Số hóa

‘Đu trend’ chỉnh sửa ảnh anime, coi chừng lộ lọt thông tin

Cục An toàn thông tin cảnh báo nguy cơ lộ thông tin từ việc sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh anime, tạo ảnh như nhân vật phim hoạt hình của nhiều người dùng mạng xã hội Việt Nam hiện nay.

Theo ông Nguyễn Duy Khiêm (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông), người dùng mạng xã hội không nên cung cấp các hình ảnh riêng tư lên các ứng dụng để tránh nguy cơ mất an toàn thông tin - Ảnh: D.MẠNH

Chỉnh sửa ảnh anime (tạo ảnh như nhân vật phim hoạt hình) qua các app như Loopsie đang được nhiều người dùng mạng xã hội tại Việt Nam sử dụng. Ngoài ra, nhiều ứng dụng chỉnh sửa ảnh khác như tạo ảnh chân dung bằng AI, sửa ảnh chân dung thành nhân vật nổi tiếng, lên bìa sách hay trang nhất tạp chí, chỉnh ảnh thành các nhân vật cổ trang, người nổi tiếng... cũng liên tục hình thành các trào lưu trên mạng xã hội.

Trước trào lưu này, chuyên gia Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lên tiếng cảnh báo.

Theo ông Nguyễn Duy Khiêm - đại diện Cục An toàn thông tin, việc sử dụng ứng dụng chỉnh sửa ảnh và cung cấp hình ảnh, khuôn mặt cá nhân cho các ứng dụng chỉnh sửa ảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thông tin cá nhân.

Bởi lẽ, ngoài việc yêu cầu người sử dụng cung cấp hình ảnh, ứng dụng còn yêu cầu cho phép truy cập vào kho ảnh, camera điện thoại và một số quyền khác. Trên cơ sở có được các thông tin về khuôn mặt, hình dáng và các thông tin khác như địa chỉ email, số điện thoại..., nhà cung cấp ứng dụng có thể thu thập, lưu trữ và xử lý thông tin cá nhân, dữ liệu của người sử dụng vào các mục đích khác nhau.

Bên cạnh đó, công nghệ thanh toán, xác nhận tài khoản bằng khuôn mặt đang rất phổ biến, do đó kẻ xấu hoàn toàn có thể lợi dụng hình ảnh để tạo ra các hình thức lừa đảo, đánh cắp tài khoản cá nhân.

Theo phân tích của các chuyên gia Cục An toàn thông tin, một trong những hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay là cuộc gọi video deepfake. Các đối tượng thông qua công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè, từ đó thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến.

Để giảm thiểu nguy cơ lộ lọt thông tin, Cục An toàn thông tin khuyên người dùng hạn chế chia sẻ hình ảnh, thông tin, dữ liệu cá nhân lên các nền tảng mạng xã hội; chọn lọc, sử dụng các ứng dụng uy tín; đọc kỹ các điều khoản, yêu cầu của nhà cung cấp dịch vụ trước khi sử dụng. Đặc biệt là người dùng không nên cung cấp những hình ảnh nhạy cảm, riêng tư lên các ứng dụng.

Theo khuyến nghị của ông Khiêm, người dùng cần đặc biệt lưu ý, trước khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, cần xem xét đầy đủ các quyền mà ứng dụng muốn truy cập. Đồng thời, kiểm soát các quyền truy cập của ứng dụng đến các thông tin cũng như chức năng có trên các thiết bị thông minh.

Khi sử dụng các nền tảng, ứng dụng và được yêu cầu cung cấp thông tin, người dùng cần biết cung cấp thông tin cho đối tượng nào, mục đích sử dụng là gì. Đối với những nền tảng, ứng dụng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá, khuyến nghị an toàn thì không nên sử dụng.

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP