Dàn rối điện được ông Thân chế tác từ phế liệu
Từ nhỏ, ông Thân đã rất yêu những câu hò, vở tuồng, điệu lý, những con rối nước. Tình yêu, niềm đam mê đó cứ lớn dần cho đến khi ông được nhận vào đoàn múa rối nước Đồng Quê. Nhưng chỉ sau một thời gian đoàn múa rối nước cũng giải thể. Phần vì tuổi tác của những thành viên trong làng đã quá cao, phần cũng vì “đất diễn” của loại hình nghệ thuật này đã dần bị thu hẹp nhường chỗ cho những loại hình nghệ thuật theo trào lưu hiện đại.
Trăn trở bao nhiêu đêm, cuối cùng ông Thân quyết tự mày mò tìm hiểu, tự mình chế ra một dàn rối tự động chạy bằng điện. Đến nay, ông đã chế tác được khoảng 15 dàn rối với nhiều nội dung phong phú. Ông Thân tâm sự: Dàn rối đầu tiên tôi làm chơi cho vui, sau thấy dân làng thích thú, thế là ý tưởng về làm dàn rối theo từng hoạt cảnh ra đời.
Những dàn rối được làm bằng lòng đam mê với nghệ thuật rối truyền thống của ông Thân
Để tạo dựng được một dàn rối điện, ông Thân phải tạo khung chung cho mỗi vở, rồi tạo hình nhân vật, dáng vẻ điệu bộ, rồi đấu nối dây, may trang phục, nhạc cụ... Để cùng một lúc, tất cả các nhân vật trong dàn rối đều có thể biểu diễn theo một hoạt cảnh dựng sẵn ông Thân sử dụng một mô tơ chính và rất nhiều mô tơ phụ cho từng nhân vật. Ông Thân chia sẻ: “Những con rối điện đã thành những người bạn tri âm với tôi, tôi khó mà rời xa chúng. Biết tôi say mê với rối, vợ con nhiệt tình ủng hộ, còn dân làng thì cổ vũ. Những dàn rối cùng tiếng đàn đã đưa chúng tôi về một thời tuổi trẻ, đồng thời đánh thức nghệ thuật truyền thống trong lớp trẻ. Tôi vui vì điều đó.
Đến nay, ông Thân đã chế tác được 5 dàn rối với nhiều nội dung phong phú
Với lòng đam mê, sự kỳ công, tỷ mỉ và với cách làm sáng tạo ông Hồ Văn Thân không chỉ thoả mãn tình yêu với nghệ thuật múa rối mà còn góp phần lưu giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Tác giả bài viết: Thanh Nga
Nguồn tin: