Chính phủ Nhật Bản đã nâng tuổi hưu lên 65 vào năm 2013 - Ảnh: AFP |
Cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, công bố hôm nay (20-7), được thực hiện ở 549 cơ quan cỡ lớn và cỡ trung. Theo đó, khoảng 60% các công ty đã hoặc dự định sẽ nâng tuổi về hưu của nhân viên, trong đó 46% muốn nâng lên 65 tuổi và 6% cân nhắc nâng lên trong khoảng từ 66 đến 70 tuổi.
Có 62% số công ty khẳng định việc nâng tuổi về hưu lên là một điều tích cực, cho rằng nhờ vậy mà giải quyết được sự thiếu hụt về nhân lực và vừa tận dụng được kinh nghiệm của người lớn tuổi.
“Rất khó để có thể tìm được những người lao động trẻ tuổi, chúng tôi không thể tránh được việc phải nâng tuổi lao động lên” - một công ty tham gia khảo sát cho biết.
Cuộc khảo sát cho thấy có đến 47% số công ty đã thực hiện thay đổi chính sách ngay, trong khi hơn 20% có dự định thực hiện trong ba năm tới, và gần 1/3 còn lại dự tính thực hiện kế hoạch sau 4 năm trở lên.
Đối với những người lao động lớn tuổi, việc duy trì chế độ làm việc bình thường đảm bảo được cho họ những phúc lợi và thu nhập cao hơn là việc trở thành nhân viên hợp đồng.
Điều này tuy vậy bị 34% số công ty đánh giá là tiêu cực và tác động đến sự phát triển của nhân viên; 55% khẳng định có thể làm kềm hãm sự phát triển chuyên nghiệp, 58% khẳng định có khả năng làm giảm cơ hội của nhân viên trẻ tuổi hơn.
Bên cạnh đó, vào tháng 7-2017, giới bác sĩ Nhật Bản cũng tham gia chiến dịch vận động nhằm nâng tuổi lao động về hưu lên 75 tuổi. Theo đó, những người ở độ tuổi 65 - 74 sẽ được gọi là tiền cao tuổi nhằm khuyến khích họ tiếp tục làm việc hoặc tình nguyện nếu còn sức khỏe.
Theo người dẫn đầu cuộc vận động, quan điểm 65 tuổi về hưu đã quá “lỗi thời” và cần được nâng lên để tương thích với sự kéo dài tuổi thọ con người, và sự thay đổi trong quan điểm về người già của xã hội.
Bác sĩ Yasuyoshi Ouchi, cựu giám đốc cộng đồng Lão của Nhật Bản khẳng định trên báo Guardian rằng những người ở độ tuổi 60 nên được tạo điều kiện để đi làm, hay hoạt động tình nguyện để giữ cho mình minh mẫn và khỏe mạnh hơn.
“Những người cảm thấy mình vẫn còn khỏe mạnh khi bước vào tuổi 60 hay 65 mà bị buộc phải nghỉ hưu, khiến họ bị cảm giác từ những người hỗ trợ gia đình trở thành những người cần hỗ trợ” - bác sĩ Ouchi cho biết.
Tuy nhiên, số người già đi làm của Nhật vẫn còn thấp dù lương hưu tại nước này không cao và nhiều người già vẫn muốn tiếp tục làm việc để cải thiện tài chính. Nguyên nhân chính là khi bước qua tuổi về hưu, lương của họ sẽ bị giảm đáng kể.
Theo dự đoán của Viện Quốc gia về dân số và an ninh xã hội, dân số Nhật Bản sẽ giảm còn 88 triệu người trong bốn thập kỷ tới, trong khi đó hiện con số này là 127 triệu. Trong đó, dân số trên 65 tuổi sẽ chiếm 40% dân số, so với 28% dân số già hiện nay.
Tác giả: TRẦN PHƯƠNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ