Giáo dục

Chuyên gia băn khoăn về cách ghép môn trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Cơ sở lý thuyết nào sẽ là nền tảng cho sự tồn tại của môn học Lịch sử và Địa lý? Cơ sở nào để ghép hai môn học này lại làm một?...

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội và Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 28/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong hai năm 2014 - 2015, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và ngày 05/8/2015, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo chương trình tổng thể để xin ý kiến các tầng lớp nhân dân.

Dự thảo chương trình tổng thể đã được các giới trong xã hội quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc.

Ngày 16/10/2015, Bộ GD&ĐT đã đăng tải Báo cáo số 962/BC-BGDĐT tổng hợp và tiếp thu, giải trình đối với góp ý của các tổ chức, cá nhân cho dự thảo chương trình này.

Trên cơ sở góp ý của các tầng lớp nhân dân, Ban Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn thiện một bước dự thảo, thể hiện ở phiên bản công bố vào tháng 12/2015.

Sau hơn một năm lấy ý kiến, mới đây nhất từ ngày 10-12/1/2017 diễn ra hội thảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và vận dụng vào điều kiện Việt Nam do Bộ GD&ĐT và Ngân hàng Thế giới tổ chức, tại đây Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới - GS.Nguyễn Minh Thuyết tiếp tục công bố những điểm mới của định hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Giảm môn học, không tích hợp môn Lịch sử

Theo GS.Nguyễn Minh Thuyết, điểm mới nhất của định hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới là sự phân biệt giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Theo đó, giai đoạn giáo dục cơ bản gồm các cấp tiểu học và THCS; còn giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp học THPT.

Giai đoạn Giáo dục cơ bản sẽ bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục.

sach
Chuyên gia băn khoăn về cách ghép môn trong chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Cụ thể, cấp tiểu học sẽ gồm các môn học bắt buộc toàn phần là: Tiếng Việt, Ngoại ngữ 1, Toán học, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta/Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên.

Nội dung bắt buộc có phân hóa (tự chọn module), gồm: Kỹ thuật và Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số và hoạt động tự học có hướng dẫn.

Với cấp THCS, các môn học bắt buộc toàn phần gồm: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Các môn bắt buộc có phân hóa: Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn ở cấp học này là ngoại ngữ 2.

Đối với giai đoạn định hướng nghề nghiệp thực hiện từ cấp THPT gồm 2 giai đoạn nhỏ: Lớp 10 được coi là dự hướng nghề nghiệp còn lớp 11-12 là giai đoạn tiếp cận nghề nghiệp.

Dự kiến lớp 10 có 11 môn học bắt buộc là: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán học, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và Công nghệ trong đó mỗi học kỳ không quá 7 môn.

Ngoài ra, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng - an ninh, Hoạt động nghệ thuật và hoạt động trải nghiệm sáng tạo cũng là những môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2.

Lớp 11-12 học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn (trong các môn: ngữ văn 1, Ngữ văn 2, Toán 1, Toán 2, Ngoại ngữ 1, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học 1, Tin học 2, Thiết kế và công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc).

Tổng số tiết của các môn tự chọn không được thấp hơn 20 tiết/tuần. Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường.




Như vậy, khác với dự thảo chương trình tổng thể được công bố năm 2015, định hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới lần này không gộp Lịch sử và Địa lý vào thành môn Khoa học xã hội ở cấp THCS. Ở cấp THPT cũng không gộp Lịch sử vào môn học mới là Công dân với Tổ quốc.

Lý giải những điểm mới này, GS.Thuyết cho biết, căn cứ Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông thì giai đoạn định hướng nghề nghiệp phải giúp học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho việc học sau phổ thông có chất lượng.

Theo đó, nếu thực hiện đúng Nghị quyết thì phải thay đổi cách dạy ở trường phổ thông Việt Nam hiện nay do học sinh THPT của ta hiện nay học quá nhiều, dẫn đến quá tải.

Vì thế, nhóm biên soạn chương trình mới đã giảm số môn học và cho phép học sinh tự chọn môn học để định hướng nghề nghiệp.

Cơ sở nào để ghép thành môn Lịch sử và Địa lý?

Với kinh nghiệm nhiều năm học tập ở nước ngoài và nghiên cứu về giáo dục Nhật Bản hiện đại, nhận xét về những điểm mới trong định hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông này, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương (giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, hiện đang là nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử, Đại học Kanazawa - Nhật Bản) cho rằng:

“Xu hướng học sinh được lựa chọn các môn học ở bậc học THPT là xu hướng chung của thế giới. Nhưng chúng ta cần phải chờ toàn văn chương trình chính thức để biết học sinh sẽ lựa chọn những môn học gì và lựa chọn như thế nào.

Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý một điều tới các nhà làm chương trình rằng việc lựa chọn môn học chỉ có ý nghĩa khi việc thiết kế các môn học đó có sự phân hóa sâu về nội dung và phù hợp theo các nhóm đối tượng. Nếu không việc lựa chọn sẽ rơi vào sự lựa chọn hình thức và sẽ lặp lại sai lầm như cách phân ban, viết sách phân ban trước đây”.

Ông Vương nêu ví dụ, tại Nhật Bản cùng là môn Lịch sử, nhưng ở đó có Lịch sử Nhật Bản A, Lịch sử Nhật Bản B, Lịch sử thế giới A, Lịch sử thế giới B với cách tiếp cận, xây dựng nội dung phong phú phục vụ các nhóm đối tượng học sinh khác nhau.

Khi đánh giá về sự thay đổi các môn học đặc biệt là việc “biến mất” môn Khoa học xã hội ở cấp THCS và thay vào đó là môn Lịch sử và Địa Lý, cùng với đó là việc không “tích hợp” môn Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc.

Theo ông Vương, sự thay đổi này đòi hỏi trách nhiệm nâng cao chất lượng học tập môn Lịch sử ở các trường phổ thông và như vậy giáo dục lịch sử sẽ ngày một nặng hơn.

“Và muốn làm được điều này thì cần có sự cải cách lớn vả về lý luận lẫn các “thực tiễn giáo dục” - thứ vốn gần như vắng bóng ở Việt Nam do hệ quả của cơ chế “một chương trình - một sách giáo khoa” được thực hiện trong thời gian dài tạo ra”, Ths.Nguyễn Quốc Vương nhấn mạnh.

Theo định hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới có đặt ra môn Lịch sử Địa lý, điều này khiến người nghiên cứu giáo dục phổ thông lâu năm như ông Vương băn khoăn rằng, cơ sở lý thuyết nào sẽ là nền tảng cho sự tồn tại của môn học này?

Cơ sở nào để ghép hai môn học này lại làm một?

Khi ghép như vậy thì sẽ ghép theo nguyên lý nào?

Chương trình và sách giáo khoa sẽ gồm có hai phần Lịch sử, Địa lý độc lập như ở bậc tiểu học hiện hành hay ngoài hai phần độc lập đó sẽ có một vài chủ đề chung cho cả lịch sử và địa lý ở phần sau?

Nếu vậy, ai sẽ là người dạy chủ đề chung đó, giáo viên lịch sử hay giáo viên địa lý?

Dạy theo phương pháp nào?

“Nếu không có cơ sở lý luận để ghép hai môn thì việc ghép lại nói trên không có tác dụng gì lớn và trong thực tế nó vẫn là hai môn tồn tại độc lập.

Có khác chăng là học sinh dùng một cuốn sách giáo khoa thay cho hai cuốn như truyền thống”, ông Vương lưu ý.

Theo dự kiến, đối với giai đoạn định hướng nghề nghiệp thực hiện từ cấp THPT gồm 2 giai đoạn nhỏ: Lớp 10 được coi là dự hướng nghề nghiệp còn lớp 11-12 là giai đoạn tiếp cận nghề nghiệp.

Đề cập vấn đề này, ông Vương nhấn mạnh, chúng ta cần hiểu rằng giáo dục nghề nghiệp có nội hàm rất rộng không chỉ bao gồm đào tạo các kĩ năng để làm một nghề nghiệp nào đó.

Giáo dục nghề nghiệp có thể bao gồm cả nhận thức về các nghề phổ biến trong xã hội, tri thức về các nghề chủ yếu, gần gũi với bản thân, khám phá năng lực và khí chất của bản thân trong các nghề nghiệp thông qua trải nghiệm và quan trọng nhất là tạo ra ở học sinh ý thức về nghề nghiệp.

Tại Nhật Bản ngay từ tiểu học nội dung giáo dục nghề nghiệp đã được đưa vào trong các môn học khác nhau như Xã hội, Khoa học.

Đến bậc THCS học sinh được trải nghiệm làm việc trong thực tế với thời gian nhất định và để khám phá tư chất của bản thân và đến THPT thì học sinh được học nghề thực sự.

Chính vì vậy mà ngay cả chỉ tốt nghiệp THPT, ý thức về nghề nghiệp, về sự tự lập kinh tế của thanh niên Nhật vẫn tương đối tốt và họ có thể trở thành người lao động ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, ông Vương cũng muốn nhắn nhủ rằng, trên thế giới cho dù là ở những nước có nền giáo dục tiên tiến nhất cũng không ở đâu có một chương trình giáo dục phổ thông và các bộ sách giáo khoa hoàn hảo.

Bởi theo ông Vương, suy cho cùng chương trình hay sách giáo khoa cũng chỉ là một phương án tham khảo quan trọng đối với giáo viên khi tiến hành hướng dẫn học sinh học tập.

Trong nền giáo dục hiện đại, chương trình và sách giáo khoa phải đảm bảo và phát triển được tính năng động, tự chủ, sáng tạo ở cả giáo viên và học sinh.

Chương trình và sách giáo khoa mới của Việt Nam cần đáp ứng được yêu cầu đó nếu muốn đưa giáo dục Việt Nam hòa nhập với thế giới.

Tác giả bài viết: Thùy Linh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP