Cách đây 10 ngày, bệnh nhân bị sốt virus, đi khám tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại đây, các bác sĩ đã phát hiện một khối u nằm ở buồng trứng trái, chiếm gần hết ổ bụng dưới của bệnh nhân.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến khoa Phụ sản – Bệnh viện E để tiến hành các xét nghiệm cần thiết, siêu âm đánh giá ổ bụng. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị u nang nhầy buồng trứng trái có kích thước 18cm bên trong có nhiều vách, chứa dịch tương đối đồng nhất; buồng trứng phải và tử cung bình thường.
Để đề phòng ung thư, các bác sĩ cho bệnh nhân làm thêm một số xét nghiệm sàng lọc ung thư buồng trứng cho thấy kết quả bình thường, chụp thêm MRI để đánh giá về tính chất tăng sinh mạch và độ xâm lấn của khối u cũng cho kết quả bình thường.
PGS.TS Nguyễn Quốc Tuấn – Trưởng khoa Phụ sản – Bệnh viện E cùng các đồng nghiệp đã tiến hành ca mổ cắt bóc khối u nhầy buồng trứng trái khổng lồ. Do bệnh nhân còn trẻ (mới 20 tuổi) nên PGS Tuấn đã quyết định bóc tách khối u, khéo léo không làm tổ chức nhầy vỡ vào ổ bụng và bảo tồn tối đa phần vòi trứng, nhằm giảm sự ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của bệnh nhân sau này. Khối u sau mổ có kích thước đo được trên 20 cm, nặng 1,8kg.
"Kẻ giết người thầm lặng"
Chia sẻ với PV, PGS Tuấn cho biết, ở nữ giới, u nhầy chiếm khoảng 20% các khối u buồng trứng. U nhầy buồng trứng được chia thành u tuyến bọc nhầy lành tính và các u có tiềm năng ác tính thấp và ác tính - carcinoma. Tuy nhiên đối với nang nhầy buồng trứng dù là lành tính vẫn có những nguy hiểm của nhầy khi vỡ vào trong ổ bụng, có thể gây viêm phúc mạc nhầy, lâu dài tạo thành các khoang nhầy trong ổ bụng dẫn đến tình trạng suy kiệt của bệnh nhân, mà đôi khi bệnh nhân phải chịu nhiều cuộc phẫu thuật mà nguyên nhân không thể giải quyết triệt để được.
Do vậy, khi phát hiện nang buồng trứng nhầy cần được mổ sớm. Khi mổ tránh chọc hút làm vỡ nang trong ổ bụng. Trong các trường hợp nang to nên chọn cách mổ mở ổ bụng là an toàn nhất và cắt bỏ sẽ hạn chế tối đa việc tái phát.
Cũng theo chia sẻ của PGS Tuấn, việc chẩn đoán u buồng trứng hiện nay không quá khó với sự trợ giúp của siêu âm, vì vậy, chị em phụ nữ cần có ý thức tuân thủ việc thăm khám sức khoẻ định kỳ, vì các triệu chứng lâm sàng của bệnh thường rất nghèo nàn, diễn biến rất âm thầm, ngay cả khi là một khối u buồng trứng ác tính, mà thường được gọi là "kẻ giết người thầm lặng" vì khi phát hiện ra với các triệu chứng lâm sàng thì thường ung thư buồng trứng đã ở giai đoạn muộn.
PGS Tuấn khuyến cáo, chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa và siêu âm ít nhất 1 lần/năm, nhất là phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ, sau tuổi 40 hoặc có những dấu hiệu bất thường ở ổ bụng (bụng dưới), như bụng to lên nhanh, đau bụng… Với những trường hợp phát hiện nang buồng trứng nhỏ dưới 3cm, chị em phụ nữ cần đi khám theo hẹn để loại trừ các nang buồng trứng cơ năng, là những nang thanh dịch sẽ tự biến mất khi hành kinh. Từ đó, các BS sẽ có tư vấn cần thiết và chỉ định can thiệp sớm cho bệnh nhân để chọn đường mổ tốt nhất, giữ phần còn lành của buồng trứng, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới khả năng có con trong tương lai.
Tác giả bài viết: Minh Ngọc
Nguồn tin: