Du lịch

Du khách mắc kẹt ở Bali vì hãng bay hủy chuyến

Do lỗi kỹ thuật, một số chuyến bay chặng Bali (Indonesia) đi Australia bị hủy khiến nhiều du khách bị mắc kẹt ở hòn đảo thiên đường.

Đại diện hãng bay Jetstar (Australia) xác nhận trên NCA NewsWire có khoảng 4.000 hành khách người Australia bị ảnh hưởng bởi việc hủy chuyến.

Phi công trưởng Jeremy Schmidt của hãng hàng không cho biết họ đang gặp phải khá nhiều vấn đề như bị chim tấn công, sét đánh, hư hỏng các thiết bị và chưa tìm được phụ tùng thay thế. Đây cũng là những nguyên nhân khiến hàng loạt chuyến bay bị hủy.

Du khách khó chịu

Một số du khách phải đợi hơn 5 ngày mới có thể đặt được chuyến bay khác. Thậm chí, một số khác phải chi hơn hàng trăm đôla để mua vé máy bay của hãng hàng không khác. Đồng thời, Jestar đang nhận nhiều chỉ trích trên các trang mạng xã hội.

"Công ty đã hoàn tiền với những hành khách không muốn tiếp tục chuyến đi và cung cấp phiếu ăn hoặc bữa ăn miễn phí cho những ai có yêu cầu", đại diện hãng hàng không cho biết.

Kỳ nghỉ tại hòn đảo thiên đường bỗng trở thành ác mộng với nhiều du khách. Ảnh: Sonia Myers.

Sonia Myers (Sydney) đang nghỉ dưỡng tại Bali cùng bố, Lionel (70 tuổi) và bạn của ông, John Williams (75 tuổi). Họ nằm trong danh sách hàng nghìn người bị mắc kẹt trên hòn đảo thiên đường này.

Cô chia sẻ với ABC News: "Chúng tôi nhận được thông báo chuyến bay bị hủy vào tối thứ bảy. Cảm giác thật tồi tệ. Tôi đã phải dành cả ngày hôm qua để tìm nơi lưu trú. Nhiều du khách khác cũng giống như tôi và chúng tôi không thể liên lạc với bất kỳ ai để được hỗ trợ".

Sau nhiều nỗ lực liên lạc với hãng hàng không, Myers cho biết gia đình cô được sắp xếp lên chuyến bay trở về nhà vào ngày 12/9, trễ hơn 8 ngày so với kế hoạch ban đầu.

"Không khí ở đây rất hỗn loạn, ai nấy đều lo lắng. Một số người sắp mất việc, vài người không chuẩn bị đủ tiền còn tôi thì đang lo sợ nếu chuyến bay tiếp tục bị hoãn, bố tôi sẽ không có đủ thuốc điều trị", Myers nói.

Meagan Mulder cùng chồng và 2 người con đã có kỳ nghỉ tuyệt vời tại Bali cùng bạn bè cho đến khi nhận được thông báo hủy chuyến bay.

Bốn người bạn trong nhóm của Mulder buộc phải trả hơn 11.000 USD để đặt các chuyến bay thay thế từ một hãng hàng không khác và phải dừng chân thêm ở Kuala Lumpur (Malaysia).

Không chỉ mất thời gian, số tiền mà du khách phải chi trả cho sự cố không mong muốn này cũng khá cao.

Vấn đề nằm ở đâu?

Kylie, một du khách khác ở Melbourne (Australia) đang trong chuyến nghỉ dưỡng với chồng và 2 người con, cho biết điều khó khăn và cũng làm cô cảm thấy khó chịu nhất là sự thiếu thông tin.

Hãng hàng không thường đưa ra những thay đổi vào phút chót, đặt hành khách vào thế bị động nên rất khó để tìm cách xử lý ngay lập tức. "Ngay cả trên website của hãng cũng không có bất kỳ thông tin gì", cô nói.

Cách làm việc của hãng hàng không khiến nhiều du khách bức xúc. Ảnh: Shutterstock.

"Tôi không thấy vấn đề nằm ở nhân viên của hãng hàng không mà lãnh đạo của Jetstar mới là người cần nghiêm túc nhìn nhận để đưa ra hướng xử lý cho tình huống này", Myers cho biết.

Một số du khách cũng đồng tình với ý kiến này bởi trên thực tế, Jetstar vẫn thuộc sở hữu của Qantas. Họ có thể nhờ sự hỗ trợ từ hãng bay mẹ để mở thêm các chuyến bay giải cứu.

"Nếu không thể khởi hành theo đúng lịch trình, tôi nghĩ từ đầu họ không nên bán vé", du khách Myers bức xúc.

Tác giả: Vân Khanh

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP