Kinh tế

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Trong buổi làm việc giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) mới đây, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho hay, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Theo ông Nakajima Takeo, cuộc khảo sát được JETRO thực hiện trong tháng 8 và 9/2022 nhằm nắm bắt tình hình thực tế hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư châu Á và châu Đại Dương.

Tại Việt Nam, 603 doanh nghiệp tham gia khảo sát hợp lệ đều bày tỏ mong muốn mở rộng sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2022 là 59,5% (tăng 5,2 điểm so với năm trước) và tỷ lệ doanh nghiệp bị lỗ là 20,8% (giảm 7,8 điểm). Tỷ lệ về doanh nghiệp có lãi ở Việt Nam có xu hướng tăng lên và cao hơn một số nước trong khu vực ASEAN từ năm 2016.

Theo đó, về định hướng phát triển kinh doanh từ 1-2 năm tới, tại Việt Nam, 60% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh, đứng đầu trong khu vực ASEAN và chỉ sau Ấn Độ (72,5%) và Bangledesh (71,6%). Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp sẽ “thu hẹp” hoặc rút khỏi, chuyển sang quốc gia, vùng lãnh thổ khác chỉ 1,1%. Một cuộc khảo sát khác của JETRO với các công ty tại Nhật Bản cho thấy, Việt Nam đứng thứ 2 (chỉ sau Hoa Kỳ) về mức độ hấp dẫn đầu tư. Cũng theo đánh giá từ khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2022, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và khuynh hướng mở rộng kinh doanh đứng đầu ASEAN.

Thị trường Việt Nam đang được nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng và phát triển.

“Các doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng vào việc tăng doanh thu do thị trường Việt Nam hiện đang mở rộng khối lượng xuất khẩu và tiềm năng, tính tăng trưởng cao. Doanh nghiệp Nhật Bản sẽ mở rộng kinh doanh tại ngành chế tạo chiếm 54,4%, ngành phi chế tạo 65,9%; đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa đều mong muốn mở rộng hoạt động trong ngành phi chế tạo”, ông Nakajima Takeo nhấn mạnh.

Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2022, số doanh nghiệp trả lời “cải thiện” là 47,6% và “suy giảm” là 22,6%, và trong năm 2023 số doanh nghiệp trả lời “cải thiện” là 53,6% và “suy giảm” là 6,9% (so với năm 2022). Triển vọng lợi nhuận kinh doanh của Việt Nam năm 2022 đã hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch COVID[1]19, đặc biệt là ngành sản xuất - tiêu dùng và ngành dịch vụ trực tiếp tăng đáng kể do lượng xuất khẩu và sức mua của thị trường nội địa đều tăng. Năm 2023, cả ngành chế tạo và phi chế tạo đều dự báo cải thiện trên 50%. Điều đó cho thấy, thị trường nội địa của Việt Nam đang được nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao.

Ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đến hết năm 2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 450 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư trên 7,5 tỷ USD. Trong đó, có 58 dự án của Nhật Bản, tổng vốn đăng ký trên 1,62 tỷ USD, đứng thứ 2 về số dự án, số vốn đầu tư nhưng đứng đầu về tỷ lệ vốn thực hiện và hiệu quả sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Các dự án của Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ôtô, xe máy, chế tạo, đóng góp tới 70% tổng thu ngân sách hằng năm của Vĩnh Phúc, giải quyết việc làm cho hơn 24 nghìn lao động. Bên cạnh đó, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản, điển hình là Dự án Cải thiện môi trường đầu tư trị giá 152 triệu USD đã giúp tỉnh giải quyết được những bất cập ban đầu như: Thiếu điện, thiếu nước sạch, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải lạc hậu. Được biết, Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng trong thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc. Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa tổ chức “Hội nghị giao lưu, kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản” năm 2023 với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản. Tại đây, doanh nghiệp Nhật Bản đã đánh giá cao về môi trường đầu tư ở đây và thể hiện sự quan tâm đến môi trường đầu tư Vĩnh Phúc và dự kiến sẽ có kế hoạch đầu tư trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, thông điệp của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư là nhằm khuyến khích nhiều hơn các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Nhật Bản mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Với phương châm “Việt Nam là điểm đến ưu tiên của các doanh nghiệp Nhật Bản khi muốn đầu tư ra ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi mở, các doanh nghiệp Nhật Bản chủ động hơn để đưa ra quyết định phù hợp khi có cơ hội, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế xứng tầm với quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đồng thời, đề nghị JETRO hỗ trợ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, kết nối với doanh nghiệp Nhật Bản để cùng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa; chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Cùng đó, thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản tham gia xúc tiến các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.

Theo khảo sát, phục hồi kinh tế của Việt Nam, mức độ hoạt động kinh doanh có hiệu quả, có lãi cũng như mong muốn mở rộng đầu tư trong thời gian tới đang có xu hướng tăng dần. “Hy vọng các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh tại thị trường Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng.

Ông Nakajima Takeo cũng mong muốn, thông qua các buổi đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc tồn tại để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Tác giả: Lưu Hiệp

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP