Vội vã đi thăm nom những người đau ốm trong mái ấm thiện tâm của mình sau công việc, anh Hoàng Văn Thịnh (46 tuổi, trú xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) cho biết, bắt đầu nhận người bị tâm thần và những trẻ em tật nguyền bị bỏ rơi về nuôi từ hơn 5 năm trước.
Anh Thịnh kể, trong những chuyến đi công tác, hình ảnh những người điên lang thang trong bộ dạng rách rưới, sống đầu đường xó chợ và những đứa trẻ dị tật bị vứt bỏ đã khiến anh day dứt. “Họ cũng là con người mà răng phải sống khổ sở như vậy. Phải làm một điều gì đó giúp họ”, ý định nuôi dưỡng người điên xuất phát từ đó.
Anh Thịnh ân cần đi thăm nom những người ốm yếu trong trung tâm bảo trợ của minh
Đầu năm 2012, ngôi nhà 3 tầng khang trang gồm 30 phòng nằm bên con đường liên xã thuộc xóm Vếch Bắc (xã Đô Thành) hoàn thành với tên gọi “Mái ấm thiện tâm Faustina”. Hơn 10 tỉ đồng để xây dựng mái ấm này đều là tiền túi của anh bỏ ra. Tấm lòng của anh Thịnh đã thuyết phục được nhiều người.
Chính quyền đồng ý cho anh thành lập Trung tâm bảo trợ xã hội Thiện Tâm. Thủ tục pháp lý đã xong, anh Thịnh bắt đầu đi tìm những người bệnh tâm thần lang thang đầu đường xó chợ về nuôi.
Chỉ cần nghe nói ở đâu có người bị bỏ rơi, hay có hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ là anh lại bỏ hết công việc đến tận nơi đón họ về trung tâm. “Mình gặp nhiều may mắn hơn nhiều người trong cuộc sống. Nên nếu giúp được nhiều người kém may mắn này cũng coi như là cái phúc của mình”, anh Thịnh nói và cho biết hiện Mái ấm Thiện Tâm Faustina đang nuôi dưỡng gần 100 người với nhiều số phận khác nhau.
Người bị vấn đề về tâm thần, bại liệt, trẻ em bị chất độc da cam/dioxin và nhiều em tật nguyền bị bỏ rơi khi mới sinh do các xơ ở đây nhận về nuôi.
Do bận công việc, anh Thịnh phải nhờ tới hơn 10 người chăm sóc, lo cơm nước chu đáo cho mọi người ở trung trung tâm
Em Phương Thảo, vừa mới chào đời cách đây không lâu chính là kết quả bất hạnh của một người điên ở Thanh Hóa. Anh Thịnh cho biết, trong một lần ra Hà Nội công tác, anh gặp bà Nguyễn Thị Bích (52 tuổi) đang lang thang ngoài đường. Nhặt được thứ gì là bà cho vào miệng nhai một cách rất ngon lành. Thấy vậy nên anh đưa về chăm sóc.
Thời điểm này bà Bích đã mang thai được 5 tháng. Người dân ở đây cho biết, cha bà Bích này bị bệnh được đưa vào một trại phong ở Nghệ An. Bản thân bà ở một mình rồi bị người ta làm cho có thai khiến bà trở nên trầm cảm rồi hóa điên, đi lang thang.
Nhận nuôi hàng chục người điên, trẻ tàn tật từ một bát cháo
Cầm chắc bát cháo đang cho các em ăn dở trong tay, anh Tạ Duy Sáu (38 tuổi, trú xóm 7, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành) vừa nói vừa rưng rưng nước mắt: “Cũng chính bát cháo này năm xưa đã cứu mạng sống tôi rồi thôi thúc tôi tìm đến với những mảnh đời bất hạnh”.
Vẫn còn nhớ như in ngày vào miền Nam kiếm việc làm mà không một xu dính túi trong tay, anh phải nhịn đói suốt hai ngày liền lại không có chỗ dừng chân.
Lang thang khắp nơi, anh Sáu gục ngã ngay trên đường vì quá đói. May mắn, anh gặp được hai cha con cùng cảnh “đầu đường xó chợ” đã nhường cho anh bát cháo giữ sức để lấy lại sức khỏe.
Anh Sáu ân cần trò chuyện cùng các em nhỏ sau bữa cơm trưa
“Khi vào Sài Gòn làm việc, do không chịu nổi sức ép của công việc nên tôi từng phải bỏ đi bụi, bán báo, bán vé số, từng bị đánh đập dã man, trải gặp nhiều bất hạnh nên tôi rất cảm thông với những hoàn cảnh bất hạnh mà chính mình đã từng trải qua”, anh Sáu nhớ lại.
Sau khi gặp chị Lê Thị Lương cũng là vợ anh sau này, chị cũng là một mảnh đời bất hạnh phiêu dạt, kiếm sống bằng nghề bán báo dạo, vì thế mà chị hiểu và thông cảm tận cùng với anh. Anh đem ước mơ xây dựng một trung tâm từ thiện giúp đỡ những số phận đặc biệt cho chị nghe rồi được chị ủng hộ anh hết lòng.
Năm 2001 hai người về quê gom tất cả số tiền tích góp sau mấy năm lăn lộn ở TP.HCM, rồi vay mượn thêm anh em, bạn để xây dựng một cơ sở chăm sóc cho những trẻ em khuyết tật.
“Lúc này nhiều người bàn tán khiếp lắm, họ cho rằng tôi điên, khùng khi mà bản thân mình lo chưa nổi thì đi lo được cho ai. Nhưng nhờ vợ động viên, tôi lại âm thầm lo việc của mình”, anh Sáu nhớ lại.
Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật trong địa phương được anh Sáu nhận vào làm việc
Nghĩ là làm, năm 2008 khi được UBND huyên Yên Thành quyết định cho thành lập Cơ sở bảo trợ xã hội Hiền Lương. Người đàn ông này bắt đầu khăn gói tìm đến các Trung tâm xã hội khác tìm hiểu, học nghề rồi về mua sắm các nguyên vật liệu về dạy cho các em. Để tạo thêm động lực cho các em làm việc, mỗi tháng anh còn trả cho mỗi em từ 400.000 đồng đến 700.000 đồng để phụ cho gia đình các em.
Hàng làm ra anh lại phải đến các trường học để bán hàng, nhiều chuyến hàng sáng chở đi, chiều trở về còn nguyên. Nhưng anh không nản mà ân cần chỉ cho các em làm lại từng sản phẩm rồi lại đưa đến từng nơi vận động các cơ sở mua.
Khi đã an cư, vấn đề tài chính để nuôi dưỡng hơn 50 trẻ và 6 người phục vụ lại khiến nhiều đêm người đàn ông 37 tuổi này phải nhiều đêm thức trắng. Anh đã đi gõ cửa từng nhà, gặp các nhà hảo tâm, tổ chức để xin được giúp đỡ nhưng cũng không thấm vào đâu.
Tiền lãi từ làm các sản phẩm không nhiều, nhiều tháng thâm hụt không còn tiền mua gạo cho các em là anh lại phải chạy cuống lên đi vay mượn hết chỗ này sang chỗ khác chứ nhất quyết không để các em phải nhịn đói một bữa nào.
Tác giả bài viết: Thành Trung
Nguồn tin: