Xã hội

Đêm giao thừa và ngày đầu năm mới 2021 là đỉnh điểm của đợt rét cắt da

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định đêm 31.12.2020 và ngày 1.01.2021 là đỉnh điểm của đợt rét đậm.

Sáng nay (30.12), miền Bắc trải qua sự suy giảm nhiệt độ đáng kể. Nhiệt độ quan trắc lúc 6h sáng tại trạm quan trắc Hà Đông, Hà Nội khoảng 18,4 độ C. Nhiệt độ quan trắc tại vùng núi cao như Sa Pa (Lào Cai) 10,9 độ C, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 10 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 5,2 độ C...

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã có những đánh giá về thời gian tác động mạnh nhất của đợt không khí lạnh này.

Thưa ông, xin ông cho biết diễn biến mới nhất của đợt không khí lạnh đang tác động đến nước ta?

- Sáng nay (30.12), bộ phận không khí lạnh rất mạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ và hầu hết Bắc Trung Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió đông bắc mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Dự báo, ngày hôm nay (30.12), bộ phận không khí lạnh rất mạnh này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh rất mạnh nên từ ngày hôm nay (30.12) các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to.

Từ hôm nay (30.12), ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời rét đậm, rét hại. Trọng tâm rét hại tập trung ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 6 - 9 độ C, vùng núi 3 - 6 độ C, vùng núi cao dưới 0 độ C và có khả năng cao xảy ra băng giá và sương muối.

Các tỉnh Trung Trung Bộ trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13-16 độ C; các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên trời chuyển lạnh, có nơi chuyển rét. Từ ngày 31.12, ở Nam Bộ trời chuyển lạnh vào đêm và sáng sớm.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định Tết Dương lịch rét đậm, rét hại. Ảnh: Hoài Linh.

So sánh đợt rét này và đợt rét kỷ lục tháng Giêng năm 2016 như thế nào và khả năng xảy ra mưa tuyết ở các khu vực núi cao hay không thưa ông?

- Cả 2 đợt không khí lạnh đều có cường độ rất mạnh. Tuy nhiên, năm 2016, không khí lạnh mạnh kết hợp với hệ thống gió tây mạnh trên 5.000 m nên gây ra tình trạng rét ẩm, mưa tuyết xuất hiện nhiều nơi. Trong khi đó, đợt sắp tới chủ yếu là rét khô. Ban đêm, nhiệt độ xuống rất thấp nhưng đến ban ngày lại có nắng nên cảm giác rét buốt không bằng năm 2016.

Trong đợt rét năm 2016, nhiệt độ ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) giảm xuống ngưỡng thấp nhất là -5 độ C gây ra hiện tượng băng tuyết, cũng như một số nơi vùng núi phía tây ở Trung Bộ. Tuy nhiên, trong đợt rét sắp tới, các khu vực núi cao chỉ có thể xảy ra hiện tượng băng giá, sương muối. Mưa tuyết diện rộng khó có thể xuất hiện, hoặc nếu có thì sẽ xuất hiện rất ít.

Vậy những ngày nào là đỉnh điểm đợt rét này, thưa ông?

- Chúng tôi nhận định thời điểm rét nhất của đợt này là đêm 31.12.2020 và rạng sáng 1.1.2021 và đêm 1.1.2021. Rét đậm, rét hại sẽ duy trì đến ngày 2.1, sau đó khu vực tăng nhiệt.

Tuy nhiên, đến ngày 5.1, một đợt không khí lạnh tăng cường xuất hiện. Do đó, trạng thái rét buốt ở miền Bắc sẽ còn kéo dài.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả: Thảo Anh

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP