Kinh tế

Hãng bay của ông Hạnh Nguyễn có đang được đối xử bình đẳng?

Vận tải hàng hóa hàng không tăng vọt trong 6 tháng đầu năm nhưng khi doanh nghiệp của ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin lập hãng bay vận tải nhằm đón bắt cơ hội, Bộ Giao thông Vận tải lại cho rằng thời điểm này là… “chưa phù hợp”?

Trong khi Việt Nam chưa có hãng bay vận tải hàng hóa chuyên biệt, việc lập hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn được cho là chưa phù hợp. Ảnh: H.K

“Chưa xem xét” và “chưa phù hợp”?

Trong diễn biến mới nhất liên quan đến kiến nghị thành lập hãng bay vận tải hàng hóa chuyên biệt IPP Air Cargo của ông “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) ngày 18.7 vừa có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Văn bản này được Bộ GTVT gửi đi chỉ ít ngày sau khi cũng chính bộ này có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 13.7, trong đó kiến nghị “chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay” (bao gồm cả việc thành lập hãng hàng không chuyên chở hàng hóa) vì đây là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung/cầu của thị trường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam...

Ở văn bản mới nhất ngày 18.7, ông Lê Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định, theo quy định của pháp luật, bất kỳ doanh nghiệp nào nếu có đủ điều kiện đều có thể tham gia thị trường kinh doanh vận tải hàng không.

Song khi đề cập đến kiến nghị thành lập hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Bộ GTVT tiếp tục cho rằng trong giai đoạn khó khăn của thị trường vận tải hàng không hiện nay, “việc thành lập hãng hàng không mới là chưa phù hợp”.

“Công ty Cổ phần IPP Air Cargo hoàn toàn có thể đề nghị thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật vào thời điểm sau khi thị trường hàng không phục hồi (dự kiến 2022)” – văn bản của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đứng tên “gợi ý”.

Vận tải hàng hóa bằng đường hàng không được đánh giá là lĩnh vực có khả năng bứt phá mạnh nhất tại Việt Nam trong năm 2021. Ảnh: H.K

Dấu hỏi về sự bình đẳng và cạnh tranh sòng phẳng?

Việc Bộ GTVT chỉ trong thời gian ngắn liên tiếp có 2 văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến kiến nghị thành lập hãng bay vận tải của ông Hạnh Nguyễn cho thấy mức độ quan tâm rất lớn của bộ này đối với thị trường hàng không Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn, các hãng bay phải tăng cường vận tải hàng hóa nhằm bù đắp nguồn thu để có thể duy trì sự tồn tại và tránh phá sản.

Tuy nhiên như Báo Lao Động ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia, để mở một hãng hàng không mất rất nhiều thời gian chứ không phải “một sớm, một chiều” nên việc cấp phép cho hãng bay vận tải ở thời điểm hiện nay cũng không ảnh hưởng tới hoạt động vận chuyển hàng hoá tạm thời của các hãng bay chở khách trong nước.

Song khi mà nhu cầu vận chuyển hàng hóa hàng không đang tăng vọt nhằm bù đắp sự đứt gãy do dịch bệnh gây ra, dịch vụ logistics cũng được Bộ Công Thương đánh giá là lĩnh vực có khả năng bứt phá mạnh nhất tại Việt Nam trong năm 2021, việc Bộ GTVT “lùi” thời hạn xem xét thành lập hãng IPP Air Cargo đến sau khi thị trường hàng không phục hồi gây lo ngại về việc làm mất cơ hội và thời cơ kinh doanh thành công của doanh nghiệp.

Bình luận về động thái mới của Bộ GTVT, luật sư Nguyễn Đức Toàn – Giám đốc Cty Luật Vimax Châu Á cho rằng, việc Bộ GTVT “vin” vào cớ dịch bệnh để chưa xem xét và nhìn nhận kiến nghị thành lập hãng bay mới của ông “vua hàng hiệu” chưa phù hợp về thời điểm là chưa thực sự thỏa đáng với nguyện vọng của doanh nghiệp.

“Đó không phải là điều kiện tiên quyết và có ý nghĩa quyết định khi xem xét cấp phép cho một doanh nghiệp được mở hãng bay vận tải, đặc biệt khi việc lập hãng bay là ngành nghề kinh doanh có điều kiện".

Luật sư Nguyễn Đức Toàn cho rằng, trong trường hợp hãng đáp ứng đủ điều kiện về kinh doanh vận tải hàng không, có phương án, có tàu bay khai thác, có đủ tổ chức bộ máy cũng như có đủ vốn được quy định trong Luật Đầu tư, các luật chuyên ngành và pháp nhân được thành lập hợp pháp theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp có quyền và cơ quan quản lý nhà nước có nghĩa vụ phải cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động để đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh và đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các hãng hàng không với nhau.

Đáng chú ý cũng trong văn bản gửi ngày 18.7, Bộ GTVT cho biết bộ này và 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines cùng thống nhất rằng 4 hãng cơ bản có thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trường hợp có nhu cầu đặc biệt, các hãng này có thể cung cấp dịch vụ hoặc… thuê tàu bay chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa.

“Thông tin này kết hợp với việc Bộ GTVT cho rằng việc lập hãng bay vận tải hàng hóa chuyên biệt là chưa phù hợp dễ gây cảm giác đang có một sự ứng xử thiếu công bằng và bình đẳng với doanh nghiệp” – Giám đốc Cty Luật Vimax Châu Á đưa ý kiến.

Tác giả: NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP