Giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (thuộc Bộ GTVT) Lầm Văn Hoàng chia sẻ, tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lộ đã có hơn 10 bộ hồ sơ sơ tuyển được bán cho các nhà đầu tư trong nước.
Trong số này có nhiều nhà đầu tư chuyên xây lắp các dự án giao thông lớn muốn tham gia như: Tập đoàn Phương Thành, tập đoàn Cienco4, tập đoàn Đèo Cả, Vinaconex, tập đoàn Thái Bình Dương, công ty Cường Thuận IDICO....
8 dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP |
Trong khi đó, đại diện Ban quản lý dự án 6 cho biết, ít nhất đã có 16 nhà đầu tư mua hồ sơ cho 2 đoạn tuyến của dự án cao tốc Bắc - Nam là Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt.
Trưởng phòng Kinh tế tổng hợp, Ban Quản lý dự án 2 Cao Việt Hùng cũng khẳng định, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn được nhiều nhà đầu tư quan tâm mua hồ sơ mời sơ tuyển, trong đó có tập đoàn Đèo Cả, tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, tập đoàn Xây dựng Miền Trung.
Theo Ban quản lý dự án Thăng Long, đơn vị đã bán được 7 bộ hồ sơ mời sơ tuyển cho các nhà đầu tư quan tâm đến dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.
Thời gian phát hành hồ sơ sơ tuyển cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ kết thúc vào ngày 16/11.
Về lộ trình triển khai đấu thầu chọn nhà đầu tư, Phó vụ trưởng PPP Nguyễn Viết Huy thông tin: "Theo quy định của luật Đấu thầu và nghị định 30/2015, thời gian đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển khoảng 30 ngày, thời gian thẩm định, phê duyệt khoảng 40 ngày. Dự kiến, công tác sơ tuyển nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 2/2020.
Sau khi kết thúc sơ tuyển, Bộ GTVT sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam. Dự kiến tháng 4/2020, Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời thầu. Nhà đầu tư có thời gian tối thiểu 60 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu, dự kiến đóng thầu tháng 6/2020.
Thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu khoảng 90 ngày và thời gian thẩm định, phê duyệt kết quả đấu thầu khoảng 50 ngày.
Trong trường hợp thuận lợi có thể hoàn thành công tác đấu thầu nhà đầu tư khoảng tháng 11/2020.
Hạ tiêu chí cho nhà đầu tư trong nước
Đại diện Bộ GTVT cho biết đã nới lỏng tiêu chí về năng lực kinh nghiệm cho các nhà đầu tư trong nước.
Đơn cử, trước đây trong hồ sơ mời sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư phải có giá trị vốn tối thiểu bằng 30% giá trị xây lắp của dự án tham gia đấu thấu, nhưng hiện nay, tiêu chí này giảm xuống còn 20%.
Bộ GTVT đã bỏ một số quy định để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực về tài chính nhưng thiếu kinh nghiệm sẽ liên kết với nhà đầu tư có năng lực về kinh nghiệm nhưng thiếu vốn để cùng nhau tham gia dự án.
8 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 kêu gọi đầu theo hình thức BOT có số vốn nhà đầu tư phải thu xếp khoảng 63.716 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu các nhà đầu tư khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng, phần còn lại ngân sách nhà nước hỗ trợ gồm:
Đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 (qua Ninh Bình - Thanh Hóa), dài 63km, tổng mức đầu tư khoảng 12.900 tỷ đồng.
Đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa), dài 43 km, tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng.
Đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (Thanh Hóa - Nghệ An), dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng.
Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An - Hà Tĩnh), dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 13.300 tỷ đồng.
Đoạn Nha Trang - Cam Lâm, dài 50km, tổng vốn đầu tư hơn 7.615 tỷ đồng, trong đố vốn nhà nước hỗ trợ hơn 5.058 tỷ đồng.
Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dài 79km, tổng vốn đầu tư hơn 13.687 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ trợ hơn 9.311 tỷ đồng.
Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận), dài 101 km, tổng vốn đầu tư hơn 11.600 tỷ đồng.
Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, dài 99km, tổng vốn đầu tư hơn 14.359 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ trợ hơn 2.480 tỷ đồng.
Tác giả: Vũ Điệp
Nguồn tin: Báo VietNamNet