Kinh tế

Doanh nghiệp, người dân áp lực lớn nếu giá điện tăng cao

Chuyên gia kinh tế cho rằng việc tăng giá điện là không thể tránh khỏi nhưng nếu tăng cao quá, người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế chịu áp lực lớn.

Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên Học viện Tài chính), cho rằng, việc điều chỉnh khung giá điện bình quân sẽ là một trong những căn cứ để quyết định giá bán lẻ điện bình quân cho từng thời điểm trong thời gian tới. Tuy nhiên, giá điện sẽ không điều chỉnh ngay và nếu có tăng, giá điện cũng sẽ không được thấp hơn hoặc cao hơn trong khung giá vừa ban hành.

Dư luận lo lắng giá bán lẻ điện sinh hoạt và sản xuất kinh doanh sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia, hiện chưa biết giá điện sẽ tăng bao nhiêu nhưng chắc chắn khi giá bán điện tăng sẽ gây áp lực lên người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Do đó khi xem xét giá bán điện cần cẩn trọng tất cả các chi phí liên quan như phát điện, truyền tải, bán buôn, bán lẻ... để có mức tăng hợp lý.

"Vấn đề không phải ở các mức điều chỉnh tăng báo nhiêu mà quan trọng là xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, EVN sẽ không còn độc quyền ở khâu bán lẻ điện, người dân sẽ được mua điện của nhiều nhà cung cấp với giá đàm phán. Nhà bán lẻ điện cũng sẽ phải tự cân đối, cạnh tranh về giá, chất lượng phục vụ có lợi nhất để thu hút khách hàng", chuyên gia nói và cho rằng đề xuất điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là hợp lý nhưng điều quan trọng là phải công khai, minh bạch các chi phí các chi phí đầu ra, đầu vào.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng câu chuyện giá điện luôn nhận được quan tâm của công luận bởi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và kinh doanh của doanh nghiệp.

Cần có lộ trình, không nên quyết định tăng giá điện ngay một cách hành chính. Nên có bước chuẩn bị về tâm lý để người dân, doanh nghiệp có thể chấp nhận được, các ngành sản xuất chủ động tính toán chi phí đầu vào cũng như có thời gian kịp đổi mới công nghệ.

TS Lê Đăng Doanh

Theo ông Doanh, báo cáo gần đây cho thấy EVN đang lỗ nặng do chi phí giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (như than, dầu, khí...) trong nước và thế giới tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao. Nên việc điều chỉnh tăng giá điện là cấp bách và hợp lý. Vấn đề là cơ chế điều chỉnh giá thế nào cho hợp lý? Ở nhiều nước, giá điện được điều chỉnh rất linh hoạt, giá ban đêm khác giá ban ngày để khuyến khích dùng điện vào ban đêm, tránh căng thẳng lưới điện. Nhưng phải làm sao để người Việt Nam thích nghi với cơ chế này, sau thời gian dài quen dùng điện bình ổn giá thấp.

“Tôi nghĩ cần có lộ trình, không nên quyết định tăng giá điện ngay một cách hành chính. Nên có bước chuẩn bị về tâm lý để người dân, doanh nghiệp có thể chấp nhận được, các ngành sản xuất chủ động tính toán chi phí đầu vào cũng như có thời gian kịp đổi mới công nghệ. Đồng thời nên tham khảo rộng rãi ý kiến công luận vì giá điện có thể tác động mạnh mẽ đến sản xuất, tiêu dùng của người dân. Điều chỉnh như thế nào để phù hợp doanh nghiệp người dân trong tình hình hiện nay là một vấn đề cần xem xét cẩn thận”, ông Doanh nói.

Chuyên gia kinh tế, PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng trước những biến động về giá nhiên liệu đầu vào, hầu hết các nước trên thế giới đều đã điều chỉnh tăng giá bán điện. Trong khi đó, giá điện trong nước bình ổn, cho thấy nỗ lực lớn của ngành điện và Chính phủ. Chi phí nhiên liệu đầu vào tăng, các chi phí quản lý, sản xuất… tăng trong khi giá bán điện cố định mà không được điều chỉnh thì ngành điện sẽ bị lỗ là đương nhiên. Và sẽ còn tiếp tục lỗ nếu không có sự điều chỉnh kịp thời. Tuy vậy, việc tăng giá điện cần được cân nhắc thật kỹ lưỡng, vì liên quan đến từng người dân, doanh nghiệp.

"Việc quyết định tăng giá điện phải có cơ quan giám sát độc lập, thỏa mãn các điều kiện theo quy định thì mới được điều chỉnh”, ông Long nói.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh dự báo mức tăng giá bán điện có thể lên đến 5%. Tuy nhiên, đưa ra một tỷ lệ tăng lúc này là không thực tế, bởi Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh việc tăng giá điện quá cao sẽ ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp, nền kinh tế khó chống đỡ. Do đó, chuyên gia cho rằng nên tính toán số liệu là một phần, phần quan trọng hơn là cân đối vĩ mô thế nào để không bị ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng, lạm phát.

Tăng giá điện lúc này, vô hình trung ta tạo cho chúng ta một năm 2023 khó khăn và kéo dài đến năm sau nữa.

TS Bùi Trinh

Theo chuyên gia Bùi Trinh, về vĩ mô, thời điểm này chưa nên tăng giá điện sinh hoạt và sản xuất lúc này. Bởi khi chi phí của doanh nghiệp tăng thì dẫn đến giá cả hàng hóa tăng, lợi nhuận lại giảm. Không nên cho rằng tăng giá điện sẽ tạo nên mặt bằng mới. Tác động của đầu vào tăng sẽ chưa có hiệu ứng ngay lập tức, đi một vòng rồi quay lại, mặt bằng giá mới lúc đó mới được tạo lập.

"Tăng giá điện lúc này, vô hình trung ta tạo cho chúng ta một năm 2023 khó khăn và kéo dài đến năm sau nữa", chuyên gia Bùi Trinh nói.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bày tỏ lo lắng khi thông tin khung giá điện bán lẻ được điều chỉnh tăng. Ông Trần Văn Thường, Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị điện Sơn Đông, cho biết tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất đang rất khó khăn, giá nguyên liệu tăng cao, chi phí xăng dầu tăng trong khi sức mua trên thị trường giảm sút vì thu nhập giảm... Do đó ông Thương mong giá điện sẽ chỉ tăng ở mức vừa phải, doanh nghiệp có sức chống chọi khó khăn hiện tại.

"Trường hợp bắt buộc phải tăng giá điện thì tôi đề xuất nên điều chỉnh ở mức thấp nhất để doanh nghiệp chịu được, tăng cao quá thì rất khó khăn. Mỗi lần giá điện tăng, giá xăng dầu tăng... là doanh nghiệp lại liêu xiêu", ông Kiên nhận định.

Tác giả: HÒA BÌNH

Nguồn tin: vtc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP