Thế giới

Điều khu trục hạm tới Hoàng Sa, Mỹ 'phá vỡ im lặng' sau phán quyết Biển Đông

Việc Mỹ điều tàu chiến tiến sát các đảo ở Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép cho thấy quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải của Washington không thay đổi.

Tàu chiến Mỹ thách thức Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa

Tàu khu trục Mỹ USS Decatur. Ảnh: Foxnews

"Sự xuất hiện tàu tuần tra của Mỹ ở Biển Đông cho thấy Mỹ dùng thời điểm này để thể hiện chính sách của mình về hiện trạng vùng biển ở Biển Đông. Chương trình hoạt động bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) vẫn đang tiếp diễn, đặc biệt sau khi Toà trọng tài ra phán quyết. Bởi vì vẫn có một sự im lặng sau ngày 12/7 bất chấp có nhiều trông đợi. Mọi người băn khoăn khi nào có thêm chuyến tuần tra, vì thế tôi nghĩ đây là sự thể hiện của Mỹ rằng họ vẫn thực hiện điều đó", Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Nghiên cứu các Vấn đề Hàng hải và Luật Biển Philippines, Đại học Philippines, đánh giá khi trao đổi với VnExpress.

Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Decatur của hải quân Mỹ hôm qua tiến sát các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông. Con tàu đã đến gần hai đảo Tri Tôn và Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. Tàu này không vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo. Ba tàu Trung Quốc đã theo dõi nhưng tất cả tương tác giữa hai bên đều diễn ra an toàn.

Đây là lần thứ tư Mỹ điều tàu đến Biển Đông để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong năm qua và là lần đầu tiên kể từ hồi tháng 5. Trong ba lần trước, các tàu chiến Mỹ đều đi vào khu vực 12 hải lý quanh các hòn đảo và khiến Trung Quốc tức giận.


Sau khi Toà trọng tài quốc tế ra phán quyết, bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông, giữa tháng 7, nước này tuyên bố không chấp nhận kết luận, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế.

Về việc tàu Mỹ không đi vào trong vùng 12 hải lý của các đảo, Tiến sĩ Batongbacal nhận đình chuyến tàu tra bảo vệ tự do hàng hải không nhất thiết lúc nào cũng đi vào phạm vi 12 hải lý của một hòn đảo hay một thực thể. Hoạt động này phụ thuộc vào quyền (của nước thực hiện) và địa điểm.

Với cuộc tuần tra ở Hoàng Sa lần này, tất cả các đảo và vùng biển giữa chúng đều bị Trung Quốc bao vây trên các ranh giới như là một thực thể đơn. Trung Quốc cho rằng các đảo trong quần đảo Hoàng Sa nằm trong vùng nội thủy của họ, nơi được hưởng quy chế như như vùng lãnh thổ trên đất liền theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Vì thế chuyến tuần tra của Mỹ được thiết kế để khẳng định không có vùng nội thủy nào ngoài vùng biển quốc tế ở đây. Họ không cần đi vào vùng 12 hải lý của bất cứ đảo nào ở Hoàng Sa. Mỹ đang cho thấy vùng biển giữa các đảo (và vùng xung quanh 12 hải lý của mỗi đảo) là vùng biển quốc tế.

Nhấn mạnh đến thông điệp của Mỹ đưa ra sau phát biểu "muốn chia cắt" của Tổng thống Philippines Duterte, Jamie Metzl, chuyên gia tại Atlantic Council, Mỹ, cho rằng Washington vẫn cam kết mạnh mẽ bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông và những bình luận của ông Duterte không làm thay đổi điều đó.

Ông Metzl lưu ý, Philippines vẫn là đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực và Hiệp ước liên minh vẫn hoàn toàn được giữ nguyên.

Trước các hoạt động quân sự hoá các đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ chỉ trích mạnh mẽ, bày tỏ lo ngại hoạt động rằng các cơ sở của Bắc Kinh có thể hạn chế hoạt động tự do hàng hải. Tại Phú Lâm, Trung Quốc có một đường băng và đã lắp đặt các tên lửa đất đối không, nơi nước này hiện diện nhiều nhất ở quần đảo Hoàng Sa.

"Chuyến tuần tra cho thấy đây là hoạt động vẫn đang tiếp diễn của Mỹ ở Biển Đông", chuyên gia Metzl nói.

Tác giả bài viết: Việt Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP