Du lịch

Du lịch Cửa Lò: Khởi nguồn từ di sản văn hóa (Kỳ II)

Không chỉ được đắp bồi bởi di sản văn hóa vật thể, miền biển Cửa Lò cũng được “ấp iu”, “nồng đượm” bởi những giá trị phi vật thể. Lễ hội đền Yên Lương (Phường Nghi Thủy) là một di sản sống, một giá trị sống vốn dĩ đã trường tồn song hành với du lịch Cửa Lò.

Đền Yên Lương (phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò). Ảnh: Nguyễn Diệu

Lễ hội đền Yên Lương - Di sản văn hóa phi vật thể

Văn hóa phi vật thể luôn mang màu sắc dân gian, có sự gắn bó chặt chẽ, đồng hành với đời sống và trở thành những “di sản sống”, những “giá trị sống”. Di sản văn hóa phi vật thể là những giá trị vô hình, được lưu truyền và biểu hiện bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề và các dạng bí quyết nghề nghiệp khác.

Theo lý lịch di sản văn hóa Lễ hội đền Yên Lương của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, Lễ hội đền Yên Lương là một trong những lễ hội cổ truyền đã tồn tại hàng trăm năm gắn với quá trình hình thành Làng Yên Lương vào khoảng đầu thế kỷ XVII.

Lễ hội là hoạt động văn hóa thể hiện tín ngưỡng và bản sắc văn hóa độc đáo của nhân dân địa phương vùng biển Cửa Lò, qua đó thể hiện nguyện vọng thiết tha của người dân miền biển, là điểm tựa tinh thần của đông đảo ngư dân trong vùng cầu cho mỗi chuyến ra khơi vào lộng được sóng yên bể lặng, tôm cá đầy thuyền... Và có thể khẳng định rằng, đây chính là hồn cốt của miền biển, nơi lưu giữ nét đẹp văn hoá của người dân làng Yên Lương nói riêng, Cửa Lò nói chung.

Xưa, hàng năm tại di tích diễn ra nhiều kỳ lễ trọng như: Lễ khai sắc, lễ cầu ngư, lễ Trung Nguyên, lễ khai hạ … Nhưng lễ hội diễn ra dịp trung tuần tháng 6 âm lịch là lễ hội chính, lễ hội truyền thống của đền có quy mô lớn nhất và đặc trưng nhất vùng ven biển xứ Nghệ. Đó là lễ “Phúc lục ngoạt” (lục ngoạt có nghĩa là: Lục là số 6, tháng 6 và 6 lễ tổng hợp gồm lễ báo cáo thiên địa, lễ thỉnh, lễ rước vong nghênh, lễ cầu ngư, lễ tế, lễ tạ. Cũng là 6 tuần thượng, trung hạ tuần; ngoạt là định kỳ của ngày lễ, là nghi thức không thể thay đổi); lễ được tổ chức 3 năm một lần vào những năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu và 3 ngày 14, 15, 16 tháng 6 (âm lịch).

Ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội đền Yên Lương (thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Đền Yên Lương

Vật phẩm cúng tế ở đền ngoài hương, đăng, trà, quả còn có cỗ mặn tam sinh do làng cử các giáp, các gia đình thay nhau luân phiên làm và tế thần vào ngày 16 tháng 6 và trong kỳ lễ này một vật phẩm nhất thiết phải có đó là “oản nếp”. Tuy nhiên, điểm độc đáo, đặc sắc, thu hút du khách thập phương khi “thưởng thức” “hồn cốt” văn hóa Cửa Lò là lễ Cầu ngư.

Với ngư dân nơi đây, Lễ hội Cầu Ngư là một trong những lễ hội quan trọng nhất, là ngày hội lớn của cả làng. Trong những ngày diễn ra lễ hội, tất cả các ngư dân đều nghỉ không đi biển. Trước đây, lễ hội diễn ra mỗi năm một lần nhưng hiện nay do nhiều yếu tố, định kỳ 3 năm, làng Yên Lương sẽ tổ chức đại lễ. Lễ hội được diễn ra vào rằm tháng 2 âm lịch.

Theo người dân địa phương, lễ cầu ngư của đền tổ chức vào tháng 2 là mùa sinh sôi nảy nở của sinh vật biển, và đến tháng 6 là mùa đánh bắt thủy hải sản thuận lợi nhất trong năm. Một trình thức của lễ hội (lễ vọng nghinh) được diễn ra trên biển, gắn với các quan niệm và các nghi lễ của cư dân sông nước.

Trong ngày lễ, dân làng rước dấu ấn của Ngài: Sát Hải Đại Vương (Thần cai quản biển), Thần Cô, Thần Cậu (Thần biển)… từ đền Yên Lương ra các thuyền ở cửa lạch để làm lễ phùng nghinh. Bàn thờ được trang hoàng rực rỡ, trang nghiêm. Các nhà đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu thuyền đều chăng đèn kết hoa. Làng chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ (không được dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với biển cả và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn.

Lễ hội là hoạt động văn hóa thể hiện tín ngưỡng và bản sắc văn hóa độc đáo của nhân dân địa phương vùng biển Cửa Lò... Ảnh: Đền Yên Lương

Tục thờ Cá Ông đã có từ lâu đời của người dân nơi đây, nó trở thành một tín ngưỡng nằm trong đời sống sinh hoạt tâm linh của các ngư dân. Sau mỗi chuyến ra biển tôm cá đầy khoang, họ lại mang ra cúng "Ngài".

Đối với nhiều người, cá Ông hay cá Voi chỉ là một sinh vật bình thường, gây ấn tượng bởi sự to lớn, nhưng đối với những người dân biển, đặc biệt là những người dân sống bằng nghề đánh cá, đi biển thì cá Ông như người cha, người mẹ che chở, bảo vệ, cứu giúp mỗi khi các thuyền bè khi gặp nạn. Vì vậy, họ rất tôn sùng và suy tôn cá Ông với nhiều mỹ tự như: Ngư Ông, ông Nam Hải, ông Chộng, ông Lộng, ông Khơi, Nam Hải Đại tướng quân. Nhân dân nơi đây còn có câu “Thấy ông vào làng như vàng vào tủ”.

Tương truyền, vùng Cửa Lò, Cửa Hội thường xuất hiện một cá Ông to như chiếc tàu. Nhiều lần biển động ghe thuyền đánh cá găp nguy hiểm, ông thường đến cứu giúp. Cá Ông kê lưng đỡ thuyền lướt qua sóng gió hãi hùng và đã cứu vớt được nhiều ngư dân gặp nạn. Khi “ngài” mất, xác trôi vào bờ, ngư dân phải dùng đến 30 đôi chiếu mới để đắp di hài mà không hết.

Theo tục lệ của dân đi biển thì ai phát hiện được cá Ông mắc cạn (tục gọi là "ông lụy”) thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Người đầu tiên phát hiện ra xác cá Ông được gọi là trưởng nam và khi tổ chức tang lễ phải mặc trang phục như một người con trai trưởng tổ chức đám tang cho cha mẹ. Toàn bộ những nghi lễ liên quan đều phải được cả dân làng thực hiện. Nếu cá Ông nhỏ chết, người ta gọi là thai sẩy và gọi là thần cô, thần cậu. Cá Ông được người dân tôn kính gọi là Đức Ngư Ông. Với lòng thành kính ấy, họ gửi gắm tất cả niềm tin vào thần Đức Ngư Ông linh thiêng nhằm phù hộ độ trì cho cư dân những lúc ra khơi vào lộng.

Với ngư dân nơi đây, Lễ hội Cầu Ngư là một trong những lễ hội quan trọng nhất, là ngày hội lớn của cả làng... Ảnh: Đền Yên Lương

Lễ hội Cầu Ngư của ngư dân vùng biển luôn mang một thông điệp chung “cầu cho trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang, đời sống của ngư dân ngày càng ấm no, sung túc. Ngư dân luôn bám biển và sẵn sàng bảo vệ biển trời quê hương, dù cho sóng to gió lớn nhưng vẫn vững tay lái, tay chèo”.

Để thấy rằng, Lễ hội đền Yên Lương là một trong số ít các lễ hội truyền thống của Nghệ An còn thể hiện được nhiều yếu tố bản sắc văn hóa, được lưu truyền qua hàng trăm năm, không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự hành chính hóa lễ hội hay sự du nhập làm biến đổi các nghi thức, trình lễ truyền thống.

Cùng với sự hấp dẫn của “thiên đường nghỉ dưỡng biển”, du lịch gắn với tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa dân gian một vùng đất đang là xu hướng mới, được nhiều du khách lựa chọn khi về với Cửa Lò. Điều này không những đem lại các lợi ích kinh tế, thúc đẩy ngành du lịch phát triển, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, lễ hội truyền thống.

Còn tiếp...

Tác giả: Nguyễn Diệu

Nguồn tin: phuongnam.vanhoavaphattrien.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP