Thế giới

Cuộc sống ở vùng đất nóng nhất thế giới

Vùng lõm Danakil là nơi nóng nhất trên trái đất xét về nhiệt độ trung bình quanh năm, nơi người dân có cuộc sống du mục đơn giản, bất chấp những điều kiện khắc nghiệt của khí hậu.



Ở vùng lõm Danakil, ánh nắng mặt trời đốt cháy cả nền đất vốn đã nứt nẻ vì khô cằn, không khí khô và bụi như muốn hút cạn cả hơi ẩm từ miệng và mắt. Nhưng bất chấp những điều đó, con người vẫn sinh sống ở đây. Người Afar gọi nơi đây là quê hương của họ. Trong ảnh là khoảnh khắc bình minh ở làng Afar, với những hồ muối và núi lửa ở phía xa.


Theo BBC, vùng lõm này là "ứng viên" cho nơi nóng nhất trên trái đất, ít nhất nếu tính về nhiệt độ trung bình quanh năm. Nó cũng chỉ có lượng mưa 100-200 mm mỗi năm và là một trong những nơi thấp nhất hành tinh, thấp hơn mực nước biển 125 m.


Hồ dung nham ở núi lửa Erta Ale, một trong 6 hồ dung nham tồn tại trên trái đất. Ngoài đặc điểm khí hậu, hoạt động địa chất của khu vực này cũng khiến nó trở thành vùng đất ngoài hành tinh.


Những ngọn núi lửa với hồ dung nham sủi bọt, các cánh đồng thuỷ nhiệt nhiều màu sắc hay chảo muối khổng lồ là đặc điểm nổi bật khiến khung cảnh nơi đây trông giống một hành tinh khác. Các mỏ muối, suối nước nóng và mạch nước phun nhỏ ở cánh đồng thuỷ nhiệt Dallol tạo nên khung cảnh thu hút tầm mắt.


Danakil là phần phía bắc của vùng trũng Afar Triangle, được hình thành từ điểm nối ba Afar, hay còn gọi là ranh giới chữ Y giữa 3 mảng kiến tạo. Trong ảnh là bề mặt thô ráp của một dòng dung nham bazan đã nguội lạnh, ngay trước một ngọn núi lửa.


Tại đây, các mảng kiến tạo dịch chuyển cùng ba rãnh nứt với tốc độ 1-2 cm/năm. Một ngày nào đó trong khoảng hàng triệu năm nữa, các mảng kiến tạo sẽ di chuyển nhanh đến mức vùng nước mặn ở Biển Đỏ sẽ tràn qua, hình thành một đại dương mới và nhấn chìm cảnh quan lạ lùng này mãi mãi. Khi đó, vùng lõm Danakil sẽ là nơi sinh ra một đại dương mới.


Nhiều hoá thạch người cổ đại đã được phát hiện tại đây. Nhiều nhà cổ sinh vật học cho rằng đây có thể là nơi loài người tiến hoá lần đầu tiên. Do đó, vùng lõm còn được gọi bằng cái tên "cái nôi của nhân loại".


Nước ngầm, được đun nóng bằng đá nóng chảy, mang theo muối hoà tan lên bề mặt. Sức nóng sau đó làm khô hơi ẩm và để lại những lớp chất lắng nhiều màu sắc.


Khu vực này cũng là nơi các nhà khoa học nghiên cứu về quá trình phát triển của sự sống trên các hành tinh khác. Các suối nước nóng ở vùng lõm Danakil là nơi sinh sống của vi khuẩn chịu cực hạn (sống trong điều kiện khắc nghiệt). Đây là mối quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia sinh vật học, vì chúng có thể giúp lý giải cách hình thành và phát triển của sự sống ngoài trái đất.


Hành trình khám phá vùng đất kỳ lạ bắt đầu bằng hàng giờ lái xe trên những con đường đất bụi bặm và gập ghềnh từ thị trấn Mekele, sau đó qua vùng cao nguyên của Ethiopia đến sa mạc.


Các mỏ muối được hình thành khi nước lũ từ Biển Đỏ tràn qua vùng Danakil sau đó bốc hơi dưới sức nóng của sa mạc. Đối với người dân ở đây, muối giống như tiền. Họ thường lấy muối từ các ruộng muối lớn và chất lên lưng lạc đà hay lừa để mang ra chợ. Mỗi chuyến đi có khi kéo dài một tuần, nhưng chỉ với một ổ bánh mì nhỏ và một chai nước.


Người dân Afar sống du canh du cư, ở trong các túp lều dễ dàng dịch chuyển và chăn nuôi gia súc, dê, lừa hay lạc đà. Khai thác muối là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân.


Sông Awash là dòng chảy chính vào khu vực, nguồn sống cho người Afar và các đàn gia súc của họ. Awash là một trong những con sông đặc biệt nhất thế giới vì không bao giờ chảy ra biển. Nó xuôi dòng từ cao nguyên Ethiopia xuống các hồ nước ở Danakil. Sức nóng khiến nước sẽ bốc hơi và để lại những cánh đồng muối lớn.

Tác giả bài viết: Hoàng Anh (theo BBC)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP