Thế giới

Cuộc đua tiêm kích trên bầu trời Biển Đông

Những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông đã buộc các nước Đông Nam Á phải đầu tư mua sắm tiêm kích hiện đại cho không quân.

Tiêm kích J-11 Trung Quốc hạ cánh trái phép trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: 81.cn


Trên bầu trời tỉnh Hải Nam hồi tháng 5, hai chiếc tiêm kích J-11 của Trung Quốc bám theo một chiếc máy bay quân sự Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát ngoài khơi bờ biển phía đông hòn đảo này. Trong một lần chạm mặt tương tự hai năm trước, chiến đấu cơ Trung Quốc đã khoe tên lửa ngay trước máy bay Mỹ, như một biểu hiện thù địch. Còn lần này, J-11 Trung Quốc vọt lên, bay sát máy bay Mỹ ở khoảng cách 15 mét, như chờ đợi phi công Mỹ phải nhượng bộ trước.

Những động thái ngày càng quyết liệt như vậy của Trung Quốc trên bầu trời và dưới mặt biển đã khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á phải hối hả nâng cấp lực lượng không quân già cỗi của mình bằng những loại chiến đấu cơ của thế kỷ 21, theo Southeast Asia Globe.

Một báo cáo do tổ chức tư vấn an ninh, quốc phòng IHS Jane’s công bố hồi tháng hai dự đoán chi tiêu quốc phòng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng từ 435 tỷ USD năm 2015 lên mức 533 tỷ USD vào năm 2020. Chỉ riêng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã chiếm gần 40% con số đó, khi quốc gia này đã tăng ngân sách quốc phòng tới 43% lên mức 191 tỷ USD chỉ trong 5 năm qua.

Theo bình luận viên Paul Millar, hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông và quân sự hóa ngày càng tăng những thực thể này của Trung Quốc là một trong những động lực thúc đẩy cuộc đua chiếm lĩnh bầu trời đầy tốn kém ở Đông Nam Á, khi các quốc gia trong khu vực phải đối mặt với người hàng xóm có nền kinh tế khổng lồ.

Ôn Kaj Rosander, giám đốc trách xuất khẩu chiến đấu cơ Gripen khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn Saab (Thụy Điển), cho rằng nỗ lực hiện đại hóa lực lượng không quân của các nước phần lớn xuất phát từ các mối quan ngại về tranh chấp chủ quyền trên biển.

"Các quốc gia ngày càng trở nên lo lắng cho chủ quyền của mình, họ nhận ra nhu cầu phải sở hữu những năng lực quốc phòng độc lập", ông nói.

"Chúng tôi nhận thấy các nước trong khu vực đã nhận ra rằng họ thiếu đi khả năng nhận thức những gì đang diễn ra ngoài đường chân trời, tại những vùng biển mà họ quan tâm và có ảnh hưởng đến họ. Họ cũng nhận thấy mình thiếu vắng biện pháp đáp trả phù hợp", ông Rosander nói khi được hỏi về ảnh hưởng của chính sách đối ngoại Trung Quốc đối với chiến lược mua sắm vũ khí của các nước Đông Nam Á.

Philippines, quốc gia từ lâu phụ thuộc vào sự bảo vệ của đồng minh Mỹ, năm ngoái cũng đã quyết định chi hơn 400 triệu USD để sắm một phi đội chiến đấu cơ giá rẻ FA-50 Golden Eagle từ Hàn Quốc, khôi phục kỷ nguyên siêu âm của không quân nước này sau khi chiếc tiêm kích cuối cùng của họ được cho nghỉ hưu cách đây hơn 10 năm.

Các nguồn tin công nghiệp quốc phòng cho hay Malaysia đang theo đuổi hợp đồng có giá trị hơn 2,5 tỷ USD mua 18 chiến đấu cơ thế hệ 5 để thay thế phi đội Mig-29 đã già cỗi mà nước này mua của Nga từ năm 1995. Truyền thông Indonesia hồi tháng hai đưa tin chính phủ nước này đã ký hợp đồng mua ít nhất 8 chiến đấu cơ Su-35S của Nga, với giá thành 65-83 triệu USD mỗi chiếc.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Việt Nam cũng đã ký hợp đồng mua 12 tiêm kích hiện đại Su-30MK2 với Nga từ năm 2013, và hai chiếc cuối cùng trong lô hàng này đã được chuyển giao vào đầu năm 2016.

Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học New South Wales, Australia, cho rằng nỗ lực hiện đại hóa lực lượng không quân giúp Việt Nam có thể thực hiện các chuyến bay tuần tra ở Biển Đông. Dù các tiêm kích của Việt Nam khó có thể đọ được về số lượng với máy bay Trung Quốc, chúng đóng vai trò là những vũ khí răn đe hiệu quả trên Biển Đông, bởi Trung Quốc đến nay vẫn chưa thể triển khai máy bay xa hơn khu vực phía nam đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà nước này chiếm đóng trái phép.

Ben Ho, chuyên gia phân tích cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, cho rằng việc các nước Đông Nam Á đầu tư cho lực lượng không quân, đặc biệt là các máy bay tuần tra biển, sẽ có giá trị vô cùng lớn trong trường hợp xảy ra xung đột ở Biển Đông.

Mô hình tiêm kích hạng nhẹ FA-50 Golden Eagle Philippines mua của Hàn Quốc. Ảnh: KAF


"Khoảng cách có lợi thế rất quan trọng trong bất cứ hoạt động tác chiến nào ở Biển Đông", ông Ho nói. "Bởi vậy, tầm hoạt động xa và thời gian phản ứng nhanh chóng của lực lượng không quân có thể thu hẹp lợi thế này, đó là lý do nhiều nước Đông Nam Á đang mạnh tay đầu tư cho không quân".

Tăng cường năng lực quốc phòng

Nhu cầu về một lực lượng không quân hiện đại được thể hiện rõ ràng ở Philippines. Vốn phụ thuộc từ lâu vào Hiệp ước Bảo vệ lẫn nhau Mỹ - Phi, Manila giờ đây phải xây dựng lại năng lực không quân từ đầu, sau khi những chiếc Northrup F-5 cuối cùng bị loại biên vào năm 2005. Việc để mất quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vào tay Trung Quốc năm 2012 là một bài học khiến Philippines nhận ra nhu cầu phải sở hữu năng lực quốc phòng độc lập.

Trong một bức điện mật gửi chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương năm 1975, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger viết rằng Quốc hội và người dân Mỹ sẽ "ít có khả năng ủng hộ việc can thiệp vào tranh chấp ở Trường Sa", kể cả khi lực lượng đồn trú của Philippines ở đó "bị tấn công", theo Millar.

Sự thiếu dứt khoát đó của Mỹ là một lý do quan trọng buộc Philippines phải tăng cường sức mạnh quốc phòng, thay đổi chiến lược từ cái mà cựu tổng thống Benigno Aquino gọi là "khả năng răn đe tin cậy tối thiểu" sang chủ động bảo vệ quyền lợi trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông Millar cho rằng chỉ với hai trong tổng số 12 chiếc chiến đấu cơ hạng nhẹ được chuyển giao, khả năng răn đe của Philippines dường như vẫn chỉ dừng ở mức tối thiểu.

Trước những mối đe dọa an ninh tiềm tàng trên Biển Đông, quốc gia láng giềng Malaysia cũng đã xây dựng một chương trình đầy tham vọng nhằm hiện đại hóa quân đội, với mục tiêu xây dựng một lực lượng không quân mạnh gồm khoảng 60 chiến đấu cơ.

Từng sở hữu những chiếc Mig-29 đời cũ, không quân Malaysia lên kế hoạch nâng cấp lên tiêm kích Su-30, đồng thời sắm thêm chiến đấu cơ F/A-18 Hornet của Boeing và Hawks của BAE nhằm thay thế toàn bộ đội bay Mig bằng những chiếc máy bay đa nhiệm hiện đại, có khả năng không chiến và tấn công mục tiêu trên biển, trên đất liền hiệu quả.

Ngoài Boeing và Sukhoi, các tập đoàn chế tạo vũ khí khác của phương Tây như Dassault, Saab, Eurofighter Consortium cũng chào hàng các mẫu chiến đấu cơ mới như Rafale, Gripen hay Typhoon cho Malaysia. Tuy nhiên, sau khi trải qua giai đoạn kinh tế tăng trưởng chậm và đồng tiền suy giảm giá trị, chính phủ nước này đã phải trì hoãn chương trình mua sắm vũ khí đầy tham vọng trên.

Theo Buszynski, những hành động ngày càng ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông là một động lực để Malaysia và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác phải nỗ lực hiện đại hóa quân đội. "Malaysia trước đây chủ yếu đề phòng Singapore. Singapore làm gì, Malaysia cũng sẽ làm như vậy để tăng cường năng lực".

Ở cạnh đó, quốc gia vạn đảo Indonesia cũng rất cần phải hiện đại hóa lực lượng không quân, không chỉ để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, mà còn khắc phục cơn ác mộng về hậu cần khi phải di chuyển qua hàng nghìn hòn đảo để thực hiện nhiệm vụ.

Sau khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí với Indonesia vì cáo buộc sử dụng vũ lực trong cuộc khủng hoảng ở Đông Timor năm 1999, phi đội tiêm kích F-16 và F-5 của không quân nước này xuống cấp nghiêm trọng vì không có phụ tùng thay thế. Trong tình cảnh đó, Indonesia đã hướng tới Nga để hiện đại hóa lực lượng không quân của mình.

Indonesia ký hợp đồng mua Su-35 của Nga để tăng cường đáng kể sức mạnh không quân. Ảnh: Sputnik


Khi lệnh cấm của Mỹ được dỡ bỏ vào năm 2005, Indonesia đã đầu tư mua 24 chiến đấu cơ F-16 cũ từ Mỹ, nhưng vẫn tiếp tục dựa vào những chiếc tiêm kích Su của Nga để xây dựng lực lượng không quân. Hợp đồng mua sắm những chiếc tiêm kích thế hệ mới Su-35, chiếc chiến đấu cơ không tàng hình được coi là hiện đại nhất hiện nay, là một nguồn sức mạnh bổ sung đáng kể cho không quân Indonesia.

Với giáo sư Thayer, một trong những lý do cơ bản nhất khiến các quốc gia Đông Nam Á phải hối hả mua sắm những chiếc chiến đấu cơ hiện đại nằm ở triết lý cơ bản nhất của chiến tranh, đó là "biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng".

"Một trong những động lực thúc đẩy họ mua sắm những mẫu tiêm kích mới nhất là để họ tiếp cận được với công nghệ mới và hiểu rõ chúng. Dù bạn không mua loại máy bay đó với số lượng lớn, bạn vẫn biết được khả năng của chúng đến đâu, và bạn phải làm gì để đối phó", ông Thayer nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Trí Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP