Nhiều người khi đi quyết toán thuế mới "té ngửa" vì mã số thuế của mình bị chiếm dụng. Trong ảnh: người dân nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: A.HỒNG |
Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, chị N.A.H. (TP.HCM) cho biết ba của chị hết tuổi lao động đã lâu, vậy nhưng khi chị đi kê khai người phụ thuộc để giảm trừ thuế thu nhập cá nhân thì cơ quan thuế từ chối vì ba chị là... giám đốc của một doanh nghiệp thuộc dạng thu nhập cao.
80 tuổi bỗng dưng có mã số thuế
Chỉ H. kể rằng hết sức bất ngờ vị ba chị đã 80 tuổi và không còn đi làm và không biết mã số thuế là gì. Bất ngờ hơn nữa là chính bản thân chị H. lại có hai mã số thuế.
"Cơ quan thuế yêu cầu tôi giải trình tại sao có một mã số thuế được cấp vào năm 2009 rồi mà lại còn có một mã số thuế cấp năm 2014. Tôi hết sức bất ngờ vì từ trước đến nay tôi chỉ đăng ký một mã số thuế được cấp năm 2009" - chị H. cho hay.
Chị Huyền, một giáo viên tại TP.HCM, kể cũng từng rơi vào tình huống dở khóc dở cười khi đi quyết toán thuế thu nhập cá nhân mấy năm trước bỗng phát hiện có thêm một nguồn thu nhập khác ở một công ty tại phường Bến Nghé, quận 1, dù chưa từng biết doanh nghiệp này.
Ông Trương Ngọc Hiệp, Chi cục phó Chi cục Thuế Bình Thạnh, xác nhận cơ quan thuế phát hiện nhiều trường hợp bỗng dưng có nguồn thu nhập từ trên trời rơi xuống.
"Có trường hợp trước đây từng thử việc tại doanh nghiệp nào đó, công ty lấy mã số thuế của họ để khai trả lương cho người lao động", ông Hiệp cho hay.
Về phía công ty vi phạm, ông Hiệp cho hay khi cơ quan thuế yêu cầu giải trình, họ hay lấy lý do là nhập nhầm.
Số tiền thường chỉ vài chục triệu đồng nên hầu hết cơ quan thuế chỉ loại khoản chi phí này và xử phạt kê khai sai. Nếu doanh nghiệp vi phạm do cố ý, có chủ đích, cơ quan thuế sẽ xử lý tội khai man, trốn thuế nhưng ít doanh nghiệp bị xử lý kiểu này.
Chiếm dụng mã số thuế là hành vi trốn thuế
Đại diện Cục Thuế TP.HCM cũng thừa nhận có trường hợp doanh nghiệp lách để tăng chi phí bằng cách đưa tên người thân, người quen không đi làm vào diện trả thu nhập nhằm tăng chi phí hoạt động. Nếu cá nhân bị lợi dụng không đi làm công ăn lương, vị này công nhận khó phát hiện.
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cho biết hiện nay, việc xin cấp mã số thuế rất dễ dàng, chỉ cần bản sao CMND là có thể đăng ký nên nhiều sinh viên làm thời vụ, người mất CMND... đã bị doanh nghiệp lợi dụng.
Chẳng hạn chỉ kê thêm 10 lao động khống, thu nhập mỗi lao động là 10 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp có thêm khoản chi phí 100 triệu đồng/tháng.
Số tiền này doanh nghiệp chỉ phải tạm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 10%, trong khi nếu đưa vào lợi nhuận để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (mức 20%), số thuế phải nộp tăng gấp đôi.
Luật sư Trần Xoa cho rằng đúng ra các trường hợp lợi dụng tự chiếm dụng mã số thuế để khai khống chi phí phải xác định là hành vi gian lận, trốn thuế vì doanh nghiệp đã đưa khoản chi hoàn toàn không có trong thực tế vào chi phí thông qua việc "dựng" lên số lao động khống.
Nhưng do chỉ bị phạt rất nhẹ nên nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng chiêu này từ năm này qua năm khác.
Khó kiểm soát mã số thuế Bà Tạ Thị Phương Lan - phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế - xác nhận ngay từ năm 2010 đã phát sinh trường hợp doanh nghiệp đánh cắp mã số thuế để kê khai tăng chi phí hoạt động nhằm giảm tiền thuế. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp đã bị phạt do khai khống chi phí, gian lận qua việc đánh cắp mã số thuế thu nhập cá nhân. Hiện nay cả nước có hơn 10 triệu mã số thuế thu nhập cá nhân. Cơ quan thuế chưa thể biết được cá nhân có thu nhập ở doanh nghiệp A hay B, mức là bao nhiêu. Bà Lan đề nghị người nộp thuế nên quản lý chặt chẽ mã số thuế, chứng minh nhân dân. "Khi phát hiện mã số thuế của mình bị đánh cắp, khai gian cần báo ngay cho cơ quan thuế" - bà Lan đề nghị. |
Tác giả: LÊ THANH
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ