Xã hội

Đến lượt miền Bắc cũng lo bị 'hà bá' nuốt

Không chỉ người dân miền Tây lo lắng về sạt lở kéo nhà xuống sông, ở miền Bắc cũng có thể có tình trạng tương tự do nhiều tuyến kè, đê trên sông Hồng, sông Thái Bình đang rất yếu mà mùa mưa lũ đang đến gần.

Kè Hồng Hà đoạn thuộc huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định) cũng bị xói lở mạnh, nguy cơ mất an toàn đối với một số hộ dân sinh sống sát kè - Ảnh: Thúy Anh

Năm 2016, mặc dù lũ trên các tuyến sông thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình không lớn, nhưng do chịu ảnh hưởng của nhiều trận bão số 1, 2, 3 đều lớn nên đã gây ra 99 sự cố sạt lở đê, kè trên hệ thống đê, nhất là các tuyến đê cửa sông và đê biển.

Đê yếu, sạt lở

Tuyến kè Quy Phú (đê Hữu Hồng, địa phận huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) là khu vực đê kè sát sông, mái kè là mái đê và nằm ở đoạn sông cong, dòng chủ lưu ép sát bờ, lòng sông bị xói sâu từ 16 -18m, độ sâu chênh lệch rất nhiều so với khu vực lân cận.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 1 năm 2016, tuyến kè đã bị sạt lở nặng, nếu không được kịp thời xử lý khắc phục, khả năng có thể sạt trượt cả mái đê, thân đê xuống sông dẫn đến vỡ đê.

Sau bão số 1 năm 2016, khu vực đê, kè Quy Phú đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp kiểm tra và có chỉ đạo xử lý. UBND tỉnh Nam Định đã lập phương án xử lý khẩn cấp trình Bộ NN&PTNT thông qua, nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí kinh phí đầu tư, ngoài một phần nhỏ kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách cấp qua bộ.

Ngược theo tuyến sông về thượng lưu, chúng tôi nhận thấy rất nhiều đoạn đê có mặt đê nhỏ hẹp, giao thông đi lại trên đê khó khăn, chưa đảm bảo yêu cầu chống lũ.

Trong khi đó, chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020 đã được phê duyệt, các địa phương đã lập các dự án đầu tư, tuy nhiên do khó khăn về kinh phí nên đến nay còn nhiều tuyến chưa được đầu tư, hiện còn tồn tại 197 trọng điểm xung yếu về đê điều, trong khi mùa mưa lũ đang đến gần.

Tại tỉnh Bắc Giang, tình trạng sạt lở đê kè ở đây cũng đang xảy ra tại nhiều vị trí trên các tuyến sông Thương, sông Cầu, có sự cố còn ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn chống lũ của đê. Như tại đê sông Thương, đoạn từ km40+500 đến km40+700 thuộc địa phận thành phố Bắc Giang đã xảy ra sự cố lún, nứt dọc thân đê, có khả năng vỡ đê khi có lũ.

Bộ NN&PTNT đã quyết định hỗ trợ kinh phí để địa phương xử lý kịp thời trước lũ. Tuy nhiên, nguồn kinh phí được cấp qua bộ rất ít, không đáp ứng được so với nhu cầu thực tế, trong khi từ đầu năm 2017 đến nay đã xảy ra 24 sự cố mất an toàn đê điều.

Hiểm họa vỡ đê

Khi đi trên tuyến đê qua địa bàn thành phố Hà Nội, chúng tôi nhận thấy tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra rất nghiêm trọng như: đổ đất, phế thải san lấp mặt bằng, xây dựng công trình trái phép lấn chiếm bãi sông, lòng sông, lập bến bãi tập kết vật liệu trên bãi sông ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ; rồi có cả những con đường được đắp tạo như các con đập chắn ngang bãi sông, chắc chắn sẽ gây cản trở dòng chảy khi có lũ.

Hằng năm Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy lợi đều tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đê điều tại các địa phương và có kết luận cụ thể về tình trạng vi phạm trên địa bàn. Tuy nhiên, kết quả ngăn chặn, xử lý, giải tỏa vi phạm của các địa phương rất hạn chế.

Có một điều đáng lo ngại là trong 15 năm qua, kể từ sau trận lũ năm 2002, trên hệ thống sông Hồng chưa có lũ lớn, vì vậy đã xuất hiện tư tưởng chủ quan cho rằng các hồ chứa thủy điện hiện nay đã cắt được lũ và đã đảm bảo an toàn cho hệ thống đê và vùng hạ du.

Song, với tình hình diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, bất thường như thời gian vừa qua thì điều gì sẽ xảy ra nếu gặp trường hợp mưa lớn kỷ lục ở thượng nguồn như đã từng xảy ra tại Quảng Ninh năm 2015, hay năm đợt mưa lớn ở miền Trung năm 2016, trong khi các hồ chứa đã không còn khả năng cắt lũ?

Khi đó, hệ thống đê điều chắc chắn sẽ chịu áp lực lớn và khó có thể đảm bảo an toàn, dẫn đến tính mạng của hàng chục triệu người dân, cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp, nhà máy quan trọng, thành quả kinh tế - xã hội của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Chúng ta đều mong muốn những tình huống xấu ấy không xảy ra, nhưng nguy cơ luôn hiện hữu. Năm 2011, thủ đô Bangkok của Thái Lan đã phải hứng chịu trận lũ lịch sử, gây thiệt hại lên tới 45 tỉ USD. Nếu xảy ra tình huống xấu trên các tuyến sông phía Bắc, thiệt hại của riêng thủ đô Hà Nội sẽ lớn hơn gấp nhiều lần so với thiệt hại của Bangkok, vì lũ lụt của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình sẽ gây ngập sâu và kéo dài nhiều ngày hơn.

Thiếu kinh phí 
tu bổ

Nguồn kinh phí cấp qua Bộ NN&PTNT để tu bổ hệ thống đê điều hằng năm rất ít ỏi. Như năm 2017, chỉ được 50 tỉ đồng, trong khi có đến trên 2.600km đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt cần được tu bổ hằng năm. Năm 2016, với rất nhiều vị trí đê, kè bị sạt lở, xung yếu cần được xử lý cấp bách, các địa phương đã trình Bộ NN&PTNT để tổng hợp báo cáo Chính phủ đề nghị hỗ trợ xử lý khẩn cấp, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư.

Tác giả: NGỌC THẮNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP