Hiện Bảo và Bình là học sinh lớp 9 A1, Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
Hai em cùng cô giáo dạy Tin học luôn khám phá, mày mò để sản xuất nhiều công trình sáng tạo mới. Ảnh: Phương Hảo |
Bảo và Bình là đôi bạn thân, học cùng nhau từ lớp 1 đến lớp 9 và chung niềm đam mê sáng tạo tin học. Theo lời kể của bố mẹ, từ nhỏ hai em đã bộc lộ niềm đam mê và sở thích đặc biệt với máy tính. Ban đầu là những chương trình vui chơi, sau đó là những chương trình phục vụ cho học tập trên internet.
Từ lớp 4, khi Bảo tìm được chương trình nào hay, ứng dụng nào tiện ích phục vụ cho những bài học Tiếng Việt, ngoại ngữ đều chia sẻ với Bình. Ngược lại Bình luôn là người chỉ cho Bảo cách sử dụng những phần mềm ứng dụng khó.
Thế nhưng chỉ sử dụng những tiện ích sẵn có thì hai bạn nhỏ không thể tạo ra được những chương trình phục vụ cho việc học tập phù hợp với những bài học của mình. Vì thế bắt đầu từ năm cuối cấp tiểu học, hai em đã mày mò phương pháp lập trình phần mềm để viết được những ứng dụng riêng cho bản thân.
Bình và Bảo luôn là đôi bạn đồng hành trong các cuộc thi sáng tạo. Ảnh: Phương Hảo |
Để có thể viết được những ứng dụng đó cần hiểu thuật toán lập trình, cần có trình độ toán học cấp THCS, THPT. Điều này tuy khó với hai cậu học trò chỉ mới học lớp 4, lớp 5. Thế nhưng vượt qua những khó khăn đó, niềm đam mê với những ứng dụng công nghệ số đã thôi thúc các em phải tìm hiểu mày mò bằng được. Trong quá trình sáng tạo, không ít lần các em gặp thất bại nhưng hai cậu học trò phố núi không hề nản chí. Và những ứng dụng “học vui, vui học” đầu tiên cũng đã ra đời.
Lên lớp 6, biết được khả năng và niềm đam mê của hai học sinh học giỏi chăm ngoan, cô giáo phụ trách tin học Trường THCS luôn đồng hành để tiếp thêm sức mạnh cho các em.
Cô giáo Trần Thị Lý cho hay: “Điều kiện miền núi còn khó khăn trong việc tiếp cận CNTT nhưng Bảo và Bình đã khiến tôi phải cố gắng tìm hiểu thêm kiến thức lập trình để hỗ trợ và đồng hành với các em và chính các em đã lan tỏa cho các giáo viên về tinh thần tự học và sáng tạo.”
Năm lớp 7, khi nhà trường có thông báo về cuộc thi sáng tạo tin học trẻ, hai em đã đăng ký dự thi, nhưng khổ nỗi lại không có máy tính cá nhân để có thể thường xuyên cập nhật. Thấy Bảo và Bình quyết tâm cao, cô giáo Trần Thị Lý đã cho các em mượn máy tính xách tay và đồng hành hướng dẫn đề án dự thi cùng các em trong 5 tháng.
Bảo và Bình bên thành quả của sự nỗ lực khám phá và sáng tạo của mình. Ảnh: Phương Hảo |
Và trong thời gian đó, hai em đã viết thành công phần mềm dự thi Tin học trẻ Nghệ An lần thứ 22 với đề tài "Nghệ An quê em" và đạt giải Nhì.
Cô Trần Thị Lý cho biết: Ứng dụng dự thi xuất phát từ điều kiện thực tiễn của du lịch của Nghệ An, sản phẩm này dựa trên mục đính giúp đưa các địa điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử Nghệ An,... tới gần hơn với khách tham quan du lịch”.
Hai em đã quyết định xây dựng một công cụ chạy trên Smartphone để du khách có thể dễ dàng tìm hiểu thêm nhiều thông tin về nơi mình chọn làm điểm đến. Với các công cụ được tích hợp vào hệ thống phần mềm của điện thoại như: Chỉ đường; gọi taxi; chia sẻ thông tin; bản đồ Nghệ An;...sẽ phục vụ người dùng khi có nhu cầu tìm hiểu các địa danh, danh thắng xứ Nghệ. Người có điện thoại thông minh có thế tải ứng dụng này về sử dụng như các phần mềm khác.
Ứng dụng sau đó đã được tích hợp lên WINDOWSPHONE STORE và CH PLAY, du khách có thể dễ dàng cài đặt và sử dụng miễn phí ứng dụng này.
Lên lớp 8, Bảo và Bình tiếp tục tham gia cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và đạt giải Ba với Đề tài “Phần mềm ứng dụng học tập về thế giới động vật”. Thông qua ứng dụng giúp người dùng, người học có thể dễ dàng tiếp cận một cách nhanh nhất, dễ hiểu nhất về các loại động vật trong bộ môn sinh học lớp 7.
Năm lớp 9, với đề tài "Trình duyệt Việt Browser", Bảo và Bình tiếp tục làm rạng danh cho huyện nhà khi đạt giải Nhì tại cuộc thi Tin học trẻ lần thứ 24 của tỉnh Nghệ An. Cũng đề tài này, hai em giành giải Khuyến khích trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Nghệ An. Đồng hành cùng các em luôn có sự trợ giúp nhiệt tình của cô giáo Trần Thị Lý. Mặc dù quỹ thời gian cuối năm học eo hẹp nhưng cả cô và trò đều không quản ngại khó khăn, tranh thủ mọi lúc mọi nơi để trao đổi, hoàn thành đề tài.
Phần mềm Trình duyệt Việt Browser là phần mềm đơn thuần ứng dụng chuyển đổi ngôn ngữ dạng văn bản trở thành tiếng nói giúp người khiếm thính có thể giao tiếp với đối phương dễ dàng hơn. Ngoài ra ở phần mềm này còn có thể chuyển đổi giọng nói của đối phương sang văn bản, giúp người khiếm thính hiểu chính xác nội dung thông tin khi giao tiếp với người bình thường.
“Chúng em đã trực tiếp thử vài người khiếm thính tại huyện nhà và thấy rằng kết quả khá khả quan, độ chính xác khá cao.”
Tuy nhiên, khó khăn nhất là công cụ hỗ trợ Google vẫn chưa xử lý được Tiếng Việt thành giọng nói, bọn em đã cố gắng để khắc phục giúp cho những người khiếm thính có một công cụ hỗ trợ đắc lực. Mà không cần những thiết bị rườm rà khác”- Bình chia sẻ.
Bảo cho biết: Trong tương lai, chúng em dự tính sẽ phát triển thêm nhiều tính năng khác, thú vị hơn, hấp dẫn hơn, phù hợp với người khiếm thính.
Nói về hai trò cưng của mình, cô giáo Trần Thị Lý tự hào: Bảo và Bình là đôi bạn thân được mọi người ngưỡng mộ, chính niềm đam mê, nhiệt huyết mãnh liệt đã tạo cho các em có được những sản phẩm sáng tạo và đem lại thành công như ngày hôm nay, mỗi khó khăn lại là một cơ hội để các em vượt qua bản thân. Hai em vẫn luôn cố gắng mỗi ngày để khẳng định hướng đi và niềm đam mê với khoa học, công nghệ.
Tác giả: Phương Hảo
Nguồn tin: Báo Nghệ An