Kinh tế

Giàu nhất Việt Nam, mơ ngôi nhà 100 tầng: Đặng Thành Tâm về đâu

Đại gia giàu nhất một thời Đặng Thành Tâm tan giấc mộng tòa tháp 100 tầng trên mảnh đất vàng Hà Nội. Đây là cơ hội để tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng có thêm 1 mảnh đất vàng xây dự án mới.

Sau những giao dịch, dự án tháp cao tầng nhất Việt Nam, trên mảnh đất vàng tại Hà Nội đã về tay người Việt giàu nhất thế giới, ông Phạm Nhật Vượng.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 của Vingroup, một sự kiện quan trọng phát sinh sau ngày kết thúc kỳ báo cáo đã được công bố là việc Công ty Vinhomes đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần có điều kiện với các đối tác để mua 96,6% cổ phần của CTCP Đầu tư xây dựng Thái Sơn, với tổng giá trị chuyển nhượng là 1.700 tỷ đồng. Vinhomes sẽ nhận chuyển nhượng 100% phần vốn góp trong Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen với giá trị chuyển nhượng là 1.875 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen được biết đến là Chủ đầu tư dự án Diamond Rice Flower (tên cũ là Lotus Hotel), tháp bông lúa 100 tầng, cao nhất Việt Nam, trên mảnh đất vàng tại Hà Nội.

Đây vốn là dự án khách sạn 6 sao của Tập đoàn Kinh Bắc của ông trùm bất động sản công nghiệp Đặng Thành Tâm.

Hồi giữa năm 2017, thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, Tổng CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) đã có quyết định thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trị giá 1.500 tỷ đồng, chiếm 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen với giá 1.854 tỷ đồng cho bên nhận chuyển nhượng là Công ty cổ phần Đầu tư Mặt trời mọc.

Vụ chuyển nhượng này được thực hiện chỉ khoảng 1 tháng sau khi KBC tăng vốn điều lệ Công ty Hoa Sen từ mức hơn 145 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng.

Dự án tháp bông lúa là giấc mơ nóng bỏng một thời của doanh nhân Đặng Thành Tâm. Đây là một tòa tháp với kỳ vọng mang đẳng cấp quốc tế, nằm trên khu diện tích 4,2 ha nằm ngay ngã 3 Phạm Hùng - Đỗ Đức Dục, sát bên cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Ông Tâm đã rất kỳ vọng phát triển một tổ hợp dự án bất động sản cao cấp mang tầm quốc tế như vậy trên khu đất vàng này, sau khi tập đoàn Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) xin rút khỏi dự án Lotus Hotel (tên cũ của dự án) với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD. KBC kỳ vọng sẽ hoàn thành dự án vào dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010) cùng một số siêu khách sạn khác tại Hà Nội như Keangnam Hanoi Landmark Tower, Grand Plaza,...

Hàng chục phương án thiết kế ấn tượng đã được đưa ra như chùa Một Cột, bông sen, bông lúa... Trong đó, ông Đặng Thành Tâm tâm đắc nhất với phương án tháp bông lúa, vì thế dự án Diamond Rice Flower cao chọc trời đã được lựa chọn.

Dự án do Foster and Partners (Vương quốc Anh) thiết kế với kiến trúc mang hình dáng của bông lúa và đã được Bộ Xây dựng chấp thuận với tổ hợp 1 tòa nhà 100 tầng (chiều cao khoảng 400m) và 1 tòa cao 80 tầng (cao 320m) và 1 tòa 15 tầng.

Giấc mơ đầu tư cả tỷ USD cho dự án của ông Đặng Thành Tâm gặp khó khăn khi thị trường bất động sản trầm lắng năm 2012 và một số vấn đề liên quan tới pháp lý. Các doanh nghiệp của ông Tâm cũng lao đao vì nợ nần khiến ông Tâm tuyên bố không thể tiếp tục xây ước mơ của mình và có thể hợp tác hoặc chuyển nhượng cho một tập đoàn BĐS lớn trong nước. Ông Tâm sau đó đã quay lại tập trung vào thế mạnh bất động sản công nghiệp của mình.

Ông chủ thực sự đằng sau của dự án tỷ USD chưa được xác định. CTCP Đầu tư Mặt trời mọc thành lập năm 2006, có trụ sở tại 15 AV Hồ Xuân Hương, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Việc dự án được chuyển nhượng từ Công ty Mặt Trời Mọc - một doanh nghiệp chưa có một dự án bất động sản nào nổi bật sang Vingroup khiến nhiều người kỳ vọng Hà Nội sắp có thêm 1 tòa tháp cao tầng xứng tầm vị thế thủ đô.

Vingroup gần đây đã cất nóc tòa nhà cao nhất Việt Nam Landmark 81 tại khu đô thị Vinhomes Central Park với độ cao hơn 460m. Đây là tòa tháp cao nhất Việt Nam, vượt qua cả tòa tháp đôi ở Malaysia và trở thành một trong 10 tòa nhà cao nhất thế giới.

Ông Đặng Thành Tâm từng là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2007 với số tiền quy ra từ giá trị cổ phiếu khi đó là gần 6.300 tỷ đồng. Tính tới thời điểm hiện tại, khối tài sản của ông Tâm chỉ còn 1.200 tỷ đồng nhưng đã rớt ra khỏi top 50 người giàu nhất trên TTCK. Ông Phạm Nhật Vượng hiện có khối tài sản ước đạt gần 200 ngàn tỷ đồng, gấp khoảng 160 lần ông Tâm.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), các cổ phiếu tiếp tục điều chỉnh sau một năm 2017 tăng bùng nổ và một mùa xuân 2018 tăng trưởng ấn tượng.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index giảm tiếp 9 điểm với hàng loạt cổ phiếu ngân hàng bị xả mạnh như Vietcombank, BIDV... Một số cổ phiếu trụ cột như Vingroup (VIC), Petrolimex (PLX), HDBank (HDB), Masan (MSN),... tăng điểm cũng không giúp cân bằng thị trường.

Kết thúc phiên giao dịch 16/4, VN-index giảm 15,88 điểm xuống 1.157,14 điểm; HNX-Index giảm 2,29 điểm xuống 133463 điểm. Upcom-Index giảm 0,35 điểm xuống 59,32 điểm. Thanh khoản đạt 270 triệu cổ phần. Giá trị đạt 8,4 ngàn tỷ đồng.

Tác giả: V. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP