Giáo dục

Diễn đàn “Điều em muốn nói” về chủ đề phòng, chống bạo lực học đường

Mục đích của Diễn đàn là tạo cơ hội cho các em được đối thoại, giãi bày, trình bày các vấn đề gặp phải và quan điểm của mình với các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, những người nổi tiếng có ảnh hưởng trong xã hội, với các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh.

Học sinh tại Nghệ An đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề bạo lực học đường tại Diễn đàn. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Chiều 17/5, Hội đồng Đội Trung ương, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn Nghệ An tổ chức Diễn đàn “Điều em muốn nói” với chủ đề: Phòng, chống bạo lực học đường tại Trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng.

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết; Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Hồ Hồng Nguyên; các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia tâm lý, bác sỹ tâm thần, cùng sự tham gia của hơn 2.000 học sinh đến từ các Trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông trên địa bàn thành phố Vinh tham dự Diễn đàn.

Khai mạc Diễn đàn, Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết, đây là lần thứ hai Diễn đàn “Điều em muốn nói” được tổ chức sau lần thứ nhất rất thành công năm 2022 tại Trường Trung học Cơ sở Giảng Võ (Hà Nội). Ở lần thứ hai này, chủ đề của Diễn đàn là “Phòng, chống bạo lực học đường”. Đây là một vấn đề nóng, thậm chí nhức nhối hiện nay. Nó không chỉ ảnh hưởng mà còn có nguy cơ làm biến dạng môi trường sư phạm, khiến cho việc đến trường với nhiều học sinh không còn là một niềm vui mà là nỗi lo sợ.

Trong một số trường hợp, các em bị đẩy vào tình trạng cực đoan, có những hành động thiếu suy nghĩ rất đáng tiếc, mang lại nỗi buồn lo, thậm chí là nỗi đau cho bố mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè và toàn xã hội.

Mục đích của Diễn đàn là tạo cơ hội cho các em được đối thoại, giãi bày, trình bày các vấn đề gặp phải và quan điểm của mình với các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, những người nổi tiếng có ảnh hưởng trong xã hội, với các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và được nghe từ họ những kiến giải, lời khuyên bổ ích giúp các em vượt qua khó khăn.

“Từ lần đầu tiên thành công, Diễn đàn đã được quyết định là sẽ tổ chức thường niên. Một diễn đàn không thể giải quyết được vấn đề, nhưng Báo Tiền Phong và các đơn vị phối hợp tổ chức mong muốn sẽ tạo ra được một mô hình để từ đó sẽ có thêm nhiều diễn đàn tương tự nữa trên khắp đất nước. Chỉ có như vậy, Diễn đàn “Điều em muốn nói” mới có thể đóng góp đáng kể vào việc hỗ trợ các em giải quyết các vấn đề, vượt qua các khó khăn của lứa tuổi”, ông Nguyễn Xuân Sơn chia sẻ.


Các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia tâm lý trả lời các câu hỏi của học sinh liên quan đến vấn đề bạo lực học đường tại Diễn đàn “Điều em muốn nói”. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, chỉ tính riêng trong năm học 2021 - 2022, cả nước có 386 vụ bạo lực học đường với 1.161 đối tượng liên quan, trong đó liên quan đến 935 học sinh. Ngành Giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục đã và đang nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhưng thực tế vẫn đang còn một số nơi chưa quan tâm đúng mức trong quá trình triển khai thực hiện.

Có thể kể đến, tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo vẫn còn xảy ra. Ứng xử văn hóa người học chưa đúng mức. Đạo đức của một số bộ phận học sinh còn hạn chế. Công tác giáo dục kỹ năng sống ở một số cơ sở giáo dục còn chưa đạt yêu cầu, xuất hiện tình trạng bạo lực, gây gổ trên không gian mạng dẫn đến bạo lực ở ngoài đời thực.

Tại Diễn đàn, các học sinh đã gửi những câu hỏi đến chuyên gia liên quan đến không chỉ bị bạo lực nóng (bạo lực bằng các hành động) mà còn bị bạo lực lạnh, bạo lực trắng (bạo lực tinh thần như tẩy chay, gây áp lực tâm lý…); không chỉ bạo lực trong môi trường thực, mà còn bị bạo lực trên không gian mạng.

Các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia tâm lý, bác sỹ tâm thần đã lắng nghe ý kiến giãi bày từ các em; nắm bắt, chia sẻ để từ đó, nhận diện được những khó khăn, thách thức của học sinh về tình trạng bạo lực học đường, qua đó, có những lời khuyên bổ ích giúp các em vượt qua khó khăn. Đồng thời, các chuyên gia cung cấp những kiến thức, kỹ năng sống để học sinh nhận diện được các vấn đề về bạo lực học đường và cách phòng tránh, giải quyết.

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam đã đề xuất các giải pháp cho các học sinh nếu gặp tình huống tương tự, trong đó có thể gọi đến số 111 - Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em để được tư vấn, hỗ trợ. Về lâu dài, học sinh tự trang bị kỹ năng để giải quyết các vấn đề trong đời thực cũng như trên không gian mạng.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nhìn nhận, bạo lực học đường không mới nhưng không bao giờ cũ. Nó ảnh hưởng đến thể chất, tâm sinh lý, đạo đức của học sinh, giáo viên, đạo đức xã hội. Vì vậy, trách nhiệm phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực học đường không chỉ của riêng ngành Giáo dục. Ông đề nghị cần tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, tăng cường công tác tham vấn học đường và giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường, xã hội.

Tổng kết Diễn đàn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đạo tạo Nghệ An Thái Văn Thành khẳng định, Diễn đàn “Điều em muốn nói” lần này đã giúp ngành Giáo dục có thêm giải pháp tích cực, đồng bộ để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc liên quan đến bạo lực học đường. Thông qua Diễn đàn, chúng ta cảm nhận được sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng ngành Giáo dục trong hành trình trang bị tri thức và nuôi dưỡng tâm hồn tươi đẹp, giàu tính nhân văn đối với các thế hệ học sinh.

Qua Diễn đàn này, ngành Giáo dục mong muốn các thầy cô giáo, phụ huynh và các học sinh cùng chung tay đẩy lùi bạo lực học đường. Trong đó, ý thức của các em, trách nhiệm, sự quan tâm của nhà trường, thầy cô, bậc phụ huynh phải được đặt lên hàng đầu.

Dịp này, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã trao 1.000 ấn phẩm sách thiếu nhi của Ban Bí thư Trung ương Đoàn; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng đội Trung ương trao tặng phần quà của Nhà Xuất bản Kim Đồng cho 7 trường Trung học Cơ sở có học sinh tham dự Diễn đàn.

Đại diện Tập đoàn Hành trình Kim cương trao tặng phần quà cho học sinh, các thầy, cô giáo tỉnh Nghệ An; Công ty Cổ phần Tiền phong trao tặng 20 suất quà cho các học sinh trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập./.

Tác giả: Tá Chuyên

Nguồn tin: chinhsachcuocsong.ttxvn.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP