Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, Tần số vô tuyến điện, Công nghệ và An toàn thông tin mạng đang được được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến nhân dân từ 30/5 đến 30/7. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Dự thảo đưa ra lấy ý kiến về trách nhiệm của cá nhân sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Theo Điều 90 về "Vi phạm các quy định về trách nhiệm của cá nhân sử dụng dịch vụ mạng xã hội", sẽ phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng đối với hành vi vi cung cấp thông tin không chính xác khi đăng ký thông tin cá nhân.
Thông tin cung cấp phải đúng với người sử dụng mạng xã hội tại VN
Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước; Cung cấp bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia; Cung cấp các tác phẩm đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bị cấm; Cung cấp thông tin kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, lô đề, cờ bạc, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Đáng chú ý, đối với hành vi sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác để tạo tài khoản sử dụng dịch vụ mạng xã hội trái phép sẽ nhận mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Đồng thời, đối với các hành vi truy nhập trái phép tài khoản mạng xã hội của tổ chức, cá nhân khác sẽ nhận mức phạt rất nặng từ 20 đến 50 triệu đồng.
Mạng xã hội cung cấp thông tin và không bảo mật cũng bị phạt
Điều 89 của dự thảo lần này cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội dành cho người tiêu dùng tại Việt Nam.
Trong đó, khoản 1 quy định sẽ phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thông tin cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người sử dụng dịch vụ.
Khoản 2 của Điều 89 cũng quy định rõ sẽ phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không công khai hoặc công khai không đầy đủ thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội trên trang chủ; Cung cấp đường dẫn đến trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm quy định pháp luật; Không có biện pháp bảo vệ thông tin riêng hoặc thông tin cá nhân của người sử dụng; Không thông báo cho người sử dụng về quyền, trách nhiệm, rủi ro khi lưu trữ trao đổi, chia sẻ thông tin trên mạng...
Đáng chú ý, trong khoản 3 sẽ phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin riêng của người sử dụng có liên quan đến hoạt động khủng bố, tội phạm, vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định; Sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; Cung cấp thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, phim, ảnh không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam...
Bên cạnh đó, sẽ phạt tiền 30 đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi lưu trữ, truyền đưa nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Lưu trữ, truyền đưa nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước; Lưu trữ, truyền đưa bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia....
Ngoài ra, dự thảo lần này cũng sẽ hạt tiền từ 70 đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau của tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội: Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đây được xem là động thái mạnh từ chính quyền về tình hình kiểm soát thông tin cá nhân và tổ chức trên internet hiện nay. Qua đó, giúp lập lại trật tự cũng như đảm bảo môi trường internet trong sạch, văn minh và phát triển.
Tác giả bài viết: Gia Hưng
Nguồn tin: