Trong nước

Đại án 9.000 tỉ đồng: Bản chất khoản vay mượn ngàn tỉ là gì?

Đứng trước tòa phúc thẩm, nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây dựng Phạm Công Danh nhiều lần đề nghị tòa làm rõ bản chất mối quan hệ của các khoản vay mượn trị giá hàng ngàn tỉ đồng.

Đại án 9.000 tỉ đồng: Phạm Công Danh 'né' câu hỏi của tòa
Đại án Phạm Công Danh: 9.000 tỉ đồng thất thoát đi đâu, về đâu?
Vợ Phạm Công Danh kháng cáo đòi đồng hồ, nhẫn bị tịch thu


Bị cáo Phạm Công Danh - nguyên chủ tịch HĐQT VNCB tại tòa sáng 30-12 - Ảnh: T.L

Ngày 30-12, ngày làm việc thứ 4 phiên xét xử phúc thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), hội đồng xét xử tiếp tục xét hỏi các bị cáo.

Quá trình xét hỏi tại tòa đã cho thấy những kẻ hở chết người khiến VNCB “bốc hơi” những khoản tiền ngàn tỉ.

Qua xét hỏi cũng cho thấy những khoản tiền từ VNCB được chuyển lòng vòng từ tài khoản của cá nhân này đến cá nhân khác, sau đó đích đến là tài khoản của Phạm Công Danh hoặc tài khoản của Tập đoàn Thiên Thanh (do ông Danh sáng lập) để ông Danh sử dụng.

Chưa ký hợp đồng vay đã giải ngân

Hồ sơ thể hiện trong năm 2013, 3 cá nhân là Ngô Bích Thùy Trang, Nguyễn Thị Mỹ Dung, Trần Hoài Phục (thuộc nhóm bà Trần Ngọc Bích - Công ty Tân Hiệp Phát) đã gửi tiền bằng hình thức sổ tiết kiệm tại VNCB. Sau đó đó dùng chính 6 sổ tiết kiệm này thế chấp cho ngân hàng để vay tiền.

Tuy nhiên trong khi các cá nhân chưa ký vào hợp đồng vay thì Mai Hữu Khương (giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) đã thực hiện chuyển khoản 300 tỉ đồng tiền vay của 3 cá nhân này vào tài khoản của họ, rồi sau đó lại tự ý chuyển sang tài khoản cho Phạm Công Danh - nguyên chủ tịch HĐQT VNCB, sử dụng hết.

Tòa sơ thẩm đã giải tỏa kê biên 6 sổ tiết kiệm của 3 khách hàng nêu trên nhưng giao cho VNCB giữ sổ để đảm bảo khắc phục thiệt hại. Cả 3 cá nhân đều kháng cáo.

Khai trước tòa, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo (đại diện ủy quyền của 3 cá nhân) khẳng định 6 sổ tiết kiệm nêu trên không được bảo đảm cho bất kỳ khoản vay nào tại VNCB, vì vậy bà đề nghị tòa tuyên buộc VNCB phải trả lại sổ tiết kiệm cho khách hàng.

Được cho đối chất tại tòa, bà Thảo và một số bị cáo đã tố nhau về những sai phạm trong quy trình thẩm định hồ sơ vay tiền của VNCB.

Cụ thể, bà Thảo cho biết lúc đầu 3 khách hàng dự định cầm cố sổ tiết kiệm cho VNCB để vay tiền nhưng sau đó không vay nữa. Bà đã đòi sổ tiết kiệm nhiều lần nhưng ngân hàng không trả. Bà phải sử dụng các hình thức gửi văn bản, lập vi bằng nhưng đến nay vẫn chưa nhận lại được sổ tiết kiệm.

Trong khi đó, bị cáo Mai Hữu Khương - giám đốc chi nhánh VNCB Sài Gòn, cho rằng bà Thảo nói không đúng sự thật. Theo bị cáo, lúc đầu khách hàng muốn vay tiền nhưng sau đó không vay nữa nên không chịu ký tên vào hồ sơ vay.

Tuy nhiên khi khách hàng chưa ký tên thì bị cáo đã giải ngân, để số tiền này Phạm Công Danh đã sử dụng hết? Bị cáo thừa nhận đây là thiếu sót phải chịu trách nhiệm.

Khai trước tòa, bị cáo Phan Thành Mai - nguyên tổng giám đốc VNCB, cho biết 3 khách hàng nêu trên thuộc “nhóm Dr. Thanh” (ông Trần Quý Thanh - Công ty Tân Hiệp Phát). Đây là nhóm khách hàng lớn của VNCB, vì vậy các bị cáo rất tin tưởng, nể nang.

Ở tòa sơ thẩm, các bị cáo cũng thừa nhận theo chỉ đạo của Phạm Công Danh thì với khách hàng trong nhóm Dr. Thanh có thể giải ngân trước rồi bổ sung chữ ký vào hồ sơ vay sau, tất cả lãnh đạo VNCB chi nhánh Sài Gòn đều biết việc này.


Phan Thành Mai - nguyên tổng giám đốc VNCB (được dẫn giải đi sau) tại tòa sáng 29-12 - Ảnh: T.L

“Vì tin tưởng, nể nang…”

Quá trình xét hỏi tại tòa cho thấy việc các cá nhân cầm cố sổ tiết kiệm cho VNCB vay tiền chỉ là hình thức. Thực chất theo các bị cáo, đây là mối quan hệ vay mượn giữa Phạm Công Danh và ông Trần Quý Thanh.

Bị cáo Danh nhiều lần xin hội đồng xét xử làm rõ bản chất của các khoản vay mượn này. Theo bị cáo, bị cáo và ông Thanh có quan hệ thân thiết nhiều năm, vay tiền nhiều lần. Ông Thanh gửi khoản tiền rất lớn ở VNCB và nhiều lần giao dịch nên có sự nể nang nhau.

Ông Phạm Công Danh lý giải cụ thể bản chất việc vay mượn là niềm tin dành cho khách hàng. Ngân hàng cho khách mang hồ sơ gốc về nhà, cho nợ chữ ký, ngân hàng giữ sổ tiết kiệm, sau khi được giải ngân, khách hàng ký vào hồ sơ gốc rồi gửi lại cho ngân hàng.

Quá trình thẩn vấn tại tòa, luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ cho bị cáo Phạm Công Danh) đã công bố lời khai tại cơ quan điều tra của 3 cá nhân là chủ sổ tiết kiệm. Theo đó, 3 cá nhân này thừa nhận tiền trong sổ tiết kiệm do họ đứng tên là của ông Trần Quý Thanh.

Cả bị cáo Phạm Công Danh và Phan Thành Mai đều khẳng định 300 tỉ đồng mà ông Danh đã chi tiêu hết thực chất là của ông Danh vay của ông Thanh.

Phiên tòa vẫn đang tiếp tục phần thẩm vấn.

Tác giả bài viết: Tâm Lụa

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP