Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đề ra các giải pháp phát triển công nghiệp |
Tập trung nguồn lực, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội của mỗi tỉnh cho phát triển công nghiệp
Theo đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ba tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng, luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Với hệ thống giao thông thuận lợi, có đầy đủ các loại hình và các trục giao thông quan trọng của quốc gia đi qua có thể kết nối với các địa phương, vùng miền trong nước và các nước trong khu vực cũng như trên thế giới; đó là điều kiện để liên kết, phát triển thành mạng lưới các ngành sản xuất quy mô lớn.
Trong định hướng phát triển, Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh luôn xác định phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương; từ đó đã tập trung nguồn lực, đề ra nhiều chương trình, đề án, cơ chế, chính sách để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội của mỗi tỉnh cho phát triển công nghiệp. Nhiều dự án công nghiệp quan trọng, quy mô lớn được đầu tư, đưa vào hoạt động hiệu quả đã làm thay đổi diện mạo bức tranh công nghiệp của vùng.
Cùng với tập trung phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh của mỗi tỉnh, các địa phương đã xây dựng, củng cố mối quan hệ liên kết, hợp tác, cùng phát triển trong lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, hợp tác phát triển đối với lĩnh vực công nghiệp giữa 3 tỉnh còn khá khiêm tốn, chưa có nhiều hoạt động phối hợp, cộng tác để phát huy thế mạnh của tiểu vùng Bắc Trung Bộ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư; dẫn đến thiếu cơ sở, nền tảng để hình thành cụm liên kết ngành, mối liên kết theo chuỗi ngành - hàng; chưa có địa phương nào thật sự phát triển mạnh, nổi trội về công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo để tạo sự lan tỏa, động lực chung cho các tỉnh còn lại...
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra định hướng “Xây dựng khu vực ven biển Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước”; Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đều xác định định hướng, mục tiêu phát triển của ba tỉnh trên cơ sở phát triển công nghiệp là yếu tố cốt lõi.
Đề xuất 5 giải pháp để phát triển công nghiệp
Để phát triển công nghiệp 3 tỉnh vùng Bắc Trung bộ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã đề xuất 05 giải pháp để phát triển công nghiệp. Thứ nhất, hợp tác, liên kết cùng phát triển từ đó cùng nhau tạo ra không gian phát triển mới, có tính gắn kết, đặc biệt cho phép các địa phương có thể tối ưu hóa kết quả nhờ vào lợi thế quy mô kinh tế trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Việc đẩy mạnh liên kết giữa ba địa phương là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển, nhưng cần đặt trong bối cảnh chung của cả nước và khu vực Bắc Trung Bộ. Các giải pháp phát triển liên kết vùng cần phải khơi dậy và phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi tỉnh nói riêng và thế mạnh của khu vực nói chung. Phát huy vai trò, tiếng nói của các địa phương trong Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, nhất là trong giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng và phát triển bền vững; biến khó khăn, thách thức thành động lực, sáng tạo và hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Thứ hai, tăng cường sự chủ động, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Trung ương trong việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội được ban hành cho vùng Bắc Trung bộ và các địa phương nhằm xác lập, phát huy vai trò, vị trí, thế mạnh của mỗi tỉnh. Qua đó, tạo cơ sở hình thành các liên kết vùng, liên kết ngành giữa ba địa phương, mà trọng tâm là công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; đem lại động lực mới cho sự phát triển.
Thứ ba, cần đa dạng hóa phương pháp, hình thức phối hợp xúc tiến đầu tư, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, ưu tiên nguồn lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư; tập trung thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghiệp lớn, có công nghệ đứng đầu các chuỗi giá trị, sản xuất, các đối tác có công nghệ cao, công nghệ mới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia Châu Âu... Tăng cường phối hợp thu hút đầu tư, từng bước hình thành các cụm liên kết ngành, nhóm sản phẩm chuyên môn hóa và tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, tập trung vào thu hút đầu tư các dự án sau lọc hóa dầu, hình thành cụm liên kết các ngành sản phẩm sau lọc hóa dầu; cụm liên kết ngành kinh tế biển với hai đầu cầu là Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu kinh tế Vũng Áng gắn với Cảng nước sâu Nghi Sơn và Sơn Dương - Vũng Áng; phát triển năng lượng tái tạo nhằm tạo lập hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh, gắn với sản xuất, chế tạo và các dịch vụ phụ trợ… Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư để sớm triển khai dự án điện khí; khuyến khích và tạo điều kiện để thu hút đầu tư các dự án điện gió và triển khai các dự án xây mới lưới truyền tải điện 500KV qua địa bàn ba tỉnh theo Quy hoạch điện VIII, hiện nay đang được Tập đoàn Điện lực triển khai.
Thứ tư, về công tác quy hoạch và kết nối hạ tầng, ba tỉnh cần tăng cường phối hợp nghiên cứu, từ bước triển khai quy hoạch trong các khu kinh tế, khu công nghiệp của mỗi tỉnh đảm bảo sự hỗ trợ lẫn nhau một cách hiệu quả, đồng bộ về kết cấu hạ tầng để tối ưu hóa nguồn lực và phát huy hiệu quả đầu tư. Trong đó, trước hết phải tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông trong vùng, hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, mở rộng không gian phát triển. Quan tâm đầu tư, phát triển kết nối hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, khu vực Cảng Nghi Sơn, Cảng Cửa Lò, Cảng Sơn Dương - Vũng Áng và dịch vụ logistic, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp của ba tỉnh và các tỉnh lân cận thông thương hàng hóa và xuất, nhập khẩu. Tiếp tục phối hợp cơ cấu lại ngành công nghiệp, phân bổ không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh. Tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý nhà nước; giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thu hút đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng hạ tầng của các dự án thứ cấp.
Thứ năm, phối hợp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là phối hợp phát triển nguồn lực gắn với định hướng phát triển của 3 tỉnh nói chung và định hướng thu hút đầu tư của từng khu vực, ngành nghề nói riêng, ưu tiên đào tạo chuyên sâu, có chất lượng các ngành, nghề gắn với thế mạnh của từng tỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động phối hợp, tạo điều kiện trong việc thu hút và sử dụng nguồn nhân lực của nhau, nhất là nhân lực vào làm việc trong khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; dành nguồn lực để đầu tư các công trình nhà ở xã hội tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp và đô thị...
Tác giả: NPV (lược ghi)
Nguồn tin: nghean.gov.vn