhớ lại.

Cây giáng hương biến mất có sự tiếp tay của cán bộ

Theo ông Nam, lúc đó ông Ân đã gọi điện cho mình và nói để người ta đào cây đi, có giấy tờ đủ. Tuy nhiên, ông Nam không chịu và đề nghị nhóm người đào cây phải xuất trình giấy tờ.

Không lâu sau, một nhân viên bảo vệ thuộc Tiểu khu 58 gọi cho ông Nam và nói người mua cây đã xuất trình giấy ngoài chốt thuộc Tiểu khu 58 nhưng ông Nam không chịu vì cây thuộc Tiểu khu 59. Sau đó, một người trong nhóm đào cây đưa cho ông Nam xem hồ sơ mua cây tại có đóng dấu mộc và chữ ký của Phó Giám đốc Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Gỗ giáng hương là loại gỗ quý, được xếp vào nhóm 1. Thân gỗ màu đỏ tươi, cứng, có mùi thơm nhẹ, vân hoa đẹp, ít nứt nẻ, không bị mối mọt. Gỗ giáng hương thường được dùng để làm đồ gỗ cao cấp, nhạc cụ, đồ thủ công mỹ nghệ. Cây giáng hương mới bị mất ở rừng phòng hộ Dầu Tiếng hơn trăm năm, theo giới chơi cây kiểng cây giáng hương này có giá trị hàng tỷ đồng.

Do đó, ông Nam buộc phải để nhóm người bứng cây giáng hương đi. Được biết, cây rừng chỉ được xem xét cho tận thu khi bị chết hoặc gãy đổ. Cây thuộc nhóm gỗ quý cần phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh mới có thẩm quyền quyết định. Như vậy, cây giáng hương đang sinh trưởng tốt lại bị đào đi khi chưa có các giấy tờ theo quy định vì có sự tiếp tay của cán bộ.

Từ các giấy tờ cấp cho người đào lấy cây giáng hương mà ông Nam cung cấp, cho thấy có dấu hiệu bất thường. Cụ thể, trong bảng kê lâm sản khai thác do Phó Giám đốc Ban quản lý và Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng ký, dù có dấu mộc nhưng không ghi ngày tháng, kể cả thời gian để thực hiện cho tận thu cây giáng hương. Trong khi giấy ghi vị trí cây giáng hương tại lô h, khoảnh 20, tiểu khu 59, cây có đường kính 113,1cm, khối lượng gỗ 3,615m3 thì biên bản kiểm tra cây giáng hương này trước đó lại thể hiện đường kính của cây giáng hương là 115cm, chiều cao 8m.

Theo Giám đốc Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, hồ sơ xin tận thu cây giáng hương bên hồ Dầu Tiếng đang trong thời gian chờ trình lên cấp thẩm quyền xem xét. Dù vậy, cây giáng hương vẫn bị đào đưa đi một cách dễ dàng. Việc một cây cổ biến mất với nhiều tình tiết khó hiểu khiến dư luận địa phương bức xúc.

Tác giả: HƯƠNG CHI

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP